Bà đã về rồi
(PNTĐ) - Ông Nam - một người khó tính, gia trưởng và thường xuyên áp đặt quan điểm của mình lên người khác luôn khiến không khí trong nhà nặng nề, căng thẳng.
Ông Nam tự hào mình có lương hưu, là người đưa ra quyết định cuối cùng về mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình. Với ông, mọi thứ đều phải theo một trật tự đã định, nếu trái lời sẽ hứng chịu cơn thịnh nộ một cách vô lý. Điều này dần trở thành nguồn cơn của những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ông bà.
Bà Loan, ngược lại, là người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó và đầy nhẫn nại. Bà hiếm khi to tiếng với chồng mà luôn cố gắng làm tròn vai trò của mẹ hiền, vợ đảm. Ngày ngày, ngoài chăm lo việc nhà cửa, bà dành phần lớn thời gian ở khu vườn bên cạnh ao. Bà trồng đủ loại rau theo mùa, dưa leo, cà chua… và một số loại hoa quả. Sáng sáng, bà lại mang những bó rau đi bán ở chợ làng gần đó. Công việc tưởng chừng đơn giản vậy thôi nhưng cũng là nguồn thu giúp bà xoay xở mọi chi tiêu trong gia đình.
Còn tiền lương của chồng, bao nhiêu năm nay bà chưa bao giờ được cầm trọn vẹn trong tay, vì ông Nam là người tính toán và chi li. Ông từng giao hẹn thẳng thắn với bà rằng: “Tiền lương của tôi, tôi sẽ giữ, chỉ để lo những việc lớn, hay mua sắm vật dụng trong nhà. Còn bà bán rau được đồng nào thì chi tiêu trong nhà. Khi nào hết thì tôi mới đưa”.
Có những lúc bán hàng ế ẩm, lại thêm nhiều đình đám, cỗ bàn nên bà Loan chẳng đủ tiền chi tiêu. Ngập ngừng hỏi đến chồng thì ông lại cáu gắt: “Tháng này bà hỏi tiền không dưới 3 lần rồi đấy. Tiền bà đi chợ bán rau đâu? Suốt ngày cặm cụi ngoài vườn mà không đủ tiêu thì đừng làm nữa. Đúng là vô tích sự”.
- Ông không thấy là thời điểm giao mùa nên ít loại rau để bán à? Tiền ăn uống hàng ngày tôi không nói, mà ông tính xem từ đầu tháng đến giờ ông đi ăn mấy cái cỗ rồi? Ông chỉ biết đi ăn thôi, còn tôi mới là người bỏ phong bì. Ông một vừa hai phải thôi. Bao nhiêu năm qua tôi cắn răng chịu đựng chỉ vì muốn giữ yên ấm cho ngôi nhà này. Nhưng ông không biết điều mà ngày càng quá đáng. Ông không thay đổi thì chỉ có sống một mình thôi, ông Nam ạ.
Bà thẳng thắn đáp trả lại ông, không chịu nhún nhường như mọi khi.
Ông Nam không ngờ bà Loan lại dám to tiếng với mình, và quả nhiên, ông không thể chấp nhận điều đó. Trong cơn nóng giận, ông càng lớn tiếng: “Có giỏi đi đâu thì đi, thân này ở một mình càng nhẹ gánh. À nhưng mà muốn bước ra khỏi nhà thì viết đơn đi, tôi ký”.
Nếu như những lần trước ông Nam thách thức bà Loan dám viết đơn ly hôn, bà đều dịu giọng nói: “Ở bao nhiêu năm nay còn chịu đựng được, giờ già rồi, cháu gái lớn sắp lấy chồng rồi mà còn ly hôn, người ta cười cho”. Nhưng lần này, bà lại phản kháng mạnh mẽ khiến ông Nam có chút bất ngờ.
- “Ông nghĩ tôi lại sợ à? Không đâu, lần này tôi sẽ cho ông toại nguyện. Nhưng tôi nói cho ông ngẫm nghĩ lại xem bản thân mình đối xử tệ với tôi như thế nào. Từ ngày về hưu, ông rảnh rỗi cả ngày, nhưng không bao giờ động tay chân đến việc nhà, tất cả mọi việc đều do tôi quán xuyến. Ông đi từ sáng đến tối chỉ đến bữa mới về nhà. Có những hôm ế chợ, tôi về nấu cơm trưa muộn thì ông cằn nhằn, quát nạt rằng cả ngày có mấy bữa cơm lo cũng không xong, rồi ông kỹ tính đến mức không muốn dùng thức ăn để lại từ bữa trước. Ông có thấy tôi rảnh rỗi lúc nào không hay suốt ngày lọ mọ ngoài vườn, ngoài chợ? Vì mấy đồng lương nên ông coi thường tôi, nhưng mà cơm ăn nước uống hàng ngày lại là tôi lo trang trải đấy”.
Nói rồi, bà Loan đi ra khỏi nhà. Lần này bà quyết tâm làm căng mọi chuyện chứ không chịu nhún nhường chồng nữa. Bà ra hàng photocopy nhờ in cho mấy tờ “đơn ly hôn” rồi ký sẵn tên và để trên bàn. Ngày bà Loan rời bỏ ngôi nhà đã gắn bó hơn nửa đời người, bà chỉ mang theo một chiếc vali nhỏ và tấm lòng nặng trĩu, cùng với đó là sự mệt mỏi mà bà đã gánh chịu suốt nhiều năm qua.
Người con gái và con trai của ông bà giờ đã trưởng thành và có cuộc sống riêng ở cùng một thành phố. Khi bà Loan gọi điện nói về mọi chuyện thì đều ủng hộ mẹ nhiệt tình. Vì con trai đang đi công tác nên bà qua nhà con gái ở. Nhìn vẻ mệt mỏi, buồn rầu của mẹ, người con gái an ủi: “Mẹ cứ ở đây với con, không cần phải lo lắng gì cả, để con gọi điện báo cho bố biết. Trước đây con cũng từng nói nhiều lần rồi. Bố rất là gia trưởng, khó tính, khó chiều, chỉ có mẹ mới chịu đựng được vậy thôi. Nhưng mà càng nhiều tuổi, lại càng khó chịu hơn, thế nên mẹ cần phải một lần mạnh mẽ đứng lên, để bố biết được giá trị của mẹ trong nhà. Con đảm bảo với mẹ, bố không dám ly hôn đâu, sau vài ngày sẽ gọi điện xin lỗi để mẹ về thôi”.
Hôm bà Loan lên thành phố, ông Nam đi ăn cỗ đến chiều mới về. Thấy ngôi nhà vắng lặng, ông vẫn không tin vào sự thật. Vốn quen với việc có người bên cạnh lo lắng từng li từng tí, giờ đây ông đột nhiên phải đối mặt với sự trống trải, cô đơn đến đáng sợ.
Mỗi ngày trôi qua, sống trong cô đơn và tự vấn lương tâm, ông Nam càng cảm nhận rõ hơn những lỗi lầm của bản thân. Ông nhận ra rằng, trong suốt những năm qua, bà Loan đã chịu đựng quá nhiều, đã hy sinh không ít nhưng điều nhận lại chỉ là sự coi thường, trách móc.
Quyết tâm sửa sai, ông Nam bắt đầu thay đổi. Ông xắn tay ra vườn cuốc đất, nhặt cỏ, trồng rau, tự mình trải nghiệm cuộc sống mà hàng ngày bà Loan đã phải gánh vác. Thấu hiểu sự vất vả mà người bạn đời của mình đã trải qua, ông cảm thấy ân hận vô cùng. Ông Nam cũng thay đổi cách cư xử, không còn nóng nảy và áp đặt như trước nữa.
Cuối cùng, sau một thời gian dài suy ngẫm, ông Nam quyết định gọi điện cho con gái để khuyên nhủ mẹ về nhà. Ông nhận ra mọi lỗi lầm và mong muốn có cơ hội được sửa sai. Tuy nhiên, phải sau 5-7 lần gọi điện, bà Loan mới cầm điện thoại nói chuyện. Thế rồi sau một thời gian suy nghĩ và trò chuyện với các con, bà Loan quyết định trở về nhà.
Ngày về, bà Loan không báo trước. Khi bước vào cổng thì thấy ông Nam đang lúi húi nhặt cỏ ngoài vườn. Nhìn thấy bóng dáng quen thuộc, ông Nam vội vã bước vào sân, khuôn mặt không giấu vẻ mừng rỡ: “Bà đã về rồi”.
Kể từ ngày đó, cuộc sống của bà Loan như bước sang một trang mới, vui vẻ và thảnh thơi hơn trước rất nhiều.