Việt Nam được công nhận là kinh tế thị trường: Cơ hội lịch sử và thách thức tiềm tàng
(PNTĐ) - Trong thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tại Việt Nam đang đặc biệt chú ý đến diễn biến Hoa Kỳ cân nhắc việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần, lắng nghe ý kiến các bên liên quan để chuẩn bị cho quyết định quan trọng này.
Tác động tâm lý tích cực lan tỏa khu vực
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Thế Bình, chuyên gia đầu tư và tư vấn tài chính, nhận định việc Hoa Kỳ chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn, đồng thời cũng tiềm ẩn không ít thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Trước hết, công nhận này sẽ mang tác dụng tâm lý rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Việt Nam. "Nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, về mặt tâm lý sẽ rất thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các đối tác thân cận với Hoa Kỳ khi hợp tác với Việt Nam. Các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc cũng sẽ gạt bỏ được những hoài nghi về cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư vào thị trường này", ông Bình phân tích.
Quả thực, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở mức cao, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn khá khiêm tốn, chưa đạt tới top 5 quốc gia có vốn FDI nhiều nhất. Nguyên nhân chính được xác định là do rào cản về thể chế, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật chưa thực sự hoàn thiện.
“Công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam từ phía Hoa Kỳ sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc này, thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng đầu tư vào Việt Nam từ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ và các đối tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, chuyên gia Lê Thế Bình nhận định.
Cơ hội và thách thức trực tiếp cho doanh nghiệp Việt Nam
Bên cạnh tác dụng lan tỏa tích cực lên môi trường đầu tư nói chung, công nhận kinh tế thị trường cũng sẽ mang đến nhiều lợi ích và khó khăn riêng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
"Về phần cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi rất lớn trong xuất khẩu các mặt hàng trực tiếp sang thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là các lĩnh vực truyền thống như thủy sản, nông sản, gỗ và dệt may. Đây đều là các ngành xuất khẩu chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sản phẩm Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội đàm phán đầu ra thuận lợi hơn khi không bị coi là sản phẩm từ nền kinh tế phi thị trường và đương đầu với thuế quan cao", chuyên gia Lê Thế Bình cho biết.
Cùng với đó, các ngành hỗ trợ phục vụ hoạt động xuất khẩu như khu công nghiệp, điện, nước sạch cũng được kỳ vọng đón nhận dòng vốn đầu tư dồi dào hơn. Song song lợi ích trực tiếp, quá trình này cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Chuyên gia Lê Thế Bình đánh giá cao xu hướng phân hóa, tái cơ cấu trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi chịu áp lực cạnh tranh mới: "Doanh nghiệp FDI đã nghiên cứu thị trường Việt Nam rất kỹ nên họ sẽ biết cách khai thác tối ưu lợi thế từ công nhận nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tích cực thích ứng và phân hóa: những doanh nghiệp nào khai thác tốt cơ hội mới sẽ phát triển, còn những doanh nghiệp không theo kịp sẽ bị đào thải”, ông Bình chỉ ra.
Cũng theo chuyên gia, những ngành như đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng chuẩn mực quốc tế hay các lĩnh vực dịch vụ như ăn uống, lưu trú, du lịch nếu hoạt động tốt sẽ được hưởng lợi từ thu nhập người dân tăng nhanh.
Lấp đầy khoảng trống về việc làm
Những khó khăn từ áp lực cạnh tranh mới có thể mở ra cơ hội lớn cho một số ngành tại Việt Nam phục vụ nhu cầu nâng cao năng lực nguồn nhân lực. Ông Lê Thế Bình cho biết thêm: "Các ngành như đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng chuẩn mực quốc tế hay các lĩnh vực dịch vụ như ăn uống, lưu trú, du lịch sẽ có điều kiện phát triển thuận lợi hơn", ông nhận định. "Thu nhập người dân tăng lên sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các dịch vụ này nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tốt."
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý một điểm lạc quan là dù gặp áp lực cạnh tranh lớn, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động trong nước vẫn có thể tồn tại, bởi không phải tất cả đều buộc phải quốc tế hóa. "Quan trọng là làm tốt vai trò của mình trong thị trường nội địa, cung cấp sản phẩm dịch vụ chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Một trong những lợi ích lớn khác nếu Việt Nam được xác nhận là nền kinh tế thị trường chính là giảm áp lực về xuất khẩu lao động, lấp đầy khoảng trống về việc làm trong nước. "Xét về vĩ mô, Việt Nam hiện đang sở hữu lực lượng lao động trẻ rất lớn, được coi là dân số vàng. Tuy nhiên, trong nước vẫn chưa có đủ việc làm và giá trị gia tăng cao nên lượng lớn lực lượng này phải đi xuất khẩu lao động," ông Lê Thế Bình phân tích.
"Nếu Việt Nam là nền kinh tế thị trường, với sự gia tăng đầu tư nước ngoài và cơ hội thương mại mở rộng, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trong nước, qua đó số lượng lao động phải đi xuất khẩu sẽ giảm đáng kể", chuyên gia trên nhấn mạnh.