Anh em vì của mất tình

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi mới về làm dâu, tôi đã có cảm giác anh em chồng không mấy hòa thuận. Tuy bề ngoài chúng tôi chưa từng cãi vã, nhưng bên trong tình cảm lại có phần lạnh nhạt, bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Cho đến khi đụng đến tài sản của bố mẹ để lại, thì mới vỡ lẽ...

Bố chồng tôi mất sớm, mẹ chồng tôi ở vậy nuôi hai con trai, trong đó chồng tôi là út. Anh chồng tôi lớn hơn chồng tôi gần 10 tuổi nên lập gia đình đã lâu. Cả nhà sống trong một căn hộ tập thể. Sau này, bà mua thêm được một nhà cấp 4 ở mặt phố, hàng tháng cho thuê được 6 triệu đồng để bù vào tiền sinh hoạt.

Tôi là dân tỉnh lẻ, bố mẹ ở quê cũng nghèo nên không có điều kiện mua nhà cho chúng tôi. Lúc còn độc thân, chồng tôi đi làm cả ngày, chỉ tối muộn mới về nhà nên ăn ở thế nào cũng được. Nhưng giờ nếu có gia đình thì chúng tôi không thể ở chung như vậy được.

Thế là mẹ chồng tôi mở cuộc họp gia đình. Trước mặt mẹ, anh chị chồng tôi chủ động đưa ra ý kiến là cho vợ chồng tôi ra ở riêng ở ngôi nhà đang được cho thuê. Chị dâu tôi nói ở chung với mẹ chồng đã lâu nên chị hiểu tính nết bà. Chị nhận phần chăm sóc, báo hiếu bà lúc tuổi già để nhường phần “tểnh tênh” cho vợ chồng trẻ. Khoản tiền thuê nhà không còn nữa, vợ chồng tôi nếu có điều kiện thì có thể góp thêm với anh chị để nuôi bà, còn không thì thôi, anh chị lo hết. Quả thực lúc đó, tôi nghe mà rưng rưng cảm động. Anh chồng tôi còn đề xuất, để cho vợ chồng tôi không phải áy náy là ở nhờ nhà mẹ thì sau cưới, bà sẽ viết giấy phân chia tài sản rõ ràng. Theo đó, bà chia cho anh chị căn hộ tập thể còn cho chúng tôi ngôi nhà tầng mặt phố. Có nhà rồi, chúng tôi toàn quyền định đoạt theo nguyện vọng chứ không cần hỏi xin ý kiến ai nữa. 

Anh em vì của mất tình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi thầm biết ơn anh chị nhận phần thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Bởi  ngày đó, mẹ chồng tôi sức khỏe không còn tốt nữa. Bà bị tiểu đường đã 10 năm, ăn uống phải kiêng khem, mắt thì mờ, chân chậm nên người ở chung luôn phải để tâm, chăm nom bà. 

Rồi chúng tôi kết hôn. Do ngôi nhà đang cho thuê phải nửa năm nữa mới  hết hạn hợp đồng, nếu phá ngang thì mất tiền đền bù nên thời gian đầu, chúng tôi tạm thời ở chung nhà với mẹ chồng và nhà chồng. Chúng tôi dọn lại phòng khách và ngăn làm đôi để vợ chồng tôi ở phía trong. Với tôi, vậy là cũng ổn thỏa. 

Anh em vì của mất tình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng, khó khăn lại phát sinh bắt đầu từ việc sinh hoạt chung đụng. Càng ở lâu, tôi cảm thấy dường như thấy chị dâu tôi bề ngoài tỏ ra hiểu chuyện nhưng thực ra rất hay soi mói, tị nạnh. Ý chị là sau này tôi không phải chăm mẹ chồng nên bây giờ, khi ở chung thì tôi lo chăm mẹ trước để bù lại. Tôi thì chẳng nề hà gì, làm được đến đâu là làm nhưng công việc của tôi không ổn định, nhiều hôm phải về muộn. Trong khi đó, chị dâu tôi mở một sạp quần áo ở gần nhà, có thuê một cô nhân viên phụ giúp nên có thể tự chủ về thời gian. Chị dâu hôm nào phải về nhà nấu cơm thì lại kể với mẹ chồng tôi là hàng đang đắt khách nhưng vì lo cho nhà mà chị phải bỏ hết.

Trước mặt mẹ chồng, chị cứ bảo thôi không sao, chị là chị cả nhận hy sinh cho gia đình, để cho tôi tự do phấn đấu. Nhưng kỳ thực, phía sau, khi chỉ có tôi, chị lại bóng gió tưởng cưới được dâu mới về thì phải tay năm tay mười, đằng này lại đòi ăn sẵn. Tôi cũng ngại, lúc đầu định xin ăn riêng nhưng nghĩ nhà thì nhỏ, có mấy người mà chia làm mấy ca nấu cũng không phải nên đành im lặng, chẳng dám thưa lại gì với mẹ chồng.

Hàng tháng, cả nhà cùng ăn chung, tiêu chung, rồi còn tiền thuốc thang cho mẹ chồng… tôi biết là cũng tốn kém. Nhưng, anh chị không nói rõ là bao nhiêu, chúng tôi cần đóng góp bao nhiêu mà cứ tuyên bố là “bao” vợ chồng tôi để vợ chồng tôi tích lũy sau này còn ra ở riêng. Tất nhiên là tôi không thể làm thế nên hàng tháng vẫn gửi anh chị một khoản tiền. Song, có những lần, các con anh chị đòi ăn món nọ món kia, chị dâu tôi lại lấy cớ mắng con, kêu là làm gì có tiền mà ăn sang, nhà thì bao người. Tôi nghe vậy thì ngại, chả biết góp bao nhiêu cho đủ, mà giờ thì vẫn mang tiếng là “ăn nhờ” anh chị. Song, tôi luôn tự nhủ có lẽ là do tôi nhạy cảm, tôi mới là người nhỏ nhen chứ anh chị đã hy sinh nhường cho tôi cả một ngôi nhà thì không thể là người hẹp hòi được. 

Sau đó, một chuyện không may xảy ra, mẹ chồng tôi bi đột quỵ, qua đời sau đó chỉ 2 ngày. Đó cũng là thời điểm hợp đồng thuê nhà kết thúc. Vợ chồng tôi quyết định dọn ra ở riêng vì giờ mẹ không còn, hai anh em ở chung nhà cũng bất tiện. Tôi bàn với chồng vay thêm tiền để cải tạo lại nhà rồi nâng thêm một tầng vì nhà đó bao năm cho thuê, cũng xuống cấp, cũ nát rồi. 

Anh em vì của mất tình - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chồng tôi đồng ý nhưng đến lúc đi xin thủ tục sửa nhà, chúng tôi mới vỡ lẽ là ngôi nhà đó không có giấy tờ gì mà còn đang nằm trong khu vực giải tỏa. Theo kế hoạch, chỉ thời gian ngắn nữa là ngôi nhà sẽ bị tháo dỡ và cũng không được nhận đền bù gì vì nhà này không hợp pháp. Tôi hỏi thì chồng tôi bảo không biết vì chưa từng hỏi mẹ kỹ về ngôi nhà này, khi được phân chia như thế thì nhận thôi. Còn tôi thì do nhà đó đang cho thuê nên cũng chẳng qua lại đó xem xét, hỏi han làm gì.

Lúc này tôi mới vỡ lẽ vậy là vợ chồng tôi thành kẻ trắng tay và vì sao anh chị chồng tôi ngày xưa lại tự nguyện nhận căn hộ tập thể. Căn hộ đó có sổ đỏ chính chủ, sau khi được mẹ chồng cho, anh chị đã chuyển sang tên mình. Còn ngôi nhà này, tiếng là của vợ chồng tôi nhưng thực tế thì chỉ là “ảo”, anh chị chồng biết trước nhà đó có cũng như không. Nhà sắp giải tỏa, nên có đầu tư vào sửa sang cũng phí hoài, vợ chồng tôi đành dọn đến, chấp nhận ở theo kiểu tạm bợ. 

Một hôm, chồng tôi đưa tôi về nhà thưa chuyện với anh chị chồng. Chồng tôi đề nghị do ngôi nhà kia sẽ không còn nên mong anh chị xem xét lại phần tài sản được thừa hưởng từ người mẹ đã khuất. Nếu có tiềm lực kinh tế, vợ chồng tôi có thể tự mua nhà riêng mà không bao giờ nhờ anh chị. Nhưng giờ chúng tôi mới chỉ gom góp được chút xíu tiền, chưa đủ để làm được gì việc lớn. Nếu không cho được thì mong anh chị hỗ trợ chúng tôi một khoản để mua nhà xã hội trả góp, sau này có chúng tôi sẽ từ từ trả lại anh chị. Bởi lẽ ra, ngay từ đầu, nếu mẹ chồng tôi chia đều hai ngôi nhà cho hai con, thì bây giờ cả hai anh em đều phải chịu thiệt với ngôi nhà giải tỏa và có phần trong căn hộ tập thể này.

Nghe tôi nói xong, anh chị chồng tôi nổi đóa, cho rằng chúng tôi “trở mặt”. Anh chị bảo ngày trước, việc chia tài sản đã được định đoạt với sự đồng thuận của các bên. Anh chị nói sao chúng tôi không tìm hiểu trước và có ý kiến với mẹ chồng khi còn sống. Giờ, đố chúng tôi dám bước chân vào căn hộ tập thể này vì nhà giờ đã đứng tên anh chị rồi. Khi mẹ đã qua đời thì anh em kiến giả nhất phận, chúng tôi hãy tự lo cho bản thân mình. Anh chị ngày trước đã cưu mang chúng tôi lúc mới cưới thì giờ đã hết trách nhiệm rồi. 
Vợ chồng tôi đưa nhau ra về, không nói lại gì để còn giữ chút tình cảm gia đình. Anh em xào xáo vì tài sản thật sự đáng buồn lắm. Dù đã nghĩ tích cực như vậy nhưng trong lòng chúng tôi vẫn thấy sao mà chua chát thế.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.