À ơi tay mẹ

THÁI DŨNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi...

Bàn tay mẹ thức một đời
À ơi này cái mặt trời bé con...
Mai sau bể cạn non mòn
À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

Ru cho mềm ngọn gió thu
Ru cho tan đám sương mù lá cây
Ru cho cái khuyết tròn đầy
Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

Bàn tay mang phép nhiệm mầu
Chắt chiu tự những dãi dầu đấy thôi.

Ru cho sóng lặng bãi bồi
Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu
Ru cho đời nín cái đau
À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình.

                                          Bình Nguyên

À ơi tay mẹ - ảnh 1

LỜI BÌNH
Kỷ niệm tuổi thơ cùng với  người mẹ và lời mẹ ru là những kỷ niệm lung linh trong miền nhớ khơi nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ có sáng tác hay. Bài “À ơi... tay mẹ” của nhà thơ Bình Nguyên (1959) - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình - là một sáng tác như thế. 

Chọn thể thơ lục bát truyền thống có âm điệu du dương, êm đềm chuyển tải cảm xúc về tình mẹ là lựa chọn rất thông minh của tác giả. Bài gồm 20 câu thơ đã tái hiện chân dung người mẹ đã vất vả lo toan, hết lòng hy sinh để các con được sống bình an, hạnh phúc trong cuộc đời. Nhan đề "À ơi tay mẹ!" đã gây ấn tượng về lời ru và sự vỗ về thân thương của tay mẹ. Có người mẹ chăm sóc con mà không dùng lời lẽ cưng nựng và bàn tay vỗ về yêu thương? Thi phẩm mở đầu là những câu thơ giàu hình ảnh: "Bàn tay mẹ chắn mưa sa/ Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng".

Dùng phép tu từ hoán dụ "bàn tay mẹ" kết hợp với các động từ chắn, chặn tác giả nhấn mạnh sự quyết tâm và nỗ lực của mẹ. Thơ lục bát quy định ngắt nhịp chẵn, nhà thơ đã rất sáng tạo khi ngắt nhịp lẻ 3/3 ở câu lục và 3/ 1/ 4 ở câu bát. Nhờ đó ý thơ tạo sự chú ý, nhấn mạnh được nghị lực mạnh mẽ và ý chí kiên cường ở người mẹ. Hình ảnh ẩn dụ mưa sa và bão - biểu tượng cho những khó khăn thử thách trong cuộc sống, mẹ đã phải vượt qua vì đứa con.

Trái ngược với vẻ cứng rắn khi đối mặt với cuộc đời, mẹ luôn dịu dàng, yêu thương khi ứng xử với con. Mẹ chăm sóc con về vật chất và tạo dựng, vun bồi cho con về tinh thần qua những cử chỉ ân cần cùng lời ru ngọt ngào: "Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng/ À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon/ À ơi này cái trăng tròn/ À ơi này cái trăng còn nằm nôi...". Đoạn thơ và toàn bài liên tiếp xuất hiện hình ảnh trăng, điệp ngữ "cái trăng" đi kèm với tính từ vàng, tròn, còn không phải ngẫu nhiên mà là dụng ý của tác giả.

Trăng vốn là một thực thể thiên nhiên có thực nhưng trăng ấy tỏa ánh sáng lung linh  khác nhau là do cách thể hiện của mỗi người. Trăng ở đây mang tính biểu tượng, tượng trưng cho người phụ nữ và tình yêu. Bài còn có sự xuất hiện của hình ảnh mặt trời - biểu tượng của đứa con yêu dấu: "À ơi này cái mặt trời bé con...". Mặt trời mang lại ánh sáng và sự sống cho thế gian. Con chính là nguồn sống, niềm hy vọng lớn nhất của đời mẹ. Mẹ dành những gì tốt đẹp nhất cho con, tất cả gửi gắm qua những lời ru: "Ru cho mềm ngọn gió thu/ Ru cho tan đám sương mù lá cây/ Ru cho cái khuyết tròn đầy/ Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau".

Hát ru là một loại hình văn hóa dân gian được cất lên đi kèm động tác vỗ nhẹ vào người trẻ để bé dễ ngủ. Đoạn thơ sử dụng nhiều điệp ngữ "Ru cho" kèm theo một loạt hình ảnh gợi cảm: Ngọn gió thu, đám sương mù, cái khuyết tròn đầy, thương nhớ nặng ngày... Tất cả đều nói lên tác động lớn của hát ru vào thế giới tình cảm của trẻ thơ. Hát ru góp phần không nhỏ trong việc hình thành tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước, con người, hơn nữa còn thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, nhân cách của đứa trẻ. Vì thế, dù công việc bận rộn đến mấy, mẹ vẫn luôn dành cho con những lời hát ru chan chứa ân tình: "Ru cho sóng lặng bãi bồi/ Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu/ Ru cho đời nín cái đau/ À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình." Vẫn nối tiếp mạch thơ và kiểu điệp cấu trúc câu, cùng với điệp ngữ "ru cho" kèm theo những hình ảnh cô đọng, giàu sức gợi: Sóng lặng bãi bồi, đời nín cái đau, nhà thơ đã khắc sâu ý nghĩa kỳ diệu của lời mẹ ru, sự dâng hết mình của mẹ để cho con có cuộc sống an bình hạnh phúc. Câu kết trên đã gói lại toàn bài và khái quát lên một sự thật phổ biến: Mẹ chăm lo hết lòng vì các con, vì gia đình và xã hội mà quên đi cả bản thân mình.  

Bài thơ không có một từ ngữ nào trực tiếp nói đến tình yêu và lòng biết ơn nhưng thấm đượm trong từng câu, từng chữ là tình yêu thương, lòng biết ơn chân thành và sâu nặng của đứa con, của mỗi chúng ta đối với người mẹ kính yêu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.