Bà Lân

Chia sẻ

Tiếng các bà hàng xóm chụm vào nhau: “Bà Lân lại bán đất đấy! Thế này là hết sạch rồi, còn mỗi cái nhà chui ra chui vào thôi!”. Vài cái nguýt ngoa giữa buổi sáng vắng vẻ đến tai bà Lân, nhưng bà mặc kệ, lầm lũi chất những mớ rau lên chiếc xe máy cà tàng, để kịp buổi chợ sớm.

Nếu là chục năm về trước, những bà hàng xóm kia không có cửa mỉa mai sau lưng bà. Vì khi ấy chồng bà còn sống, ông ta nổi tiếng là người khó tính, khó ưa đến mức không ai dám đụng vào, vì sẽ bị ông nhiếc móc đến mức phải xin thì thôi. Phần nữa, là hồi ấy, nhà bà Lân còn nhiều đất, nói không ngoa chứ dồn lại cũng phải gần bằng một dãy phố này. Khi ấy, bà Lân chả sợ gì vì có chồng chống lưng, nhà thì của ăn của để, bao nhiêu tấc đất là bấy nhiêu tấc vàng. Ông bà lại chỉ có mỗi một cậu quý tử, chả phải chia chác cho ai, rồi cũng về tay nó tất. Vậy thì cứ vui vẻ mà hưởng thụ, mà vênh mặt lên với đời, sợ gì!

Hồi ấy, bà Lân cũng chẳng thèm chạy chợ. Dãy trọ cho thuê cũng dư dả cho cả nhà ăn tiêu. Người trong làng không ai dám đụng vào nhà bà, vì dù chỉ là vài cái lá quét vội mà bay sang sân nhà bà thôi, là hai vợ chồng bà sẽ đay nghiến cho nhà nào không may một bài ca dài buốt cả óc, vuốt mặt không kịp. Khó tính có hạng, nên người ta vừa sợ, vừa không ưa. Họ im im chịu trận, cho đến khi nghe tin chồng bà mắc bệnh nan y, chỉ còn sống được vài năm nữa thôi, thì họ hỉ hả ra mặt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ ngày chồng mất, bà Lân có vẻ hiền hơn, nhưng độ đanh đá, chua ngoa vẫn còn đó, như sự hiện diện của cái uy của chồng bà. Thậm chí bà còn khó tính hơn, tới nỗi mấy sinh viên thuê dãy trọ của bà phải bỏ đi tìm nhà trọ khác vì lắm thứ nội quy bà đặt ra. Nhà trọ bỏ trống, giảm giá cũng không ai tìm đến thuê, bà mới đành xuống nước, nghĩ cách chạy chợ kiếm đồng ra đồng vào mỗi tháng. Ai ngờ, mải chạy chợ, Tuấn – thằng con trai duy nhất rơi vào cãi bẫy của cờ bạc lúc nào không hay. Tiền của trong nhà cứ đội nón ra đi, bao nhiêu của nả, đất đai bà phải lần lượt bán hết, bởi những chủ nợ đòi ráo riết.

Mỗi lần Tuấn “báo nhà” là một lần bà Lân xén bớt một mảnh đất của mình để bán tống, bán tháo. Không gì qua mặt được hàng xóm, nhất là với những người trước đây bị vợ chồng bà xỉ vả không ra gì. Họ khoái chí, ung dung đứng buôn chuyện với nhau oang oang trước cổng nhà mình, như thể cố tình cho bà Lân phải nghe thấy vậy. Mảnh đất cuối cùng cũng đã bán, tự trọng cuối cùng của bà Lân cũng bay đi theo. Lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, người ta thấy bà cúi gằm xuống, lộ rõ vẻ bất lực, vì nếu nay mai thằng con trót lỡ hỏng thêm lần nữa, bà chỉ còn cái nhà này cùng cái thân già mà giao cho chủ nợ thôi. Từ dạo ấy, bà Lân gầy sọp đi, xơ xác hẳn. Không còn vẻ hiên ngang của một “địa chủ”, bà như một cơn gió cuối chiều, cố vớt vát chút sức lực cuối cùng cho những ngày chạy chợ từ tảng sáng tới xẩm tối. Nhà cứ cửa đóng then cài suốt, vì thằng Tuấn đã lại bỏ đi, đi đâu bà không biết, và cũng vì đóng vậy, cho hàng xóm đỡ ngó ra ngó vào.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuấn có vẻ không còn làm khổ mẹ mình nữa, tu chí đi làm công nhân một khu công nghiệp gần nhà, và lấy vợ. Nhưng cô ả cũng chỉ ở được một thời gian rồi bỏ đi, vì trong nhà làm gì còn thứ gì nữa. Được vài tháng, Tuấn lại lấy vợ mới, là một cô gái ở tận đẩu tận đâu theo anh ta về nhà. Hai người đẻ được đứa con gái, cô ta cũng bỏ đi. Tuấn chán nản, cũng chẳng thèm quan tâm đến con cái, bỏ hết cho bà Lân trông nom, mình thì bỏ việc, suốt ngày ru rú trong nhà, chơi với đàn chó và những người bạn cũng ất ơ như thế.

Hơn sáu mươi tuổi, một tay bà Lân vừa chạy chợ, vừa chăm cả con lẫn đứa cháu còn nằm ngửa. Con bé khó dỗ, lười ăn, cứ khóc ngằn ngặt, nhiều khi tới tận nửa đêm, hàng xóm không ngủ được, họ nhào sang mắng cả hai bà cháu. Tiếng mắng dường như lạnh lùng hơn, xối xả hơn, như gom cả bao nhiêu tức tối ngày trước họ phải chịu đựng. Bà Lân nhẫn nhịn nghe, không phản ứng lại, vì bà đâu còn gì để che chắn cho mình vỗ ngực đâu.

Hai bà cháu cứ bên nhau như vậy rồi con bé cũng lớn, tự ở nhà trông nhà, giúp bà chạy chợ rồi đi học. Bố nó, Tuấn, vẫn cứ ất ơ, sống vất vưởng mặc kệ mẹ, kệ con mình. Bà Lân đành chịu, vì sức bà ngày một già yếu, mà đứa cháu đang tuổi đến trường, bao thứ phải lo toan. Mẹ nó chẳng một lời hỏi han hay chút quà gửi về cho con gái. Xót cháu, bao nhiêu yêu thương bà dồn cả vào nó. May mắn thay, dường như niềm vui vẫn mỉm cười với bà. Con bé rất ngoan, biết làm việc nhà và học cũng khá. Nó chẳng bao giờ phải để bà nhắc nhở, tự giác dọn dẹp nhà cửa, cắm cơm, nhặt rau sẵn chờ bà về nấu cơm. Hai bà cháu quấn quýt lấy nhau, bà Lân thấy cuộc sống của mình như hồi sinh sau đằng đẵng những ngày tăm tối.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng sáng hôm ấy, con bé My – cháu bà ngủ dậy mà vẫn chưa thấy bà đi chợ như mọi ngày. Nó xuống bếp, tưởng sẽ có cái bánh bao hay bánh mỳ với hộp sữa bà chuẩn bị, nhưng không, căn bếp trống trơn, bố nó thì đã đi đâu mất rồi. Như cảm thấy điều gì, nó chạy ù vào phòng bà, thì thấy bà co ro, mặt mũi xám xịt hết cả. Nó hoảng quá, gào lên gọi bà, rồi chạy ra đường, sang hàng xóm nắm tay mấy bà, mấy bác đang đứng đó, “bà cháu ốm rồi, không thấy mở mắt, bác sang xem cho cháu với, huhu!”, nó cứ vừa mếu vừa kéo tay người ta đi như thế. Mấy ông hàng xóm khỏe mạnh, người chạy vội vào nhà bà Lân, người chạy về lấy xe máy phi sang, nhanh chóng đưa bà ra bệnh viện huyện. May quá, chỉ là một cơn đột quỵ nhẹ và kịp thời phát hiện. Bà Lân tỉnh lại ngay sáng hôm ấy, được bác sỹ và hàng xóm chăm sóc, người đã khỏe lên mấy phần.

Chiều, hàng xóm đưa cái My vào thăm bà. Hình như nó khóc suốt cả ngày, nên mặt mũi tèm nhem, bà phải lấy cái khăn mặt đầu giường lau cho nó. Nó ôm bà, bảo “bà mà ốm thì cháu ở với ai, bà phải khỏe lên nhanh đấy”, rồi lại khóc tu tu, khiến người lớn trong phòng bệnh ai cũng xúc động. Bà Lân cũng không kìm được nước mắt, vì bà biết đứa cháu nhỏ mà không kịp gọi người, và nhờ cả tấm lòng của những người hàng xóm mà trước đây bà từng mắng nhiếc, thì chắc gì giờ này bà được ôm đứa cháu bé bỏng của mình lần nữa.

Bà Lân được xuất viện, về nhà nghỉ ngơi thêm vài ngày nữa thì khỏe lên nhiều. Việc chạy chợ phải tạm ngưng, nhưng bà cũng không dám lo nghĩ nhiều. Tuấn vẫn đi biền biệt, nhưng đã biết về nhà sớm hơn để cơm nước cho mẹ và con. Khỏe hẳn, bà Lân cùng bé My xách ít hoa quả sang cảm ơn hàng xóm. Ngần ngừ mãi mới dám bước vào nhà họ, rồi mãi bà mới mở lời cảm ơn được. Có lẽ, cái nghĩa hàng xóm – láng giềng, dù có thế nào vẫn không vụt tắt được. Bà nghẹn ngào xin lỗi người ta, mà thấy lòng thanh thản hơn rất nhiều.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.