Yêu cầu tạm dừng đấu giá sắc phong bị đánh cắp của Việt Nam
(PNTĐ) - Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin đến báo giới về việc sắc phong Việt Nam đang đấu giá tại Trung Quốc tại họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 20/4 tại Hà Nội.
Tạm dừng đấu giá sắc phong
Tại họp báo, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao sau khi trao đổi với Bộ VHTT&DL cũng như UBND tỉnh Phú Thọ, ĐSQ Việt Nam tại Thượng Hải đã liên hệ và làm việc với cơ quan chức năng của thành phố Thượng Hải đề nghị tạm dừng đấu giá sắc phong Việt Nam.
“Chúng tôi cũng yêu cầu phía Thượng Hải cung cấp thông tin liên quan đến các sắc phong. Ngày 19/4, đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải đã quyết định dừng cuộc đấu giá này và sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam cung cấp các thông tin liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ VHTT&DL cùng các cơ quan liên quan theo dõi sát sự việc", ông Việt nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 12/4, trên website của công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đăng tải thông tin vào 9h30 ngày 22/4/2023, tại khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải sẽ diễn ra phiên đấu giá với tên gọi Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm (ký hiệu phiên đấu giá S23041). Hiện vật đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có những đạo sắc có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã đề nghị 5 địa phương xác minh thông tin nêu trên. Các địa phương Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương xác nhận các đạo sắc phong bị rao bán là tài sản bị đánh cắp do địa phương quản lý.
Bộ Ngoại giao thông tin về kết quả chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Cũng tại cuộc họp báo chiều 20/4, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra bình luận về phát ngôn liên quan đến an ninh trên Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Hoa Kỳ tuyên bố rằng sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực đối phó với hành vi cưỡng ép, đe dọa của các nước khác đối với tàu cá của họ. Phát ngôn này nhận chỉ trích từ ĐSQ Trung Quốc tại Việt Nam và cho rằng tuyên bố của Hoa Kỳ đang "gieo rắc xích mích, tạo bất hòa và sớm thất bại”. Theo ĐSQ Trung Quốc, hòa bình, ổn định trên Biển Đông đạt được do nỗ lực của Trung Quốc và các bên.
Trả lời báo giới, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bình luận:
“Việc duy trì an ninh, an toàn và tự do hàng hải và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông liên quan mật thiết đến hòa bình, hợp tác và phát triển, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Việt Nam mong muốn các bên liên quan đóng góp một cách có trách nhiệm vào việc này trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982)".
Về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết: “Theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-16/4/2023. Trong trao đổi, hai bên nhất trí với nguyên tắc cơ bản của quan hệ song phương. Trong đó có nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Hai bên cũng trao đổi về kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện”, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh. Ông Việt cũng cho biết thêm các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước sẽ được Bộ Ngoại giao thông báo trong thời gian tới.
Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam
Liên quan đến thông tin Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5 - 6/8/2023, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Lệnh cấm đánh bắt cá nêu trên đã xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển đặc quyền kinh tế theo Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đóng góp, duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông".
Sơ tán công dân nếu căng thẳng ở eo biển Đài Loan leo thang
Cũng tại họp báo, trả lời báo giới về việc Việt Nam có kế hoạch sơ tán công dân trong trường hợp căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan leo thang như Indonesia hay không, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết:
“Về công tác bảo hộ công dân nhằm đảm bảo quyền hợp pháp và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài, đây cũng là chủ trương mà Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng. Hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan có vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, phát triển và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam mong muốn các bên liên quan duy trì hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan".
Việt Nam có kế hoạch phòng chống COVID-19 mới
Liên quan đến số ca COVID-19 tăng cao trong thời gian gần đây, đặc biệt là trước thềm nghỉ lễ 30/4-1/5 , về biện pháp ngăn chặn tái bùng phát và có hay không thay đổi trong quy định xuất nhập cảnh, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định:
“Ngày 12/4/2023, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2116 khuyến cáo người dân yêu cầu phòng dịch, đeo khẩu trang, khử khuẩn. Ngày 17/4, Bộ Y tế có Công văn số 2213 gửi các cơ sở y tế về giải pháp điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện tại các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam được thực hiện theo nghị quyết số 38 ngày 17/3/2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm số 1331 của Bộ Y tế ngày 10/3/2023".