Tranh cãi phương pháp xét nghiệm Covid-19 tại nhà

Chia sẻ

Các ca Covid-19 gia tăng nhanh chóng trong cộng đồng tại nhiều quốc gia trên thế giới đã gây quá tải cho hệ thống y tế. Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhà được coi là “cứu cánh” giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh phương pháp xét nghiệm mới này.

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 tại Italy hiển thị một vạch tương đương kết quả âm tínhBộ kit xét nghiệm Covid-19 tại Italy hiển thị một vạch tương đương kết quả âm tính (Ảnh: AFP)

Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên cấp phép sử dụng hai loại kit tự xét nghiệm Covid-19 kèm điều kiện nhà sản xuất phải cung cấp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trong vòng 3 tháng gần nhất.

Bộ kit tự xét nghiệm cho kết quả nhanh chóng sau 15 phút, tuy nhiên độ nhạy chỉ đạt gần 90% so với 98% của phương pháp xét nghiệm PCR.

Kit xét nghiệm tại nhà được phân phối rộng rãi để người dân có thể mua dễ dàng ở các quầy thuốc địa phương hay các gian hàng trên mạng với mức giá giao động từ 8-9 USD một bộ. Nếu tự xét nghiệm cho ra kết quả dương tính thì người sử dụng phải thực hiện tiếp xét nghiệm PCR.

Sau gần 3 tháng, số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc vẫn tăng mạnh do biến chủng Delta khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Họ cho rằng việc xét nghiệm tại nhà mà không có các quy chuẩn quy định chặt chẽ có thể là nguyên nhân âm thầm gây ra lây nhiễm trong cộng đồng.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) nhấn mạnh: "Độ nhạy và tỷ lệ âm tính giả ở kit tự xét nghiệm khác với nghiên cứu và báo cáo ban đầu. Do đó, chúng tôi chưa cân nhắc đưa kit tự xét nghiệm vào sử dụng tại cơ sở công cộng".

Tương tự Hàn Quốc, Ấn Độ sử dụng que phết mũi CoviSelf thay thế que lấy mẫu dịch hầu họng làm phương tiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhà. Để có thể sử dụng, người dùng cần phải quét mã QR trên hộp để nhận hướng dẫn sử dụng và khai báo kết quả xét nghiệm. Khi thiết bị hiển thị kết quả 2 vạch là dương tính, người dùng cần phải làm lại xét nghiệm PCR và cách ly theo hướng dẫn của cơ quan y tế. CoviSelf cũng được bán rộng rãi trên các trang thương mại điện tử hay các nhà thuốc tư nhân.

Tuy nhiên, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) cảnh báo hiện tượng âm tính giả hoàn toàn có khả năng xảy ra nếu nồng độ virus trong mẫu thấp. Do đó, cơ quan này yêu cầu người sử dụng dù đã có xét nghiệm âm tính nhưng nếu xuất hiện triệu chứng bệnh thì cần được xem như đã nhiễm bệnh.

Hàng loạt quốc gia phương Tây cũng đã phổ biến kit tự xét nghiệm như một cách thức giúp hướng tới nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thậm chí còn coi phương pháp xét nghiệm tại nhà như là “chìa khoá” giúp nền kinh tế Đức sớm “mở khoá” để trở lại trạng thái bình thường.

Áo cũng đã đưa bộ kit tự xét nghiệm đến các trường học, đồng thời, thực hiện phát miễn phí tại các hiệu thuốc. Người dân Anh được nhận kit tự xét nghiệm Covid-19 ngay trên đường phố. Ý cũng thực hiện bán các bộ kit xét nghiệm tại nhà trong các hiệu thuốc, siêu thị và một số cửa hàng tiện lợi.

Mặc dù vậy, mối lo về hiệu quả thực sự của các xét nghiệm tại nhà vẫn làm các quan chức phương Tây “đau đầu”. Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa kit xét nghiệm nhanh tại nhà của hãng Abbott vào “danh sách đen” khi để lọt tới 2/3 ca nhiễm không triệu chứng.

Bộ Y tế Pháp hồi tháng 4 chỉ cho phép kit xét nghiệm tại nhà được bán trong các hiệu thuốc và yêu cầu dược sĩ phải hướng dẫn người mua cách sử dụng cũng như khuyến cáo y tế khi có kết quả dương tính.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) bày tỏ quan ngại rằng, sai sót trong báo cáo kết quả xét nghiệm giữa người dân và chuyên viên y tế cũng như phòng thí nghiệm có thể dẫn đến tình trạng ghi nhận ca nhiễm thiếu sót, tạo thêm khó khăn cho các biện pháp truy vết tiếp xúc và cách ly.

ECDC còn đặc biệt lo lắng nếu người dân sử dụng xét nghiệm tại nhà, nhân viên y tế có thể sẽ không thể tiếp cận và thu thập mẫu bệnh phẩm nhằm phục vụ quá trình giải trình tự gene trong phòng thí nghiệm, nhất là đối với các biến chủng mới.

"Những chỉ dấu mang tính “sống còn” như tỷ lệ xét nghiệm, tỷ lệ dương tính, tỷ lệ phát hiện ca nhiễm có thể bị ảnh hưởng do sử dụng kit tự xét nghiệm. Do đó sẽ gây khó khăn trong việc dự đoán xu hướng dịch trong tương lai", ECDC cảnh báo.

 ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.