Âm thầm mang niềm tin yêu và cuộc sống cho người bệnh

Chia sẻ

Hằng ngày, tiếp xúc, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân chấn thương với nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần, những nữ điều dưỡng, bác sỹ vừa mang áo trắng vừa mang sắc phục áo xanh – người lính ở Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y đang âm thầm sẻ chia, làm dịu bớt đau đớn nỗi đau cũng như giành giật sự sống cho bao người.

Những đôi tay làm dịu cơn đau

8h sáng, tại các phòng bệnh ở Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y, các bác sỹ khám cho bệnh nhân, các điều dưỡng nhanh tay thay băng, chăm sóc bệnh nhân.

Vừa bước ra khỏi phòng bệnh nhân nặng, bỏng toàn thân do xăng mới được cấp cứu, chị Đào Thị Thanh Huyền điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu chia sẻ: “Bệnh nhân ở khoa chúng tôi rất đặc thù, chủ yếu là tình trạng nặng phải được chăm sóc toàn diện. Vì vậy, đòi hỏi tay nghề chúng tôi phải vững, luôn nhanh để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân. Hằng ngày, chúng tôi thay băng, tắm rửa, nâng đỡ bệnh nhân, theo dõi từng giờ, từng phút nên chúng tôi phải có sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ”.

Chị Đào Thị Thanh Huyền chăm sóc bệnh nhânChị Đào Thị Thanh Huyền chăm sóc bệnh nhân

Bên cạnh việc chăm sóc điều trị vết thương, các điều dưỡng, bác sỹ còn là người tư vấn tâm lý cho bệnh nhân bởi với vết bỏng nặng, tiết dịch nhiều, toàn thân bỏng rát, đau đớn vậy nên tâm lý bệnh nhân rất nặng nề cần có nghị lực vượt qua. Nhiều bệnh nhân còn là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên mặc cảm, tự ti cần đến sự động viên, chia sẻ vơi đi nỗi đau. Nhiều trường hợp, thấy tình cảnh bệnh nhân khó khăn quá, các điều dưỡng, bác sỹ còn đóng góp tiền ủng hộ bệnh nhân, đồng thời nhờ phóng viên đăng tin kêu gọi cộng đồng xã hội hỗ trợ cho bệnh nhân có tiền trang trải chi phí điều trị. Tạm gác công việc, trở về với gia đình, “Chúng tôi luôn cố gắng lo cho gia đình, chăm sóc chồng và các con. Những đêm trực vắng nhà cũng được gia đình chia sẻ, cảm thông vì tính chất công việc là vậy”. Dù vất vả nhưng hằng ngày thấy các bệnh nhân được các chị chăm sóc bình phục nhanh là những món quà đặc biệt xóa tan bao mệt nhọc.

Những đường mổ hồi sinh sự sống

Rời khoa Hồi sức cấp cứu, chúng tôi được gặp nữ bác sĩ, phẫu thuật viên nổi tiếng bởi tay nghề tạo hình thẩm mỹ cho hàng trăm bệnh nhân bỏng nặng, mang lại sự sống, sự lành lặn và trao tặng bao nụ cười cho người bệnh. Đó là, PGS.TS Trần Vân Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo. Tại phòng bệnh, chị vừa thăm khám, vừa hướng dẫn cho các bác sỹ trẻ về trường hợp bệnh nhân đang được tái tạo da vùng cằm.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống có bố mẹ đều là bác sỹ quân y nên trở thành bác sĩ, công tác tại Học viện Quân y cũng như một duyên tiền định đối với chị Vân Anh. Chị chọn làm phẫu thuật viên, việc ít dành cho phụ nữ bởi đây là việc khó, đòi hỏi chuyên môn và độ dấn thân cao. Năm 2000, chị làm nghiên cứu sinh chọn đề tài “Tạo hình vùng cằm cổ cho bệnh nhân di chứng bỏng”. Đề tài khá nặng nề, thực hiện các ca phẫu thuật khá lớn, khá mới mẻ so với chuyên ngành nên chị phải dành nhiều tâm sức để hoàn thành. Năm 2004, chị đạt giải thưởng xuất sắc của Hội nghị khoa học sáng tạo tuổi trẻ toàn quốc lần thứ 12. Năm 2005, chị bảo vệ luận án tiến sĩ, hướng dẫn học viên cao học làm các đề tài về tạo hình; tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước và 2 đề tài cấp Bộ Y tế về chuyên ngành phẫu thuật tạo hình.

Chị Vân Anh cho rằng, một người phụ nữ thành đạt phải có 2 yếu tố: Yếu tố cá nhân và yếu tố tập thể xung quanh cá nhân đó. Về cá nhân, là người phải yêu nghề, tâm huyết với nghề, đau đáu với nghề và yêu gia đình. Mọi sự nỗ lực thôi thì chưa đủ mà phải có tính kế hoạch cao, như sử dụng thời gian hợp lý, khoa học và hiệu quả để có sự cân bằng giữa ranh giới công việc và gia đình. Chị khiêm tốn nói: Tôi cũng chỉ là 1 cá nhân trong đơn vị lớn, trong Học viện Quân y có nhiều chị thành đạt về sự nghiệp và tổ ấm gia đình hạnh phúc.

Chị Lâm Thị Đan Chi, Chủ tịch Hội LHPN Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân yChị Lâm Thị Đan Chi, Chủ tịch Hội LHPN Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y

“Trong đơn vị chúng tôi luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện rất tốt từ phía thủ trưởng và đồng nghiệp nam, là rất tôn trọng đồng nghiệp nữ. Vì thế chúng tôi có được những thành tựu” - chị Vân Anh nhấn mạnh. Chia sẻ về khó khăn trong nghề, chị Vân Anh cho hay, công việc chính của chị là ở trong phòng mổ, có những ca mổ kéo dài 8 tiếng, 10 tiếng, thậm chí hơn, nhiều khi vừa ra khỏi phòng mổ đã phải quay lại cấp cứu phẫu thuật khi có những tình huống không mong muốn xảy ra.

Chị Vân Anh tự hào: “Tập thể chúng tôi luôn lấy tinh thần đoàn kết, luôn khiêm tốn học hỏi lẫn nhau. Tuy là thầy giáo, là giảng viên chúng tôi vẫn học hỏi các bạn trẻ để tạo sức mạnh tập thể, phát triển khoa học.

Với vai trò là cán bộ chỉ huy, nhiều công việc gắn với trách nhiệm, vì vậy việc gia đình chị Vân Anh luôn phải cân đối, sắp xếp, dành thời gian chăm sóc chồng con chu đáo. Rời phòng mổ, rời cơ quan, chị vẫn đảm nhiệm các công việc như mọi phụ nữ bình thường, hằng ngày vẫn nấu ăn cho chồng con.

Kể từ khi thành lập cho tới nay, Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác trở thành địa chỉ tin cậy để cứu chữa, điều trị các bệnh nhân bỏng trên mọi miền tổ quốc. Đóng góp vào những kết quả đó là đội ngũ nữ cán bộ, y bác sĩ nơi đây. Các nữ điều dưỡng, bác sĩ đã tham gia vào mọi lĩnh vực công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Nổi bật là bảo đảm an toàn tuyệt đối trong điều trị, không để xảy ra tai biến và biến chứng. Có được kết quả trên, Thượng tá Lâm Thị Đan Chi, Chủ tịch Hội LHPN Viện, cho biết: “Được sự tạo điều kiện thuận lợi tối đa của Đảng ủy, Ban Giám đốc để tạo điều kiện cho chị em có thời gian vừa học tập, nghiên cứu và thu xếp, chăm sóc gia đình”.

Đại tá, Tiến sỹ, Trương Ngọc Dương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y nhấn mạnh: “Trong sự thành công của bệnh viện có vai trò đóng góp rất lớn của đội ngũ nữ, điều dưỡng viên và bác sỹ. Với sự đóng góp của chị em, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ bệnh viện. Trong nhiệm vụ chính trị trung tâm là đào tạo, điều trị, nghiên cứu khoa học của bệnh viện, chị em cũng đóng góp vai trò rất lớn”.

Hằng ngày, các điều dưỡng, bác sỹ tiếp xúc với các ca bệnh nặng, đa chấn thương, áp lực công việc là không hề nhỏ như áp lực về thời gian, áp lực trong từng ca bệnh, áp lực trước những ca mổ giữa sự sống và cái chết, giữa thành công và thất bại, bằng lương tâm nghề nghiệp các chị luôn mang tinh thần không khuất phục. Khó khăn vất vả là vậy nhưng với tình yêu nghề, các chị vẫn âm thầm mang đến niềm tin yêu và cuộc sống cho bao người bệnh.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.