Việt Nam được xếp vào nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới
(PNTĐ) - Theo S&P Global Insights, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu.
Chuyên gia Rajiv Biswas của S&P Global nhận định, trong thập kỷ tới, khu vực châu Á Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị năng lượng thường niên APPEC, ông Rajiv Biswas – chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương của S&P Global cho rằng châu Á Thái Bình Dương sẽ trở thành “động lực chủ chốt” thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng không chỉ trong ngắn hạn mà là cả dài hạn.
“Khi nhìn về thập kỷ tới, chúng tôi thực sự kỳ vọng châu Á Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới”, ông nói, đồng thời lưu ý rằng Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ là những điểm sáng chính trong khu vực.
“Kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng vượt trội, trong khi các nền kinh tế Đông Nam Á đặc biệt là Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất thế giới thập kỷ tới”, chuyên gia của S&P Global cho hay.
Trong quý 2/2023, GDP Việt Nam tăng trưởng 4,14% so với cùng kỳ. Trước đó, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 3,28% trong quý 1. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, tăng trưởng 5,17%, trong khi Philippines tăng trưởng 4,3%.
Trong cùng kỳ, GDP của Ấn Độ tăng trưởng 7,8%, đạt mức cao nhất trong 1 năm. S&P Global cũng từng đưa ra dự báo cho biết, Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030 với GDP đạt 7.300 tỷ USD, tăng từ con số 3.500 tỷ USD trong năm 2022.
Dự báo, tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng từ 3,3% năm 2022 lên 4,2% trong năm nay.
Theo ước tính của S&P, trong thập kỷ tới, khu vực này sẽ đóng góp khoảng 55% tăng trưởng GDP toàn cầu.
Mặc dù vậy, Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng góp 15% trong thập kỷ tới. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng sẽ đóng góp vào khoảng 1/3 tổng mức tăng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ông Biswas cũng lưu ý rằng sự phục hồi của Trung Quốc yếu hơn dự kiến và “đà tăng trưởng đang bị ảnh hưởng”. Đất nước tỷ dân đang chịu tác động bởi hàng loạt dữ liệu kinh tế không như mong đợi.
Nhìn chung, S&P dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 2,5% trong năm nay và năm tới.