Ai rồi cũng phải già đi

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - 82 tuổi, lần đầu tiên ông tôi có một chiếc điện thoại. Cũng là bởi hôm trước, ông tôi ra ngoài đi dạo nhưng quá giờ cơm cả nhà đợi mãi mà không thấy ông về. Ai cũng sốt ruột nhưng chẳng biết tìm ông thế nào vì ông đâu dùng điện thoại di động.

Mãi sau về nhà, ông tôi giải thích là do mải chơi cờ với các bạn già nên quên mất thời gian. Ông cứ áy náy mãi, không ngớt lời xin lỗi con cháu. Tiện thể, đang thừa một chiếc điện thoại thông minh do tôi thải ra sau khi lên đời máy mới, cả nhà quyết định đưa nó cho ông dùng.

Máy điện thoại không còn mới  nhưng vẫn thuộc hàng thông minh, nhiều tính năng. Bố tôi lưu vào điện thoại cho ông các số máy của con cháu. Sau đó, bố dạy ông cách dùng, khi gọi điện thì ấn vào nút hình cái máy điện thoại màu xanh, lúc tắt thì ấn vào nút có hình điện thoại màu đỏ. Ông tôi gật gù rồi thực hành nghe gọi mấy lần xem ra khá thành thạo.

Ai rồi cũng phải già đi - ảnh 1
Ảnh minh họa.

Thế mà chỉ qua một đêm, ông tôi đã quên sạch. Cầm chiếc điện thoại trên tay, ông luống cuống cầu cứu tôi: “Con ơi, dạy ông cách gọi điện như thế nào nhỉ”, rồi thì “Tại sao cái máy này lại không đổ chuông?” (Là do ông đã chuyển sang chế độ rung rồi không biết mở chuông trở lại), “Ông muốn tìm số của bố cháu thì làm thế nào?”...

Lúc đầu, tôi còn kiên nhẫn chỉ cho ông, sau thì nản vì có những thao tác với tôi quá đơn giản mà ông thì “dạy trước quên sau”.

Có lẽ đoán được thái độ của cháu, ông tôi ít hỏi hơn. Mấy hôm sau, tôi phát hiện chiếc điện thoại bị ông bỏ lại ở đầu giường, tắt ngúm vì hết pin. Ông vẫn giữ thói quen đi dạo mỗi chiều, nhưng luôn về nhà đúng giờ để con cháu không có cớ gọi cho ông.

Hôm đó, bỗng có một cụ ông tìm tới nhà tôi. Tôi vừa mở cửa thì ông cụ mồ hôi nhễ nhại, thở hổn hển nói: “Ông là chủ nhiệm CLB cờ vua. Con cho ông gặp ông nội con. Ông đến khổ vì ông của con, ai đời âm lịch quá. Chỉ vì cần báo cho ông con chiều nay CLB nghỉ sinh hoạt mà ông phải đạp xe tới tận đây. Nếu ông con biết dùng điện thoại di động thì có phải tốt không? Cháu xem hay là mua cho ông cái điện thoại dành riêng cho người già, nó ít tính năng, dùng đơn giản lắm”.

Nghe đến đây, hình như ông xấu hổ với cháu gái bèn vội tranh lời ông bạn già: “Ông vớ vẩn. Các cháu mua cho tôi điện thoại đời mới. Tôi không chỉ nghe gọi mà còn đọc được cả tin tức nữa. Nhưng cơ bản là tôi không thích bị cái điện thoại làm phiền, dùng nó có khác gì có cảnh sát theo người đâu”.

Ai rồi cũng phải già đi - ảnh 2
Ảnh minh họa

Song, tôi thừa biết vì sao ông tôi không dùng điện thoại. Bỗng nhớ tới những lúc nhìn ông loay hoay với chiếc điện thoại, hỏi con cháu một chút là bị nhận về những lời than vãn, cáu kỉnh mà tôi ân hận quá. Tôi đã chưa đặt mình vào hoàn cảnh của ông để thấy rằng với một ông già U85, việc phải tiếp cận với công nghệ không hề đơn giản.

Lời gợi ý của bạn ông đã giúp tôi tìm ra cách để giúp ông mình. Ngày hôm sau, tôi ra cửa hàng, mua một chiếc điện thoại dành cho người già. Cái điện thoại có bàn phím to, chữ cái lớn, khi bấm số trên bàn phím thì điện thoại còn phát ra cả âm thanh “Không, Một, Hai...”.

Sau đó, tôi cẩn thận ghi lại cách nghe gọi ra một tờ giấy nhỏ rồi dán ở phía sau chiếc điện thoại. Tôi đưa điện thoại cho ông, nói ông thử đổi sang dùng điện thoại này, khi quên thì cứ xem các bước hướng dẫn ở phía sau.

Tôi nhìn ông ngại ngùng nhận điện thoại, lúng túng định thanh minh câu gì đó. Nhưng tôi đã chủ động nói để ông yên tâm: “Ông ơi, người già như ông mà biết cách dùng điện thoại như vậy là quá giỏi rồi. Chúng cháu còn trẻ thế mà nhiều công nghệ cháu còn không theo kịp nữa là. Ông đừng ngại, ông nhé”.

Ông tôi thở phào, gật đầu rồi lại bắt đầu học cách dùng điện thoại.

Ai rồi cũng phải già. Vì vậy, hãy cố gắng thấu hiểu và yêu thương ông bà của mình nhé.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chỗ dựa cuối đời

Chỗ dựa cuối đời

(PNTĐ) - Bà và cô con gái khuyết tật sống ở một căn hộ hơn 10m2 ở khu tập thể cũ. Ai đó có thể nghĩ căn hộ đó chật chội, bí bách nhưng với bà đó là cả một gia tài. Bà vẫn bảo, đây là chỗ dựa cuối đời của mẹ con bà.
Yêu thương kết trái

Yêu thương kết trái

(PNTĐ) - Ngày về chung nhà với anh, chị Nhung không chỉ học làm vợ, làm dâu mà còn học làm mẹ của một đứa trẻ bướng bỉnh. Bé trai lúc đó mới chỉ 5 tuổi, đôi mắt to tròn luôn nhìn chị với vẻ nghi ngờ và xa cách.
Phút bình yên

Phút bình yên

(PNTĐ) - Buổi sáng Chủ nhật, chị Là bế trên tay đứa trẻ ngoài 3 tháng tuổi ra hiên ngồi sau những ngày mưa bão mịt mù. Người trong ngõ nhỏ đi qua đi lại nhìn chị mỉm cười thân thiện, âu yếm nựng đứa trẻ. Chị tươi cười, ánh mắt tràn đầy niềm vui.