8 kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2017-2022 của Hội LHPN Phụ nữ Việt Nam

Chia sẻ

Nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp phụ nữ triển khai thắng lợi phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ công tác Hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho hội viên, phụ nữ.

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, các cấp Hội và mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ tự hào về sự phát triển không ngừng của phong trào phụ nữ Việt Nam và tổ chức Hội.

Điểm nổi bật đầu tiên là công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với học tập, làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đổi mới với nhiều hình thức và mô hình phong phú, tạo thành thói quen, việc làm thường xuyên của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Thông qua phong trào, đã có hàng vạn tấm gương tiêu biểu học và làm theo Bác. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các cấp Hội đã thích ứng linh hoạt bằng việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong nắm tình hình tư tưởng, truyền thông, vận động xã hội, phổ biến, giáo dục pháp luật… đến hàng chục triệu hội viên, phụ nữ cả nước.

Đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tặng quà cho gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh Ảnh: PVĐồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tặng quà cho gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh Ảnh: PV

Hai là, công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, trọng tâm là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được triển khai đồng bộ, toàn diện, đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, các tiêu chí “3 sạch” gắn với hàng chục ngàn công trình/phần việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu do các chi Hội/tổ Phụ nữ đảm nhiệm được triển khai linh hoạt, rộng khắp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và khẳng định vai trò của tổ chức Hội ở cơ sở.

Ba là, với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” xuyên suốt trong phần lớn nhiệm kỳ, các cấp Hội đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động góp phần nâng cao trách nhiệm của xã hội và gia đình chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh. Hoạt động phối hợp trong tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại và bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em có chuyển biến rõ rệt và thực chất. Trong nhiệm kỳ đã ký kết phối hợp với 30 bộ/ngành, các cơ quan/tổ chức, trong đó có nhiều chương trình phối hợp để bảo vệ quyền của phụ nữ trẻ em, tạo nguồn lực cho các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ chính trị và tăng cường lồng ghép giới trong tổ chức triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Bốn là, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được triển khai theo hướng tập trung đồng bộ các giải pháp, các nguồn lực, phát huy được nội lực của hội viên, phụ nữ, tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Thông qua các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, mô hình hỗ trợ có điều kiện, các hoạt động tiết kiệm tại chi Hội/tổ Phụ nữ, các cấp Hội đã giúp 1,8 triệu hộ nghèo, trong đó 230.951 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đã thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, đề xuất các đề án/chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đáp ứng khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi.

Hội PN các cấp trao tặng Mái ấm tình thương cho gia đình hội viên có hoàn cảnh  khó khăn Ảnh: T.THội PN các cấp trao tặng Mái ấm tình thương cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn Ảnh: T.T

Năm là, nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội tiếp tục được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, chú trọng địa bàn có tỷ lệ tập hợp hội viên thấp, nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở. Bên cạnh mô hình tập hợp phụ nữ theo địa bàn hành chính, nhiều nơi đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình tập hợp phụ nữ theo lứa tuổi, sở thích, ngành nghề; thu hút phụ nữ tham gia hoạt động Hội thông qua nền tảng mạng xã hội. Từ đó góp phần tăng hơn 2 triệu hội viên và giảm 1.029 cơ sở có tỷ lệ tập hợp dưới 50% phụ nữ tham gia tổ chức Hội trong nhiệm kỳ. Đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính và yêu cầu tinh giản biên chế, các cấp Hội đã chú trọng kiện toàn bộ máy cơ quan chuyên trách, cải tiến phương pháp làm việc, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sáu là, công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, tham mưu, đề xuất chính sách của các cấp Hội ngày càng đi vào thực chất, tiệm cận với nhu cầu thiết thân của phụ nữ. Công tác phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, luật pháp ngày càng có chất lượng, dựa trên bằng chứng khoa học, khảo sát thực tiễn, tham vấn các đối tượng hưởng lợi/bị tác động. Hội Liên hiệp Phụ nữ một số tỉnh/thành phố đã chủ động tham mưu tổ chức đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để nắm bắt và giải quyết kịp thời các bức xúc, kiến nghị chính đáng của hội viên, phụ nữ. Đây thực sự là diễn đàn thực hành dân chủ, tạo sự đồng thuận, gắn kết “ý Đảng, lòng dân”, thể hiện trách nhiệm của các cấp Hội trong phát huy quyền dân chủ trực tiếp của phụ nữ.

Bảy là, công tác đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Hội đã có nhiều sáng kiến thể hiện tình đoàn kết quốc tế, chủ động, khéo léo tham gia đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc tại các cơ chế quốc tế *, góp phần thúc đẩy cam kết hành động thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ. Trong nhiệm kỳ đã vận động được 8 triệu đô la Mỹ cho các mô hình hoạt động mới và nâng cao năng lực cán bộ. Nghị quyết Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế lần đầu tiên được ban hành là cơ sở quan trọng trong mở rộng quan hệ đối tác, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Chị em tích cực trồng và chăm sóc cây xanh, tham gia xây dựng đô thị văn minh Ảnh: T.TChị em tích cực trồng và chăm sóc cây xanh, tham gia xây dựng đô thị văn minh Ảnh: T.T

Tám là, trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội đã tham mưu đề xuất thành công 3 Đề án của Chính phủ, cụ thể hóa nội dung hỗ trợ phụ nữ trong 2 chương trình mục tiêu quốc gia và tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng hơn 500 chính sách trong nhiều lĩnh vực thiết thân đối với phụ nữ, qua đó huy động nguồn lực và sự tham gia của các cấp, các ngành vào công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Đặc biệt lần đầu tiên Hội được phân công xây dựng và chủ trì triển khai một dự án về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, trong chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030”, đã khẳng định vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ.

Với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII dự kiến sẽ diễn ra vào những ngày đầu tháng 3/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là ngày hội lớn và cũng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của các tầng lớp phụ nữ, mở ra một nhiệm kỳ mới với những nội dung thực sự thiết thực và cách làm đổi mới, hiệu quả hơn.

HOÀNG ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.