Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023:
Vẻ đẹp Việt Nam qua những áng văn chương
(PNTĐ) - Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, sáng 20/4, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã tổ chức Chương trình Giao lưu với tác giả, giới thiệu cuốn sách: "Những miền lưu dấu-Cảnh Việt trong văn chương".
Tại sự kiện độc giả được giao lưu với nhóm tác giả và các khách mời: nhà văn Nguyễn Trương Quý, Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh và họa sĩ Trương Văn Ngọc.
Đây là cuốn Artbook tập hợp các đoạn trích hay nhất trong sách giáo khoa chương trình phổ thông viết về cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam. Bên cạnh đó là những bức tranh được các họa sĩ hiện đại sáng tác. Cuốn sách được xem như một tài liệu hỗ trợ việc dạy học Văn tại trường phổ thông.
Đánh giá về sự độc đáo của cuốn sách, Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, nếu như trước đây, sách chỉ đơn thuần được thể hiện bằng những con chữ trên giấy thì ngày nay, sách đã có nhiều hình thức thể hiện phong phú hơn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, việc kết hợp giữa một tác phẩm văn học bên cạnh một bức tranh, sẽ mài sắc thêm các giác quan thẩm mỹ, làm cho đôi mắt trở nên tinh tường hơn, làm cho mỗi người đọc sách trở nên tinh tế, biết nhận ra cái đẹp và yêu cái đẹp. Đó mới chính là điều kiện của cảm xúc, là điều kiện làm nên một tâm hồn phong phú.
Cuốn Artbook gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại đã dẫn lối độc giả đi đến các miền đất trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu.
“Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương” là hành trình mà cảnh sắc Việt bước vào văn chương để rồi tiếp tục trở lại trước mắt độc giả thông qua hội họa. Gần 30 họa sĩ với sự đa dạng của phong cách, thủ pháp, chất liệu đã chuyển hóa ngôn ngữ xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác. Các bức tranh được họa bằng nhiều hình thức, từ màu nước, acrylic, bột màu đến tranh sơn dầu, tranh khắc gỗ hay kĩ thuật số…
Mặc dù mỗi tác giả một phong cách (lãng mạn của Trương Văn Ngọc, ấn tượng của Chu Hồng Tiến, hùng tráng của Vũ Xuân Hoàn) nhưng tất cả đã cùng hòa chung giai điệu ngợi ca vẻ đẹp thiêng liêng của Tổ quốc.
"Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương" đã trải rộng tấm bản đồ cảnh sắc quê hương phong phú và rực rỡ. Nếu như văn chương đưa độc giả đến những nơi chốn mình chưa từng được tới như dưới bóng râm Côn Sơn khi ngâm ngợi vần thơ của Nguyễn Trãi hay vẻ đẹp của miền đất Tây Tiến qua những câu thơ của Quang Dũng…thì hội họa đã tiếp bước những áng văn để mang đến cho độc giả cách nhìn và cảm nhận khác hơn, giàu có hơn về vẻ đẹp của những miền đất quê hương.
Cuốn Artbook "Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương" được kỳ vọng sẽ là nguồn tư liệu bổ sung giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận với những tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông thông qua sự giao thoa với các hình thức nghệ thuật khác.