Nhật Bản nỗ lực ngăn chặn nạn quấy rối nữ quân nhân

VÂN NHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhằm xây dựng quân đội với quy mô lớn, Nhật Bản đang tăng cường chiêu mộ quân nhân nữ vào hàng ngũ quân đội nước này.

Phụ nữ chỉ chiếm 9% quân nhân ở Nhật Bản. Theo thống kê đến tháng 3/2023, tỷ lệ phụ nữ đăng ký gia nhập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã giảm 12%. Nguyên nhân là bởi nhiều phụ nữ lo ngại sẽ trở thành nạn nhân trong các vụ quấy rối tình dục thường xuyên xảy ra trong quân ngũ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cam kết thực hiện các biện pháp quyết liệt để giải quyết vấn nạn trên. Tuy nhiên, sau 9 tháng cam kết, chưa có kế hoạch cụ thể nào được đưa vào thực hiện.

Trong một báo cáo công bố vào tháng 8/2023, một hội đồng do chính phủ chỉ định đã xác định chương trình giáo dục hời hợt của lực lượng phòng vệ về quấy rối tình dục và thiếu sự giám sát tập trung đối với hoạt động đào tạo là những yếu tố góp phần gây ra các vấn đề văn hóa trong quân đội.

Nhật Bản nỗ lực ngăn chặn nạn quấy rối nữ quân nhân - ảnh 1
Phụ nữ chỉ chiếm 9% quân nhân ở Nhật Bản.

Giáo sư Makato Tadaki, người đứng đầu hội đồng, nhận định rằng một số buổi đào tạo ngăn chặn quấy rối chưa tương ứng với mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Một nữ quân nhân là nạn nhân của quấy rối tình dục cho biết chương trình tập huấn về phòng chống quấy rối mà cô tham gia trong 10 năm qua không thực sự hiệu quả.

Lời kêu gọi giải quyết tận gốc tình trạng quấy rối và gia tăng số lượng nữ quân nhân được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt cùng lúc với rất nhiều thách thức bao gồm già hóa dân số, các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga,...

Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định hành vi quấy rối "không bao giờ được phép, vì nó phá hủy lòng tin giữa các quân nhân và làm suy yếu sức mạnh của quân đội".

Cơ quan này cho biết đã tổ chức các bài giảng về phòng chống quấy rối từ năm 2023, tổ chức các buổi hội thảo và có kế hoạch mời các chuyên gia xem xét chương trình đào tạo trong năm nay.

Sau khi cựu quân nhân Rina Gonoi công khai cáo buộc tấn công tình dục vào năm 2022, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tiến hành một cuộc điều tra trong cùng năm và phát hiện hơn 170 vụ cáo buộc quấy rối tình dục trong nội bộ SDF.

Một nữ quân nhân khác ở tỉnh Okinawa đã cáo buộc một cấp trên có những lời lẽ khiếm nhã với cô vào năm 2013. Sau đó, cô bị nêu tên công khai trong tài liệu đào tạo về quấy rối được phân phát cho các đồng nghiệp của mình vào năm 2014. Tuy nhiên, người bị cáo buộc không được đề cập trong các tài liệu.

Nữ quân nhân ở Okinawa đã áp dụng đầy đủ quy trình khiếu nại nội bộ, nhưng không nhận được kết quả thỏa đáng, vì vậy vào năm 2023, cô đã quyết định đưa vụ việc ra pháp luật.

Rina Gonoi chia sẻ về chương trình đào tạo phòng chống quấy rối: "Thay vì cố gắng đưa ra lý thuyết suông về quấy rối tình dục, hãy chọn những tài liệu thiết thực và mang tính ứng dụng hơn".

Bộ Quốc phòng cung cấp một chương trình tập huấn phòng chống quấy rối cho các sĩ quan hàng năm, nhưng không theo dõi cách thức thực hiện khóa đào tạo.

Bỏ qua những lời biện minh của các quan chức, các chuyên gia đã kết luận rằng chương trình đào tạo hiện tại chỉ là "những tuyên bố chung chung, hời hợt" và "không hiệu quả trong việc áp dụng vào thực tiễn".

Trong khóa học phòng chống quấy rối cho hơn 100 sĩ quan quân đội tại một căn cứ ở ngoại ô Tokyo vào tháng 4, giảng viên Keiko Yoshimoto trình bày tình trạng quấy rối như một vấn đề giao tiếp thông thường và tập trung thảo luận về sự khác biệt giữa các thế hệ.

Theo bà Yoshimoto: “Sự khác biệt về thế hệ khiến mọi người khó giao tiếp, mọi người nên hiểu những điều cơ bản về giao tiếp trước khi có thể giải quyết vấn đề quấy rối tình dục”.

Giáo sư luật Tadaki, người chứng kiến một phần buổi học của giảng viên Yoshimoto, nhận định rằng "nó không giống buổi đào tạo mà tôi mong đợi trong bối cảnh có quá nhiều vụ quấy rối xảy ra như hiện nay".

Ông cho rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để tăng cường giám sát chất lượng đào tạo.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết việc đào tạo về quấy rối tình dục phần lớn được lồng ghép trong một chương trình giảng dạy rộng hơn.

Một số sĩ quan lo ngại việc tập trung quá nhiều vào vấn đề quấy rối có thể ảnh hưởng đến các hoạt động nội bộ và phát sinh nhiều vấn đề khác trong việc giải quyết khiếu nại.

Chia sẻ về vấn nạn trên, giáo sư Tadaki cho biết Nhật Bản có thể học hỏi từ quân đội các nước khác như Mỹ, Anh, Pháp “tập trung ngăn chặn hành vi quấy rối từ gốc rễ”, “xây dựng chương trình phòng ngừa xoay quanh cải thiện môi trường nội bộ và văn hóa của lực lượng phòng vệ”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cộng hòa Séc rất coi trọng quan hệ với Việt Nam

Cộng hòa Séc rất coi trọng quan hệ với Việt Nam

(PNTĐ) - Sáng ngày 24/7/2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Séc,bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã gặp bà Katerina Sequensova, Tổng Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Séc, phụ trách các nước ngoài EU và hợp tác kinh tế phát triển. Cùng dự có Đại sứ Việt Nam tại Séc, Dương Hoài Nam.