Thế giới lo lắng bệnh viêm gan “bí ẩn” ở trẻ nhỏ
(PNTĐ) - Viêm gan “bí ẩn” ở trẻ nhỏ là một bệnh lý có xu hướng bùng phát trong thời gian gần đây. Điều đáng nói là thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
Ghi nhận hàng trăm trường hợp trên khắp thế giới
Đầu tháng 4 năm nay, Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Theo thông tin mới nhất của tổ chức này, tính đến ngày 12/5 cả thế giới đã ghi nhận hơn 460 trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ em. Trong đó có 176 trường hợp ở Anh, 106 trường hợp ở các nước EU (Ý và Tây Ban Nha là quốc gia có nhiều trường hợp mắc bệnh nhất trong khối, với lần lượt là 35 và 22 trường hợp nhiễm).
Bên ngoài EU có 181 trường hợp được báo cáo, trong đó có 109 trường hợp được xác định ở Mỹ. Các trường hợp mắc bệnh cũng đã được phát hiện ở Indonesia, Argentina, Brazil, Canada, Costa Rica, Israel, Nhật Bản, Panama, các lãnh thổ Palestine, Serbia, Singapore và Hàn Quốc. Trong số này, đã có 11 người chết trong đó có 5 người ở Indonesia, 1 người ở vùng lãnh thổ Palestine và 5 người ở Mỹ.

Hàng loạt cảnh báo đã được đưa ra
Trước những báo cáo ghi nhận số ca viêm gan “bí ẩn” tăng nhanh chóng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra cảnh báo trên toàn quốc, yêu cầu phụ huynh lưu ý các triệu chứng và báo cáo tất cả các trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân cho các sở y tế địa phương và tiểu bang. Theo CDC, tình trạng viêm gan có thể do nhiều yếu tố gây ra, từ nhiễm virus đến sử dụng rượu, điều kiện y tế… Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm gan bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu.
Theo Reuters, cảnh báo của CDC cũng lưu ý đến các phương pháp xét nghiệm một loại virus có tên Adenovirus, được cho là nguyên nhân gây ra căn bệnh. Lo lắng ngày càng gia tăng sau khi một nhóm trẻ em bị nhiễm bệnh viêm gan và Adenovirus là nguyên nhân, được xác định ở Alabama.
Theo đó, hồi, tháng 11, các bác sĩ lâm sàng tại một bệnh viện nhi ở bang này đã thông báo cho các quan chức y tế liên bang về 5 trẻ em bị “tổn thương gan đáng kể, trong đó có 3 em bị suy gan cấp tính, cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với Adenovirus”, 4 trường hợp bổ sung đã được xác định, trong đó có hai trường hợp chuyển nặng được chỉ định cấy ghép gan. “Mối liên quan có thể có giữa bệnh viêm gan ở trẻ em và nhiễm virus Adenovirus hiện đang được điều tra,” Reuters cho biết.
Tờ The Washington Post cũng trích dẫn cảnh báo của chuyên gia y tế: “Tại thời điểm này, Adenovirus có thể là nguyên nhân gây ra bệnh gan “bí ẩn” nhưng vẫn cần thực hiện thêm các nghiên cứu để xác thực”. Tiến sĩ Richard Malley, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Boston cho biết: “Căn bệnh vẫn còn đang trong giai đoạn đầu và thật khó để dự đoán liệu nó có trở thành đại dịch hay không.”
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng đã đưa ra những cảnh báo về các trường hợp viêm gan khác ở Đan Mạch, Ireland, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Ở châu Á, bộ Y tế Indonesia đã thành lập một hội đồng chuyên môn để tìm ra nguyên nhân gây bệnh dựa trên các xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, đồng thời, đẩy mạnh giám sát dịch tễ trên toàn quốc.
Lời khuyên của chuyên gia
Các tổ chức hàng đầu thế giới đã đưa ra một số biện pháp đơn giản nhàm bảo vệ trẻ trước căn bệnh này và có thể cả những căn bệnh lạ sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên cảnh giác với những dấu hiệu của bệnh viêm gan, đặc biệt là vàng da và liên hệ với bác sĩ nếu có lo lắng. Đồng thời cơ quan này khuyên các bậc phụ huynh nên có các biện pháp chủ động phòng bệnh cho con như tăng cường dinh dưỡng, tập luyện thể thao và vệ sinh tốt bao gồm cả rửa tay sát khuẩn liên tục.
CDC cũng ra khuyến cáo tương tự khuyến khích cha mẹ và người chăm sóc trẻ nhận thức được các triệu chứng của bệnh viêm gan và liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu có bất kỳ lo ngại nào. Cơ quan này khuyến cáo các bậc phụ huynh cho trẻ tiêm chủng đủ các mũ tiêm, đồng thời, cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng đều cần phải thực hiện các hành động phòng ngừa hàng như rửa tay thường xuyên, tránh những người bị bệnh, che miệng khi ho và hắt hơi, tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.