32 tuổi, tôi vẫn đang lớn lên cùng bố
(PNTĐ) -Nhiều lúc, tôi thấy mình thật tệ. Ở vào tuổi tôi, “con nhà người ta” đã trở thành chỗ dựa cho bố mẹ. Còn tôi thì ngược lại, chưa báo hiếu bố được ngày nào, còn phải nhờ bố bao bọc, che chở.
Hôm nay tôi trở dậy, đang mơ mơ màng màng bỗng giật mình nhớ ra là đang ở trong ngôi nhà của bố. À đúng rồi, ngày hôm qua thứ 6, tôi đi ký hợp đồng với đối tác về muộn, chỗ thương thảo lại ở gần nhà bố. Thế là bố bảo tôi: “Thôi, mấy mẹ con về nhà ông chơi luôn mấy ngày cuối tuần”.
Khi tôi vẫn đang trong buổi ký hợp đồng, bố đã giúp tôi sửa soạn, đón hai đứa trẻ. Tối, tôi về tới nhà thì bọn trẻ con đã được bố cho ăn, đang chơi đùa rất vui vẻ. Bố để phần cơm cho tôi trên bàn, chỉ vì nhà có “khách” là cô con gái rượu mà bố nấu bao nhiêu món, lại toàn là món tôi thích.
Từng này tuổi rồi nhưng được về nhà với bố, tôi vẫn như đứa trẻ còn nhỏ dại. Bố lúc nào cũng dõi theo, quan tâm chăm sóc tôi.

Hai năm trước, tôi ly hôn và nhận nuôi hai con nhỏ. Từ ngày bố bọn trẻ chuyển đi, ngôi nhà trở nên trống trải hơn. Bố gọi tôi dọn về với bố vì nhà vẫn có đủ phòng cho 3 mẹ con. Tuy nhiên, vì vướng chuyện học hành của bọn trẻ, hơn thế, tôi muốn tự giải quyết vấn đề của mình nên từ chối.
Song từ đó, bố tôi có thêm một nhiệm vụ mới là trở thành chỗ dựa cho ba mẹ con tôi. Nhà thiếu đi bàn tay đàn ông, cái bóng điện cháy, bồn rửa bát bị tắc, khóa cửa bị hóc… đều có thể làm khó tôi. Đôi khi ba mẹ con bỏ đó luôn, chấp nhận việc sinh hoạt sẽ khó khăn hơn một chút. Một lần, bố qua thăm, thấy vậy liền giúp tôi thay bóng điện, rồi thông đường ống ở bồn rửa. Sau đó, cứ một tuần một lần, bố lại tới nhà để xem có việc gì trong nhà cần làm không mà không đợi mẹ con tôi “cầu cứu” bố.
“Bố đã đong gạo, mua thêm giấy vệ sinh, xà phòng…”.
“Bố đã vặn chặt cái chân bàn học của bọn trẻ bị lung lay”
“Bố đã giúp con tưới nước cây hoa giấy…”
“Bố đã sửa lại cái máy xay thịt, con có thể dùng được rồi”…
Thi thoảng trở về nhà sau ngày dài làm việc, tôi lại thấy bố viết thư để lại trên bàn như thế. Lúc đó, tôi chỉ muốn òa khóc vì xúc động. Thường tôi luôn lấy lý do là bận rộn để tự bao biện, lý giải cho sự vụng về, vô tâm, đôi khi là đoảng vị của mình. Nhưng bố thì không hề trách tôi, mà thay tôi trám vào những phần khuyết thiếu đó.
Dù đã thức giấc, nhưng, ỷ thế hôm nay là ngày nghỉ, thêm nữa lại đang được ở nhà của bố nên tôi tự cho mình quyền được nấn ná trên giường thêm chút nữa. Một lát sau, ngoài sân có tiếng bước chân mấy ông cháu từ đâu đi về. Hình như là bố tôi đưa bọn trẻ ra chợ. Lũ trẻ con được ông mua cho đồ chơi mới, đang líu ríu đòi ông chơi cùng. Tôi nghe tiếng bố:
- Này, hai đứa chơi nhưng phải nói nhỏ nhé. Mẹ các cháu đang ngủ, cẩn thận làm mẹ thức giấc. Ông cháu mình chơi với nhau ngoài này để cho mẹ nghỉ, mẹ đi làm cả tuần mệt rồi.
Lại vẫn là bố luôn nghĩ cho tôi.

Chiều đó, bố rủ tôi ra sân uống trà, bố khoe có ít trà tự tay bố ướp hoa súng vườn nhà thơm lắm. Hồi mẹ tôi còn sống, bố cũng hay ngồi thưởng trà, đàm đạo như thế. Khi mẹ mất đi, bố tôi vẫn giữ thói quen uống trà, nhưng, không còn người bầu bạn. Tôi lúc nào cũng như mọc thêm hoa chân, chẳng bao giờ kiên nhẫn ngồi uống trà với bố.
Nhưng hôm nay tôi cho phép mình cất đi mọi lo toan. Nói đúng hơn là bố đã giúp tôi cất gánh lo toan đi.
- Thế bố bọn trẻ có thường xuyên qua thăm con không? Bố tôi bất ngờ hỏi
- Bố nó thì muốn nhưng con thì không. Con muốn để cho ba mẹ con tự lập, không phải vương vấn chuyện quá khứ. Vì vậy, tốt nhất bố nó đừng qua lại thì hơn.
- Không được con ạ. Con đừng lấy chuyện người lớn để ảnh hưởng tới bọn trẻ. Con không được ngăn cản bố bọn trẻ gặp con, làm vậy là ích kỷ đấy.
Câu chuyện bên ấm trà của bố con tôi xoay quanh người đàn ông mà tôi từng gọi là chồng. Bố rất buồn khi chúng tôi ly hôn, ông cũng trách chồng cũ của tôi đã không thực hiện lời hứa sẽ yêu thương, chăm sóc tôi mãi mãi. Nhưng không vì thế mà ông muốn ngăn cản tình cảm phụ tử.
Lúc nào trên chặng đường đời của tôi vẫn luôn có bố đồng hành. Khi thì bố nâng đỡ, chăm lo tôi, khi thì bố cho tôi những lời khuyên bổ ích như thế… Tôi cứ tưởng mình đã làm mẹ, ở nhà riêng thì sẽ thành “người lớn”, nhưng không…