Áo cũ

Chia sẻ

Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.

Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn
Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim
Áo con có đường khâu tay mẹ vá
Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm.

Áo đã ở với con qua mùa qua tháng
Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương
Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới
Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn.

Hãy biết thương lấy những manh áo cũ
Để càng thương lấy mẹ của ta
Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống
Những gì trong năm tháng trôi qua...
                                                         (1963, lớp 9H)
      (Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002)
                                                       Lưu Quang Vũ

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH
Năm ấy, mới là cậu học trò lớp 9 nhưng thi sĩ tài năng Lưu Quang Vũ của chúng ta đã có một bài thơ về tấm áo cũ thật lạ. Bài thơ được viết một cách bình thản, trầm tĩnh và sâu sắc. Sở dĩ một cậu bé mười lăm tuổi có thể viết được thế là bởi… có mẹ. Quả thật, trên đời này nếu không có bóng hình một người mẹ trong lòng thì không ai có thể trở thành anh hùng hay thi nhân được.

Cậu ta bắt đầu ngẫm và viết như thế này: Oái oăm thay, chiếc áo quý giá nhất là chiếc áo mau ngắn, mau sờn nhất-một suy tư đầu đời đầy thảng thốt:

Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.

Ai trong chúng ta cũng từng có một chiếc áo như thế. Nó vừa là nhân chứng, vừa là trang nhật kí ghi dấu những biến chuyển trong đời mà nghĩ đến nó đã đủ cay xè khóe mắt. Áo của những cậu bé thường do mẹ lựa, chẳng may bị xước, bị rách do nghịch ngợm thì cũng lại tay mẹ vá:

Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn
Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim
Áo con có đường khâu tay mẹ vá
Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm.

Nhà thơ sớm bộc lộ sự tinh tế ở câu thơ chuyển mạch này: “Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn”. Đúng là, không ai hiểu rõ con trai bằng mẹ, con mặc áo chật thì ai cũng biết vì ở cái tuổi thèm ăn, thèm ngủ này thì cậu nào chẳng thế. Nhưng, chỉ có mẹ hiểu được lòng con qua từng vết rách, cũng là từng va vấp bồng bột, dại khờ. Đường kim, mũi chỉ cũng là lời vô ngôn của mẹ, con nhìn vào cách mẹ vá áo mà thấm thía cái lẽ ở đời. Khi khâu áo cho con, mẹ cũng cảm nhận được mình đã già đi như thế nào. Thật bất ngờ, người con có một suy nghĩ sâu sắc, chín chắn hơn cái tuổi của mình, áo cũng chính là hóa thân của mẹ, luôn che chở cho con, đồng hành cùng con:

Áo đã ở với con qua mùa qua tháng
Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương
Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới
Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi có cảm nhận là những người ở phố thường cảm nhận về mùa khá rõ dẫu họ không canh tác nông nghiệp. Bởi với họ, mùa là tuổi tác, là mất mát, là xót xa. Vì thế, chữ “mùa” trong bài thơ này đọc lên thật cảm động “Áo đã ở với con qua mùa qua tháng”.

Những người trẻ vốn thích sự biến động, đổi thay, mới mẻ, có háo hức nào như được mặc chiếc áo mới nhưng với chàng trai này, không có điều gì quý giá hơn người mẹ: “Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới/Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn”. Tình cảm người con thật và đáng quý như thế.

Trước khi khép lại bài thơ này, tôi nhận ra một câu thơ lấp lánh, kết tinh ý tứ toàn bài và cũng là điều chiêm nghiệm bất ngờ ở một người cầm bút tuổi mười lăm: “Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống”. Những gì đã cùng sống đâu chỉ có giá trị vì cùng đồng hành, chia sẻ buồn vui, là chứng nhân của đời mình mà còn vì đã tạo nên vẻ đẹp cho tâm hồn mình. Áo cũ, mẹ già và ngày hôm qua đều trở nên vô giá…

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.