SpaceX đầu tư mở rộng sản xuất ở Việt Nam

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tỷ phú Elon Musk vừa qua đã yêu cầu các đối tác cung ứng thiết bị Internet vệ tinh Starlink chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.

Động thái của các công ty này cũng một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược phát triển mạng internet vệ tinh của SpaceX - ông lớn hàng không vũ trụ Mỹ của tỷ phú Elon Musk.

SpaceX đầu tư mở rộng sản xuất ở Việt Nam - ảnh 1
Ông Elon Musk đặt nhiều kỳ vọng vào mạng vệ tinh Starlink - Ảnh: FIRST POST

Công ty Universal Microwave Technology, một nhà cung cấp của SpaceX, sẽ nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 12 triệu USD qua nhiều giai đoạn.

Một bản công bố thông tin gửi tới sàn chứng khoán Đài Loan (TWSE) tuần trước của Universal Microwave Technology nêu rõ, số vốn này sẽ được đưa vào Công ty TNHH Universal Microwave Technology (Việt Nam). Hiện doanh nghiệp này đang có dự án đầu tư 5 triệu USD, diện tích 3.360 m2 trong Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, theo giấy chứng nhận do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cấp hồi tháng 3.

Cũng theo phía Universal Microwave Technology, khoản đầu tư bổ sung nhằm phục vụ quá trình phát triển chung của công ty, gồm có việc lập thêm các cơ sở sản xuất nước ngoài nhằm tăng cường sự linh hoạt trong hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài Universal Microwave Technology, một trong những nhà cung cấp quan trọng của SpaceX là Wistron NeWeb Corporation (WNC) cũng đã chính thức sản xuất bộ định tuyến và các thiết bị mạng cho mạng internet vệ tinh Starlink tại cơ sở đặt tại Hà Nam, Việt Nam. Đây là một phần trong nỗ lực của SpaceX nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, mở rộng sản xuất ra ngoài các thị trường truyền thống.

SpaceX đầu tư mở rộng sản xuất ở Việt Nam - ảnh 2
SpaceX đã phóng hơn 6.000 vệ tinh Starlink và đang tiếp tục mở rộng mạng lưới vệ tinh của mình

Shenmao Technology, nhà cung cấp vật liệu hàn cho bảng mạch in, đối tác cung ứng linh kiện cho SpaceX, hồi tháng 4 vừa qua cũng cho biết sẽ chi 5 triệu USD để xây dựng một cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Việc các nhà cung cấp đồng loạt mở rộng sản xuất cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược phát triển mạng internet vệ tinh của tập đoàn hàng không vũ trụ Mỹ do Elon Musk đứng đầu. Với việc Starlink đang phát triển nhanh chóng và đòi hỏi nguồn cung ứng linh kiện ổn định, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho ông lớn này nhờ vào môi trường đầu tư thuận lợi và chính sách hỗ trợ công nghệ cao.

SpaceX đầu tư mở rộng sản xuất ở Việt Nam - ảnh 3
Nhiệm vụ Starling sẽ sử dụng một nhóm gồm bốn CubeSat trên quỹ đạo Trái đất thấp để thử nghiệm các công nghệ cho phép tàu vũ trụ hoạt động theo cách đồng bộ mà không cần tài nguyên từ mặt đất. Các công nghệ này sẽ nâng cao khả năng lập kế hoạch và thực hiện động tác bầy đàn, mạng lưới liên lạc, điều hướng tương đối và phối hợp tự động giữa các tàu vũ trụ.

Trước đó, SpaceX đã công bố khoản đầu tư trị giá 1,5 tỷ USD nhằm mở rộng vùng phủ sóng Internet băng thông rộng trên khắp Việt Nam. Tim Hughes, Phó chủ tịch cấp cao SpaceX công bố kế hoạch này với mong muốn mang lại những thay đổi đáng kể cho hạ tầng viễn thông của Việt Nam, từ đó tạo đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những vùng xa xôi, nơi mà việc tiếp cận Internet vẫn còn nhiều hạn chế.

Phó Chủ tịch SpaceX Tim Hughes cho biết thêm, công ty đã khởi động các dự án Internet vệ tinh từ cách đây 5 năm và hiện đang có hơn 6.000 vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Các vệ tinh của SpaceX có thể cung cấp Internet đến gần như mọi nơi trên Trái đất.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ăn sáng, làm việc với hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ăn sáng, làm việc với hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt

(PNTĐ) - Sáng 4/12, tại thủ đô Tokyo, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc ăn sáng-làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren, ông Fujimoto Masayoshi và ông Ueno Shingo, chủ trì.