Ai dậy sớm

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -Viết cho tuổi thơ tưởng dễ mà khó. Nói là dễ bởi nhắc đến trẻ con thì có biết bao thứ để viết nhưng viết thế nào cho hay, cho sâu sâu sắc; viết đơn giản mà không ngô nghê là một thử thách với người cầm bút. Khó như thế mà nhà văn Võ Quảng vẫn thành công,...

Ai dậy sớm
Bước ra nhà
Cau xòe hoa
Đang chờ đón!

Ai dậy sớm
Đi ra đồng
Cả vừng đông
Đang chờ đón!

Ai dậy sớm
Chạy lên đồi
Cả đất trời
Đang chờ đón!

            (NXB Văn học, 1998)
                             Võ Quảng

Ai dậy sớm - ảnh 1
Ảnh minh họa 

LỜI BÌNH:
Viết cho tuổi thơ tưởng dễ mà khó. Nói là dễ bởi nhắc đến trẻ con thì có biết bao thứ để viết nhưng viết thế nào cho hay, cho sâu sâu sắc; viết đơn giản mà không ngô nghê là một thử thách với người cầm bút. Khó như thế mà nhà văn Võ Quảng vẫn thành công, ông vẫn có được gần hai mươi đầu sách viết cho thiếu nhi với những cái tên ngộ nghĩnh như: Thấy cái hoa nở, Anh Đom đóm, Gà mái hoa… 

Hiểu được trẻ em đâu phải là dễ dàng, nhất là biết những gì các bé thích và những điều các bé sợ, các bé ngại. Một trong những điều đó chính là dậy sớm. Dậy sớm để có sức khỏe, để minh mẫn và yêu hơn cuộc sống này. Bài thơ bắt đầu như một khúc hát. Khúc hát có điệp khúc “Ai dậy sớm” vừa như một tiếng gọi, một câu hỏi. Đầu tiên là gọi bé bước ra khỏi cảnh cửa để gặp khoảng sân, bầu trời và hoa cau trước mặt:

Ai dậy sớm
Bước ra nhà
Cau xòe hoa
Đang chờ đón!

Đơn giản mà ấm áp, bức tranh làng quê bình yên với hoa cau đủ gợi lên thế giới của trẻ đẹp như thế nào. Đọc những câu thơ này, hẳn nhiều người liên tưởng đến làng quê với đầy ắp hoa cau mà nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa nhắc đến: “Nửa đêm nghe ếch học bài/Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây/ Nghe trời trở gió heo may/ Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau”. Những câu thơ 3 chữ tạo ra nhịp nhanh gấp như bước chân nhí nhảnh, tinh nghịch của các cô bé, cậu bé vừa bước ra ngày mới đã gặp hoa nở. Nhà thơ Võ Quảng không tả thực màu hoa ấy mà ví hoa như người bạn đang đón chờ. 

Bước sang khổ thơ thứ hai, vẫn với tiếng gọi “Ai dậy sớm” nhưng câu thơ đã mở ra một con đường khác: đường ra cánh đồng. Cánh đồng có thể là nơi các em bắt cá, mò cua, hoặc giúp cha mẹ những công việc ngày mùa:

Ai dậy sớm
Đi ra đồng
Cả vừng đông
Đang chờ đón!

Ra với cánh đồng, người bạn mà bé bắt gặp là mặt trời ngày mới. Ánh sáng quen thuộc của buổi sớm mai đang đón bàn chân bé để có một ngày rộn rã tươi vui. Ngày mới cũng chính là người bạn đang đợi cùng ta nô đùa suốt cả một ngày… 

Ngày mới đến với tất cả, bởi thế, có bàn chân ra với cánh đồng thì cũng có bàn chân ngược lên đồi cao:

Ai dậy sớm
Chạy lên đồi
Cả đất trời
Đang chờ đón!

Nếu để ý kỹ, ở ba khổ thơ, bước chân của người dậy sớm có sự chuyển biến. Từ “bước” (bước ra nhà) đến “đi” (đi ra đồng) và giờ là “chạy lên đồi”. Ngẫm ra, đó cũng là sự thay đổi khá thú vị. Theo logic của cái tuổi thức dậy đặt chân xuống đất là tót đi chơi thì có khi chân bước mà còn “mắt nhắm mắt mở” nên từng bước từng bước, em bé bừng tỉnh để đôi chân nhanh hơn, đi xa hơn. Và đến lúc này, không chỉ có hoa, có nắng mà “Cả đất trời/ Đang chờ đón!”. Đất trời là tất cả đang đón đợi người chăm chỉ dậy sớm.

Ai trong chúng ta cũng từng có tuổi thơ dậy sớm như thế cho dù để vượt qua sự níu giữ của giấc ngủ ở cái tuổi ăn tuổi ngủ đâu có dễ dàng gì. Trong ngày mà cả thế giới cùng hướng về trẻ thơ, cùng dành những điều tốt đẹp nhất cho thiếu nhi, chúng ta đọc lại bài “Ai dậy sớm” của nhà thơ Võ Quảng để thấy yêu hơn trẻ thơ cũng như tuổi thơ của chính mình. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.