Phiên bản đột biến mới của biến thể Delta có đáng lo ngại?

Chia sẻ

Trong hai tháng qua, biến thể của virus SARS-CoV-2 Delta được xác định ở Ấn Độ đã nhanh chóng lây lan khắp thế giới. Trong khi các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu mức độ nguy hiểm của nó và tìm hiểu các vắc-xin đang lưu hành chống chọi biến thể Delta ra sao, Bộ Y tế Ấn Độ đã thông báo về sự xuất hiện của một biến thể mới - Delta Plus.

Tiêm phòng ở Ấn Độ.Tiêm phòng ở Ấn Độ.

Đột biến nguy hiểm

Virus đột biến liên tục trong quá trình tiến hóa không phải là điều đặc biệt. Điều tồi tệ là các đột biến ảnh hưởng đến các khu vực mà sự hung hãn của mầm bệnh phụ thuộc vào. Đây chính là tình huống xảy ra với biến thể Delta: nó có bốn thay đổi trong protein S (Spike Protein), protein này đóng vai trò then chốt trong khả năng giúp virus liên kết với thụ thể ACE2 mà nó sử dụng để xâm nhập vào tế bào.

Mặc dù hiện có nhiều loại thuốc kháng virus và vắc-xin nhắm vào protein đột biến còn gọi là protein S, nhưng, protein này càng đột biến, hiệu quả của vắc-xin càng thấp.

Dữ liệu cập nhật và đầy đủ nhất về tất cả các đột biến của virus SARS-CoV-2 có thể được tìm thấy trên cổng Outbreak.info là cổng thông tin của Viện Scripps với sự hỗ trợ của các tổ chức thuộc Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID), cổng thông tin này cung cấp quyền truy cập vào các kết quả nghiên cứu bộ gen.

Biến thể B.1.617 của SARS-CoV-2 được xác định lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10 năm 2020. Sau đó, 3 biến thể của chủng này đã được phát hiện bao gồm B.1.617.1 (Delta), B.1.617.2 (Kappa) và B.1.617.3 với các đột biến trong Protein S. Các biến thể B.1.617.1 và B.1.617.3 đang lây lan ở một mức độ hạn chế, và ngày nay WHO phân loại chúng là các "biến thể cần quan tâm". Hầu hết các ca nhiễm tồi tệ nhất trong làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ trong năm nay đều có liên quan đến biến thể B.1.617.2.

Ban đầu biến thể này đã được gọi là "chủng Ấn Độ". Sau đó nó được WHO chỉ định là biến thể Delta và được đưa vào phân nhóm “Biến thể đáng lo ngại” (Variants of Concern). Đây là những biến thể lây lan dễ dàng và nhanh hơn những biến thể khác, gây bệnh nặng hơn và ít nhạy cảm với các kháng thể tạo ra sau khi bị nhiễm bệnh hoặc sau khi tiêm chủng.

Các nhà khoa học cho rằng, các kháng thể đơn dòng được tạo ra trong phòng thí nghiệm đã cho thấy hiệu quả cao trong cuộc chiến chống lại các chủng gốc sẽ bất lực trước Delta Plus. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu để rút ra kết luận cuối cùng. Vẫn chưa có ý kiến thống nhất về việc có nên sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh COVID-19 do các loại virus corona khác chống lại Delta Plus hay không.

Một nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ của người dân trong làng ở ngoại ô Ahmedabad, Ấn Độ.Một nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ của người dân trong làng ở ngoại ô Ahmedabad, Ấn Độ.

Có thể đáng sợ hơn Delta

Theo các nhà khoa học, khả năng lây nhiễm của biến chủng Delta tăng lên nhờ 4 đột biến trong Protein S: L452R, T478K, D614G, P681R. Vào tháng 6 có báo cáo rằng, ở Nepal đã xác định biến thể B.1.617.2.1 với đột biến thứ năm - K417N - trong protein S, có thể làm giảm hoạt tính của huyết thanh và kháng thể của những người đã bị bệnh hoặc đã tiêm vaccine COVID-19.

Ngày 21 tháng 6, nhà chức trách Ấn Độ thông báo nước này đã ghi nhận khoảng 20 trường hợp nhiễm biến thể Nepal được gọi là Delta Plus (B.1.617.2.1) - đột biến mới của biến thể Delta.

Theo cổng thông tin của tổ chức khoa học Nextstrain chuyên theo dõi sự tiến hóa của mầm bệnh, vào khoảng tháng 3, chủng B.1.617.2 của Ấn Độ đã chia thành hai nhóm được gọi là Delta-AY.1 và Delta AY.2 và bắt đầu tích cực đột biến. Nhóm AY.1 mang lại biến thể Delta Plus, cho đến nay, ngoài Ấn Độ, nó đã được tìm thấy ở 11 quốc gia - Mỹ, Canada, Anh, Nga, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nepal và Thụy Sĩ.

Các nghiên cứu bộ gen cho thấy đột biến K417N đã có trong một số biến thể trước đó của SARS-CoV-2, đặc biệt là trong biến thể Alpha - B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh. Nó đặc biệt nguy hiểm khi kết hợp với các đột biến Delta khác.

Trong khi đó, nhóm Delta AY.1 tiếp tục đột biến. Gần đây, Bộ Y tế Công cộng Anh (PHE) báo cáo 63 biến thể trình tự gen của chủng Delta với đột biến K417N đã được xác định ở Anh.

Để phản ứng nhanh trước sự xuất hiện của những biến thể mới của virus corona, nhiều quốc gia đang tạo ra các cơ chế đặc biệt để giám sát bộ gen. Ví dụ, một cơ chế đang hoạt động hiệu quả ở Hoa Kỳ, trong hệ thống của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Các nhà khoa học Mỹ phân tích và theo dõi những thay đổi trong trình tự bộ gen của virus SARS-CoV-2. Nhiệm vụ của họ là tìm hiểu những thay đổi này ảnh hưởng như thế nào đến các đặc tính của virus để không bỏ lỡ sự xuất hiện của các biến thể mới có thể thoát khỏi hiệu quả của vắc-xin hoặc các thuốc kháng virus hiện có.

P.V

Tin cùng chuyên mục