Việt Nam là một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với vị thế "con hổ mới của châu Á", Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất trên thế giới. Báo cáo được đưa ra bởi Đối tác Tri thức Toàn cầu về Di cư và Phát triển (KNOMAD), thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu, tính đến tháng 06/2022, kiều bào đã có 376 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam. Tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2022 theo đánh giá của WB đã tăng trưởng 4,4% so với năm 2021 và từ 3,6 - 4,5% trong năm 2023. Đây là nguồn thu ngoại tệ quan trọng đảm bảo cung cầu ngoại tệ, điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của đất nước.

Kiều hối là sự dịch chuyển của dòng tiền từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình.

Báo cáo về Di trú và Phát triển do KNOMAD thực hiện nhận định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm vừa qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước.

Cụ thể, theo số liệu của WB tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và từ 3,6%-4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021. Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD. Với con số ấn tượng này, Việt Nam đã lọt top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới - ảnh 1
Việt Nam là một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới

 

Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu về lượng kiều hối của cả nước. Nói về điều này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lượng kiều hối đổ về thành phố năm nay dự báo đạt khoảng 6,8 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh năm nay tuy thấp hơn năm ngoái, nhưng vẫn là mức tốt. Đây là một nguồn thu ngoại tệ vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo cân đối cung-cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá. Bên cạnh đó, theo ông, dòng kiều hối đổ về lớn là một tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính giúp Việt Nam có thể bù đắp, giảm thiểu sự ảnh hưởng của của suy thoái kinh tế đất nước.

Theo các chuyên gia, lượng kiều hối về Việt Nam đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ, bởi cuối năm là thời điểm người Việt lao động ở nước ngoài, kiều bào gửi tiền về Việt Nam hỗ trợ người thân hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh. Một số công ty hoạt động trong lĩnh vực kiều hối cho biết, lượng kiều hối tăng lên trong những tháng cuối năm một phần đến từ sự phát triển các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng, cùng với đó là chi phí chuyển tiền cũng ở mức hợp lý hơn so với trước đây.

Các loại tài sản được xem là kiều hối gồm: tiền hoặc các loại giấy tờ có giá, có đơn vị ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế. Đối với các nước, nhất là quốc gia đang phát triển, kiều hối mang lại những lợi ích tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Thực tế, theo các chuyên gia, tại Việt Nam, nếu so với nguồn thu từ xuất khẩu thì kiều hối là khá nhỏ, tuy nhiên nếu so với xuất khẩu ròng thì nguồn thu kiều hối lại lớn hơn rất nhiều lần, thậm chí nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn giải ngân FDI. Cụ thể, tổng kiều hối từ năm 1993 (năm đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài) đến nay đạt hơn 200 tỷ USD so với khoảng 190 tỷ USD FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay. Trong giai đoạn hơn 10 năm (2011-2022), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có tỷ lệ tăng trung bình khoảng 7%/năm. Những kết quả đóng góp vào nền kinh tế những năm qua phản ánh vai trò rất quan trọng của kiều hối cho nền kinh tế Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

(PNTĐ) - Khu vực châu Phi cận Sahara đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ lên tới 70% - cao nhất toàn cầu. Tình trạng đáng báo động này tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của châu lục và đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia.
Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

(PNTĐ) - Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, song, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em. Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới, thiếu tiếp cận chăm sóc y tế và sự thiếu hiểu biết vẫn là những rào cản lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.