Phong trào nữ quyền thế giới tiếp tục được nâng cao
(PNTĐ) - Trong những năm qua những làn sóng mạnh mẽ của phong trào nữ quyền đã giúp phụ nữ đạt được sự bình đẳng trên nhiều khía cạnh.
Vào năm 1919, hàng nghìn phụ nữ đã đứng trước Nhà Trắng và đấu tranh cho quyền được bầu cử và điều này đã trở thành hiện thực. Sự thay đổi này đã mở đường cho các đạo luật vào những năm 1920 nhằm thúc đẩy sức khỏe và giáo dục dành cho phụ nữ. Đến những năm 1960 và 1970, các cuộc biểu tình ủng hộ nữ quyền đã dẫn đến một loạt đạo luật nhằm đảm bảo quyền bình đẳng tại nơi làm việc, trường học, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng như gia đình.
Đến đầu những năm 2000, phong trào nữ quyền đã đấu tranh chống lại các thế lực áp bức như những từ ngữ mang định kiến giới, các linh vật thể thao có vẻ ngoài gây kích động bạo lực hoặc các linh vật đại diện không có nhân vật nữ. Phong trào nữ quyền thường được chia thành ba “làn sóng”. Làn sóng đầu tiên vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã thúc đẩy bình đẳng chính trị. Làn sóng thứ hai, vào những năm 1960 và 1970, thúc đẩy sự bình đẳng về pháp lý và nghề nghiệp. Làn sóng thứ ba, trong vài thập kỷ qua, đã thúc đẩy bình đẳng xã hội.
Nếu bình đẳng về luật pháp và chính trị khá rõ ràng và có thể đo lường, thì bình đẳng xã hội lại rất lập lờ và phức tạp. Phong trào nữ quyền hiện tại không phải là một cuộc phản đối chống lại những luật lệ bất công hay những thể chế phân biệt giới tính, mà nó là chống lại những định kiến vô thức của con người, cũng như những chuẩn mực và ảnh hưởng văn hóa đã bén rễ hàng thế kỷ gây bất lợi cho phụ nữ. Việc đấu tranh cho nữ quyền đã đạt được một số thành tựu nhất định. Trong vài thập kỷ qua, bạo lực tình dục đã giảm đi một nửa và bạo lực gia đình - một cách kinh ngạc, đã giảm hai phần ba. Tại Mỹ, các nghiên cứu đã chứng minh, phụ nữ đã vượt qua nam giới trong lực lượng lao động và gần 60% phụ nữ ở quốc gia này có bằng cử nhân đại học.
Gloria Steinem, nhà nữ quyền, nhà báo và nhà hoạt động nổi tiếng thế giới từng giải thích: "Câu chuyện về cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của phụ nữ không thuộc về riêng một nhà nữ quyền nào, cũng không thuộc về bất kỳ tổ chức nào, mà thuộc về nỗ lực chung của tất cả những ai quan tâm đến quyền con người".
Ngày nay, các nhà hoạt động nữ quyền vẫn đang tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu “giải phóng giới tính”, chống lại các hình ảnh rập khuôn về phụ nữ. Hàng loạt phong trào đã nổ ra và có tác động trên cầu như phong trào "#Metoo", kêu gọi mọi người, cộng đồng tự tin, mạnh dạn thoát khỏi sự sợ hãi, đứng lên chia sẻ những câu chuyện nhằm vạch trần các hành vi quấy rối và tấn công tình dục của những kẻ đồi trụy, đặc biệt là tại nơi làm việc. Với ý nghĩa: “Tôi cũng vậy”, khẩu hiệu này như muốn nói lên sự đồng tình, tán thành và quyết tâm vùng dậy đòi lại sự công bằng cho xã hội văn minh.
Bên cạnh đó, hàng loạt quốc gia đã thay đổi các đạo luật của mình nhằm tăng cường và bảo vệ quyền của phụ nữ như luật hiếp dâm tại Tây Ban Nha và 11 quốc gia châu Âu khác đã mở rộng định nghĩa pháp lý về hành vi hiếp dâm. Đạo luật này cũng phân loại hành vi quấy rối trên đường phố là tội hình sự và áp dụng hình phạt tù đối với hành vi quấy rối tình dục liên quan đến công việc.
Còn tại Lebanon, Hội đồng Hồi giáo cấp cao nước này đã thông qua sửa đổi Luật Gia đình, bao gồm một chương mới về hôn nhân của trẻ vị thành niên. Luật mới cấm kết hôn với trẻ em dưới 15 tuổi và quy định rằng các cô gái phải đồng ý kết hôn, nếu không cuộc hôn nhân có thể bị hủy bỏ. Chile cũng có động thái tương tự khi thay đổi hiến pháp để tăng cường thêm các quyền và lợi ích cho phụ nữ. Hay ở Afghanistan, nhiều phụ nữ đã xuống đường biểu tình khi Taliban lên nắm quyền và ngăn cản nhiều quyền của phụ nữ và trẻ em, trong đó có quyền được đến trường. Những người khác kiên trì lên tiếng theo những cách khác nhau, để bảo vệ quyền con người của họ.
Những biến động địa chính trị ngày càng khó lường trên thế giới khiến các phong trào phụ nữ phải trải qua nhiều thách thức. Tuy nhiên bằng những nỗ lực không ngừng, các phong trào phụ nữ tiến bộ trên thế giới đã trở thành điểm tựa, là cơ sở để phụ nữ được bảo vệ và không bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển của xã hội.