Việt Nam sẽ sớm vươn lên trở thành con rồng mới của châu Á
(PNTĐ) - Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin rằng, không có khó khăn, thách thức nào ngăn trở được sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, qua đó tiếp tục khẳng định nền kinh tế Việt Nam là một con rồng mới của khu vực châu Á.
Kỳ tích phi thường của Việt Nam
Năm mới Giáp Thìn, người ta ngày càng nói nhiều về việc Việt Nam trở thành rồng châu Á. Theo truyền thuyết, dân tộc Việt Nam có sự tích con Rồng cháu Tiên. Năm Rồng người ta kỳ vọng vào sự bứt phá, thịnh vượng, sức mạnh quyền lực tối cao và cơ hội để đất nước hoá rồng.
Từng phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề sau chiến tranh thảm khốc, vật lộn về kinh tế, chính công cuộc Đổi mới 1986 thần kỳ của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giúp Việt Nam mở cửa với thế giới, vươn lên đạt được những thành tựu to lớn và hứa hẹn cơ hội trở thành con rồng mới của châu Á. Sau gần 40 năm Đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện. Những thành công của kinh tế Việt Nam được nhiều lãnh đạo thế giới, các tổ chức quốc tế, các nước trong Liên Hợp Quốc coi là “kỳ tích phi thường”.

Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20; ký 16 FTA với hơn 60 nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Việt Nam nhiều lần khẳng định “đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như hiện nay”.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau 37 năm Đổi mới, đến năm 2023, quy mô GDP Việt Nam đạt xấp xỉ 450 tỷ USD, tăng khoảng 50 lần. Đáng chú ý, giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam lọt vào Top 5 nước có quy mô kinh tế tăng trưởng nhiều nhất thế giới. Dễ thấy nhất, từ một nước bị thiếu lương thực, đói ăn, bị cấm vận, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo cùng nhiều mặt hàng nông sản khác thuộc top đầu thế giới.
“Nền kinh tế Việt Nam có thể hoá rồng”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm vươn lên trở thành con rồng mới của châu Á. Bộ trưởng nhấn mạnh, biểu tượng con rồng của năm Giáp Thìn, năm 2024, tượng trưng cho sức mạnh, niềm tin mãnh liệt của người châu Á.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ, hợp tác, đồng hành của cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài,… không có khó khăn, thách thức nào ngăn trở được sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, qua đó tiếp tục khẳng định nền kinh tế Việt Nam là một con rồng mới của khu vực châu Á”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam
Nói về lĩnh vực chip bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Ông dẫn chứng, Việt Nam không chỉ có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, mà Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Bộ trưởng khẳng định, “đây là bước chuẩn bị rất bài bản”.
Ngoài ra, Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Việt Nam cũng đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan...

Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), đồng thời có 3 khu công nghệ cao ở TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Hiện đã có nhiều tập đoàn công nghệ lớn như John Cockerill, Synopsys, Cadence, rồi Google, Meta, Siemens, Hitachi, Samsung, SpaceX… đến để hợp tác với NIC trong các hoạt động về đổi mới sáng tạo, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số và đào tạo phát triển nguồn nhân lực số...
Hàng loạt nhà đầu tư tầm cỡ trong lĩnh vực bán dẫn, AI, như Intel, Nvidia, Qualcomm, Ampere, ARM, Synopsys… cũng đã đến làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

“Cơ hội phải nói là rất lớn”, Bộ trưởng chỉ rõ, việc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... đã chứng minh cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Đúc kết lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng, mục tiêu lớn lao, thách thức là không nhỏ, nhưng nếu như tất cả chúng ta đều có tinh thần quyết tâm, không gì là không thể, với một tâm sáng và một trái tim lửa, cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ để tự tin cùng nhau phấn đấu nỗ lực, chăm chỉ mỗi ngày, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm vươn lên trở thành con rồng mới của châu Á.