Tòa án Pháp xét xử vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam: Bước đi lịch sử của một khởi đầu

Chia sẻ

Ngày 25/1, đã diễn ra phiên tranh tụng đầu tiên tại Tòa đại hình thành phố Evry (ngoại ô Thủ đô Paris, Pháp) về vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Vụ kiện lịch sử đòi công lý

Phiên tòa được dự luận đánh giá là "lịch sử" đã thu hút đông đảo người tham dự. Tại phiên tòa, 15 luật sư phía bị đơn đã có hơn 4 giờ tranh luận và bảo vệ các thân chủ là 17 công ty hóa chất Mỹ, bao gồm Monsanto (được Bayer của Đức mua lại vào năm 2018) và Dow Chemical, trong khi 3 luật sư của bà Tố Nga chỉ có thời hạn là 1 tiếng rưỡi.

Thông qua phiên tòa này, bà Tố Nga và các tổ chức ủng hộ vụ kiện mong muốn thúc đẩy sự công nhận quốc tế về một "tội ác hủy diệt môi trường".

Theo luật sư của bà Tố Nga, ông William Bourdon, các công ty hóa chất Mỹ sử dụng tất cả các phương tiện có thể, không phải để ngăn cản phiên tòa diễn ra - vì họ không thể ngăn cản - mà để đưa ra các lập luận cho rằng, hành động của bà Tố Nga là không thể chấp nhận được, là thiếu cơ sở.

Các đại diện bên bị đơn biện hộ rằng, Tòa đại hình Evry không đủ năng lực để xử lý hồ sơ này. Luật sư Jean-Daniel Bretzner của Monsanto lập luận, các công ty này "hành động theo lệnh của một Nhà nước và nhân danh Nhà nước đó", vì vậy, họ có thể được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.

Tuy nhiên, Luật sư William Bourdon nhấn mạnh, lời biện hộ này đã lỗi thời: "Chúng tôi phản đối một cách vững chắc bằng cách dựa vào các quy định quốc gia, châu Âu và quốc tế. Có rất nhiều ví dụ trong lịch sử mà các công ty đa quốc gia đã cố gắng áp đặt sự bất khả kháng, rằng họ không phải chịu trách nhiệm vì chỉ tuân theo mệnh lệnh chính trị".

"Chúng tôi khá tự tin vì luật pháp đã phát triển theo hướng tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tư nhân, ngay cả khi họ tuyên bố đã hành động vì sự thúc ép của chính quyền", luật sư Bourdon nói.

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã diễn ra hôm 25/1 tại Pháp. (Nguồn: TTXVN).Vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã diễn ra hôm 25/1 tại Pháp. (Nguồn: TTXVN).

Dư luận ủng hộ

Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt Jean-Pierre Archambault đánh giá, phiên tranh tụng là "một bước tiến quan trọng" trong vụ kiện mà bà Tố Nga đã bền bỉ theo đuổi suốt hơn 6 năm qua, vì công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Ông Archambault cho rằng, lời biện hộ của các luật sư bảo vệ quyền lợi của các công ty đa quốc gia Mỹ "thật đáng rùng mình" bởi: "Họ cho rằng đó là hành động theo mệnh lệnh chính phủ Mỹ, do đó họ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào cho việc đã sản xuất các loại thuốc diệt cỏ nguy hiểm, khiến hàng triệu nạn nhân vẫn phải chịu đựng những di chứng sau khi chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm".

Tổng Thư ký Hội hữu nghị Pháp-Việt khẳng định: "Cuộc đấu tranh của bà Tố Nga sẽ còn tiếp tục và bà sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của chúng tôi".

Bà Marie Toussaint, Nghị sỹ châu Âu thuộc Đảng Xanh, không giấu nổi sự phẫn nộ trước việc luật sư bên bị đơn thậm chí còn đưa ra lập luật sai trái rằng, bà Tố Nga không còn chất da cam/dioxin trong máu.

Có thể thấy, các công ty Mỹ đã cố gắng bằng mọi cách rũ bỏ trách nhiệm của họ trong việc sản xuất ra chất độc da cam.

Lịch sử cho thấy trong chiến tranh, những vũ khí nguyên tử đã hủy diệt không những đất đai và con người lúc đó, mà còn ảnh hưởng nặng nề cho nhiều thế hệ sau này.

Theo bà Toussaint, điều tương tự cũng xảy ra đối với những hóa chất độc hại như da cam/dioxin. Các công ty không thể nói rằng, họ sản xuất theo lệnh của chính phủ Mỹ, vì chính họ đã nghiên cứu, thử nghiệm và tham gia đấu thầu cung cấp các hóa chất này cho quân đội Mỹ.

"Chúng ta cần công lý để xây dựng hòa bình. Và không ai có quyền sản xuất ra những hóa chất độc hại ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, kể cả trong thời kỳ chiến tranh hay hòa bình", Nghị sĩ Toussaint khẳng định.

Theo ông Jean-Marc Defrémont, Thị trưởng thành phố Savigny-sur-Orge, các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra các chất diệt cỏ, phá hủy môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, họ chưa phải chịu một sự trừng phạt nào.

"Vì vậy, chúng tôi ủng hộ vụ kiện của bà Tố Nga với tư cách là những người bảo vệ sinh thái", ông Defrémont nói.

Sự đấu tranh kiên trì và bền bỉ

Các luật sư William Bourdon, Amélie Lefebvre, Bertrand Repolt đã đồng hành bên bà Tố Nga suốt hơn 10 năm qua, với nhiều dấu mốc quan trọng.

Vào tháng 5/2009, bà Tố Nga đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ở Paris.

Cũng từ đó, với sự đồng hành của luật sư William Bourdon và nhà văn André Bouny, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam-dioxin Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ đã làm bà, con cháu cùng hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc hóa học.

Trước đó, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) chống lại 37 công ty hóa chất Mỹ.

Bà Tố Nga hiểu rằng lúc bấy giờ, bà là trường hợp duy nhất có thể khởi kiện và là cơ may cuối cùng cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, "vì tôi hội đủ 3 điều kiện: là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật cho phép luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình, và là nạn nhân chất độc dioxin".

Tháng 5/2013, Tòa đại hình Evry đã chấp thuận đơn của bà Tố Nga khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ.

Tháng 4/2014, bà nhận được thông báo tòa mở phiên đầu tiên với danh sách hầu tòa của 19 công ty hóa chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, những công ty chưa một lần ra trước bất cứ tòa án nào ở nhiều nước.

Sáu năm trôi qua với 19 phiên thủ tục, bà Tố Nga đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại do phía bị đơn gây ra, cũng như những căn bệnh hiểm nghèo.

Sự kiện mong đợi cũng thực sự bắt đầu khi vào ngày 29/6/2020 vừa qua, thẩm phán phiên thủ tục thứ 19 đã quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12/10/2020. Tuy sự kiện này bị dời đến ngày 25/1/2021, song mỗi phiên tòa là một bước tiến của những người ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Các luật sư và những người ủng hộ vụ kiện này ở Pháp cho rằng, đây là bước tiến của cuộc đấu tranh đầy gian khó nhưng cũng đầy quyết tâm của bà Tố Nga vì công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

Từ một người đơn độc, đến nay, bà Tố Nga đã có hàng chục nghìn người từ nhiều nước trên thế giới làm bạn đồng hành, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi sinh ra sau chiến tranh Việt Nam.

Sinh năm 1942 tại Sóc Trăng, bà Trần Tố Nga đã tham gia chiến đấu vì nền độc lập của đất nước.

Bà đã từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP). Chính trong thời gian này, bà cũng như hàng triệu nạn nhân khác, đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hơn 50 năm sau, trong máu vẫn còn chất độc dioxine, khiến bà mắc nhiều trọng bệnh.

Dù Tòa dự kiến tuyên án vào tháng 5 tới, song với bà, cuộc chiến mới với đầy cam go sẽ còn kéo dài. Bà Tố Nga khẳng định, "chúng tôi sẽ kiên trì và bền bỉ tiếp tục như chặng đường hơn 6 năm qua".

Bà Tố Nga hy vọng, ngày hôm nay là khởi đầu cho sự ủng hộ ngày càng nhiều, vì công lý không chỉ cho riêng bà mà cho tất cả các nạn nhân da cam/dioxin.

(Theo TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.