Bà ơi, cháu đã về!

Nguyễn Thị Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà tôi có một ước mơ lớn, đó là một lần được đến châu Âu. Tuy nhiên, chi phí đi du lịch châu Âu đắt đỏ nên bao năm rồi, bà vẫn không hoàn thành được ước mơ đó.

Vì vậy, khi tôi trở thành sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, tôi nghĩ đấy sẽ là tiền đề tốt để tôi đưa bà sang châu Âu chơi. Bố mẹ tôi cũng bảo bây giờ cậy nhờ cả vào tôi giúp bố mẹ chăm lo, phụng dưỡng bà. 

Ngày tôi lên thành phố học đại học, tôi dặn: “Bà ở nhà nhớ giữ sức khỏe để đợi tới ngày cháu đưa bà đi châu Âu”. Bà tôi cười, hứa nhất định sẽ đợi tôi.

Năm thứ nhất, thứ hai, tôi vẫn phải nhờ cậy gia đình gửi tiền lên nuôi mình ăn học.

Năm thứ ba tôi bắt đầu đi làm thêm nên bố mẹ bớt lo toan cho tôi hơn. Nhưng, tôi vẫn chưa có tiền gửi về.

Bà ơi, cháu đã về! - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi hết năm thứ tư, tôi ra trường, đi làm. Lại mất tới hai năm để khẳng định năng lực. Tiền lương tuy có cũng chỉ đủ chi tiêu cho bản thân ở thành phố.

Một năm đôi ba lần, tôi về quê. Vẫn nhớ như in lời hẹn với bà, tôi dặn bà cố gắng đợi tôi thêm chút nữa.

Cuối cùng, tôi cũng giành được một suất học bổng du học thạc sĩ ở châu Âu. Sau hai năm vất vả, trước khi bảo vệ  luận văn thạc sĩ, tôi ngỏ ý được mời bố mẹ và bà sang chứng kiến ngày tôi trưởng thành. Cứ nghĩ đến việc đã có điều kiện giúp bà hoàn thành giấc mơ năm nào, tôi vui lắm. Nào ngờ, bà tôi gọi sang cho tôi bảo: “Cháu à, giờ bà cũng đã ngoài 83 tuổi rồi. Bà chân chậm, mắt mờ, sức khỏe yếu nhiều rồi. Giờ, bà chỉ loanh quanh ở nhà thôi. Nay cháu có thể tung cánh bay xa, coi như cháu đã đi du lịch châu Âu thay cả phần bà rồi”. 

Tôi cố gắng nhờ bố mẹ thuyết phục bà đi, nhưng bố tôi cho biết, mấy năm qua khi tôi đi vắng, bà đã yếu đi nhiều. Bà còn đang bị bệnh tim, ngồi trên máy bay đường dài rất nguy hiểm. Biết là tôi đã mong đón bà ở châu Âu như thế nào nhưng sức khỏe của bà đã không còn cho phép bà đi nữa.

Bà ơi, cháu đã về! - ảnh 2
Ảnh minh họa

Lần đi sang dự lễ bảo vệ thạc sĩ của tôi năm đó chỉ có bố tôi. Mẹ tôi vì vướng việc lo cho bà nên cũng không đi được. 

Sau đó, tôi ở lại châu Âu làm việc thêm vài năm để lấy kinh nghiệm. Đầu năm nay, tôi quyết định trở về Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác sau bao năm lại được về quê với bố mẹ. Mặc dù gần như mỗi ngày tôi vẫn cập nhật thông tin ở nhà qua những cuộc trò chuyện với bố mẹ nhưng sau khi gặp lại người thân, nhất là bà, tôi thấy tim mình nghẹn lại. Bà tôi vẫn ở đó trong ngôi nhà thân thuộc nhưng đã không còn đủ tỉnh táo để nhận ra tôi nữa. Bà còn hỏi tôi là ai, và vì sao lại đến nhà bà. Tôi òa khóc thấy thương bà vô cùng. Tôi giờ đã trở thành một người tạm gọi là trưởng thành, kiếm được đủ tiền để phụng dưỡng bà và bố mẹ thì bà đã không còn đủ sức để đợi nữa. Đừng nói đến giấc mơ đi châu Âu, ngay cả việc đợi để được trò chuyện, hàn huyên cùng cháu gái  hàng ngày cũng đã không thể thực hiện được.

Thương bà, tôi lại càng cảm thấy mình có trách nhiệm phải quan tâm, khẩn trương báo hiếu bố mẹ của mình. Tôi không muốn bố mẹ tôi lại phải tiếp tục đợi tôi cho tới khi đã quá muộn.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.