WhatsApp kiện đạo luật truyền thông mới của chính phủ Ấn Độ
WhatsApp đã đệ đơn khiếu nại cáo buộc chính phủ Ấn Độ tìm cách chặn các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của ứng dụng này.
Theo đó chính quyền yêu cầu WhatsApp phải công bố danh tính những người lan truyền tin giả. Trong khi ứng dụng trò chuyện hàng đầu này cho rằng vì tính riêng tư của người dùng, mọi tin nhắn mà người dùng trao đổi đều được mã hoá. Nếu họ ngưng mã hoá và công bố những đoạn tin này sẽ là vi phạm nguyên tắc riêng tư của gần 400 triệu người dùng ở Ấn Độ.
Vụ kiện làm leo thang căng thẳng giữa chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Facebook, Alphabet - công ty mẹ của Google và Twitter tại một trong những thị trường lớn của các công ty này.
WhatsApp cho rằng đạo luật mới của Ấn Độ có thể làm ảnh hưởng tới quyền riêng tư của người dùng. (Ảnh: minh hoạ)
Chính phủ đã mạnh tay yêu cầu các công ty công nghệ gỡ bỏ các tin tức giả mạo về Covid-19 đang tàn phá Ấn Độ và những chỉ trích về phản ứng của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi ngày.
Facebook - công ty mẹ của WhatsApp cùng nhiều công ty công nghệ lớn khác đã đầu tư vào Ấn Độ. Tuy nhiên, các quy định khắt khe của chính quyền nước này ngày càng khiến những gã khổng lồ công nghệ lo lắng. Quy định mới yêu cầu các công ty truyền thông xã hội lớn phải có người Ấn Độ trong bộ máy lãnh đạo và phải xóa nội dung trong vòng 36 giờ nếu có yêu cầu của chính phủ và thiết lập cơ chế phản hồi các khiếu nại; sử dụng các quy trình tự động để gỡ bỏ nội dung khiêu dâm.
Facebook cho biết đã đồng ý với hầu hết các điều khoản nhưng vẫn đang tìm cách thương lượng một số điều khoản khác trong khi Twitter - vốn bị chỉ trích nặng nề vì không gỡ các bài đăng phê phán hành động của chính phủ từ chối bình luận.
Đơn kiện của WhatsApp trích dẫn một phán quyết của Tòa án Tối cao Ấn Độ năm 2017 ủng hộ quyền riêng tư được gọi là Puttaswamy (phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án tối cao Ấn Độ, cho rằng quyền riêng tư được bảo vệ như một quyền cơ bản theo Điều 14, 19 và 21 của Hiến pháp Ấn Độ).
Nhiều chuyên gia đã ủng hộ lập luận của WhatsApp. Học giả Riana Pfefferkorn của Đài quan sát Internet Stanford viết: “Các yêu cầu lọc và truy xuất nguồn gốc mới có thể chấm dứt mã hóa người dùng ở Ấn Độ.
HOÀNG ANH