Phụ nữ lo lắng trước việc tái công nhận quyền chống phá thai

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phá thai đối với phụ nữ vốn là một vấn đề gây tranh cãi ở cả khía cạnh đạo đức lẫn chính trị. Vấn đề này càng trở nên nóng hơn bao giờ hết sau sự cố rò rỉ thông tin mới đây rằng Tòa án Tối cao Mỹ có thể sớm khôi phục việc cấm phá thai.

Luật chống phá thai của phụ nữ ở Mỹ được thiết lập vào năm 1973. Theo đó, phụ nữ ở Mỹ có quyền được phá thai chỉ trong ba tháng đầu của thai kỳ và bị cấm phá thai từ ba tháng tiếp sau. Đạo luật này đã gây ra sự phẫn nộ trong phụ nữ Mỹ bởi nếu được khôi phục sẽ không chỉ từ chối quyền tự do lựa chọn của phụ nữ mà còn đẩy phụ nữ vào nguy hiểm do mất quyền tiếp cận phá thai hợp pháp.

Không chỉ riêng Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang áp dụng những quyền phá thai hà khắc. Số liệu từ Trung tâm Quyền sinh sản đã tiết lộ trên thế giới hiện có 16 quốc gia cấm phá thai hoàn toàn. Ước tính có khoảng 40% phụ nữ trong độ tuổi sinh nở đang sống các quốc gia mà phá thai bị coi là bất hợp pháp.

Ba Lan được coi là một trong số những quốc gia ở châu Âu có luật chống phá thai hà khắc nhất. Thậm chí, quốc gia này còn ban hành một đạo luật của tòa án hiến pháp, trong đó cấm hoàn toàn việc phá thai dù thai nhi bị dị tật hồi tháng 1/2021. Tương tự, El Salvador cũng được cho là quốc gia có đạo luật chống phá thai rất hà khắc khi phụ nữ nước này bị cấm hoàn toàn việc phá thai vì bất cứ lý do gì từ năm 1998. Hậu quả của đạo luật này là đã có hơn 180 phụ nữ phải trải qua các ca cấp cứu sản khoa và sau đó bị truy tố vì “tội” phá thai trong vòng 2 thập kỷ qua.

Phụ nữ lo lắng trước việc tái công nhận quyền chống phá thai - ảnh 1
Nhà hoạt động ở Canada mang tấm biển với biểu ngữ ủng hộ phụ nữ Mỹ trước việc rò rỉ thông tin về đạo luật chống phá thai.  Ảnh: The Guardian

Một ví dụ khác có thể kể đến là phụ nữ ở Malta cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bị từ chối phá thai ngay cả khi tính mạng của họ bị đe dọa. Đặc biệt, nếu bị phát hiện phá thai dù để bảo vệ mạng sống, phụ nữ Malta cũng sẽ phải đối mặt với mức án ba năm tù. Cũng là “nạn nhân” của các đạo luật chống phá thai, châu Phi được đánh giá là nơi có tỷ lệ sản phụ tử vong cao nhất thế giới do 92% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở châu lục này không thể tiếp cận với các dịch vụ phá thai hợp pháp. Trung tâm Quyền sinh sản ước tính có tới 15.000 phụ nữ bị thiệt mạng một cách oan uổng mỗi năm tại lục địa này. Ở một số quốc gia như Ai Cập, Cộng hòa Dân chủ Congo và Senegal, phá thai bị coi là bất hợp pháp. Hiệp hội Luật sư Phụ nữ Senegal tiết lộ, 19% nữ tù nhân ở Senegal trong năm 2015 bị bắt với lý do phá thai.

Châu Á cũng không ngoại lệ khi phá thai là bất hợp pháp ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nếu phụ nữ vi phạm sẽ phải đối mặt với một năm tù giam và một khoản tiền phạt lớn, thậm chí phụ nữ điều trị sẩy thai nếu không thể chứng minh việc mang thai gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ hoặc có bằng chứng là em bé không thể sống sót cũng sẽ bị buộc tội cố gắng phá thai. Tương tự, nếu bị phát hiện phá thai ở Philippines có thể sẽ phải ngồi tù tới 6 năm. Việc này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến 1.000 phụ nữ Philippines thiệt mạng mỗi năm do các biến chứng và tỷ lệ trẻ em mang thai ở nước này thuộc top đầu thế giới.

Tuy nhiên một số quốc gia đã dần có những thay đổi về quyền chống phá thai như Chile đã cho phép can thiệp phá thai đối với tội hiếp dâm, hoặc nếu tính mạng của người mẹ hoặc em bé bị đe dọa vào năm 2017. Hay ở Ireland, phá thai đã được coi là hành động hợp pháp từ năm 2018 sau rất nhiều cuộc tranh cãi và sau một cuộc trưng cầu dân ý lật ngược lại lệnh cấm đã có trong hiến pháp của nước này từ trước. Trong khi đó, Tây Ban Nha nằm trong số hơn 50 quốc gia đã tự do hóa hoàn toàn luật phá thai và tăng cường trao quyền cho phụ nữ.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), việc cấm phá thai gần như không làm giảm đi tỷ lệ nạo phá thai trên toàn thế giới. Thậm chí nó còn khuyến khích việc phá thai không an toàn, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khiến hơn 47.000 phụ nữ trên thế giới thiệt mạng mỗi năm và 5 triệu phụ nữ khác phải nhập viện vì các biến chứng như chảy máu hoặc nhiễm trùng.

Tin cùng chuyên mục