Bà tôi đi lấy chồng

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - ở tuổi ngoài 65, bà tôi bỗng nhiên trở thành cô dâu. Trong mắt của nhiều người, việc ấy thật là lạ nhưng với gia đình tôi thì không.

“Ông dượng” của tôi là người bạn già thân thiết với bà đã nhiều năm. Ông tôi mất từ khi bà tôi còn trẻ. Còn bạn đời của ông dượng cũng qua đời được mươi năm rồi. Ông dượng có tình cảm với bà và từ lâu đã có ý muốn mời bà tôi về chung một nhà để hai thân già làm bạn với nhau. Song, bà tôi không đồng ý, phần vì bà đã quen cảnh sống một mình, phần vì bà sợ bị mọi người đàm tiếu là già rồi còn ham trống bỏi.

Gần 10 năm trời, bà và ông chỉ dừng lại ở việc năng qua lại nhà nhau. Hai người thân hơn bạn thân nhưng tình cảm dưới mức đôi lứa. Sáng, ông kiếm cớ tập thể dục để chạy bộ đến nhà tôi gặp bà chốc lát. Rồi ông qua đưa bà đi khiêu vũ, thi thoảng còn mua cho bà tấm áo, chiếc khăn. Mà ông cũng giỏi lắm, mua đồ nào bà cũng thấy ưng. Bà tôi thì “e ấp” hơn, không bày tỏ tình cảm quá lộ liễu. Thi thoảng, bà muối cà, giã vừng cho nhà thì lại làm thêm một lọ. Bà không trực tiếp đưa cho ông mà nhờ tôi mang cho “khách quan”. Tôi phải lấy cớ nhà ông ở chẳng có chỗ để xe máy thì bà mới chịu đi cùng, trong lúc tôi trông xe thì bà lên đưa quà cho ông. Nghe người ta mách uống nước lá xoài có thể giúp hạ đường huyết trong khi ông đang bị bệnh tiểu đường, khi xoài vừa vào mùa trổ lá, bà vội đi khắp trong xóm để hái lá cho ông. Tôi trêu bà chắc hẳn phải yêu ông nhiều lắm nên mới kỳ công như thế, bà vội gạt đi bảo: “Bà chỉ giúp người bệnh thôi, không phải ông mà người khác bà cũng sẽ làm như vậy”.

Bà tôi đi lấy chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cho tới một lần, ông bị đột quỵ.  Khi đưa vào tới bệnh viện, bác sĩ nói chỉ chậm thêm 5 phút nữa là ông có thể qua đời. Nếu có qua khỏi thì ông cũng có nguy cơ mất trí nhớ vì não đã bị tổn thương. Ông nằm viện 3 tháng, gần như không biết gì. Khi được các con ông đến nhà đón bà vào viện thăm ông, biết đâu là lần cuối, bà tôi sốc lắm. Chân tay bà lạnh toát, đi còn không vững. 

Những ngày sau đó, chiều nào, tôi cũng về sớm để đưa bà vào viện thăm ông, dù chỉ để đứng ngoài hành lang hóng tin tức từ xa vì ông phải nằm trong phòng điều trị đặc biệt. Bà tôi tin ông sẽ cảm nhận được sự quan tâm của bà dành cho ông. 

Và rồi như một phép màu, ông đã tỉnh lại. Sức khỏe ông yếu hẳn đi chứ nhận thức vẫn bình thường. Khi tất cả chúng tôi đều không ai nghĩ tới việc sẽ tác hợp cho ông bà nữa, ngay cả các con của ông cũng tính đưa ông về ở chung để tiện bề trông nom thì bà tôi lại đột nhiên đặt vấn đề muốn đến với ông. Bà nói, việc ông ốm vừa qua đã khiến bà tỉnh ngộ, hiểu rằng thời gian không chờ đợi ai lâu. Bà muốn từ nay sẽ được chăm sóc ông cho đến những năm tháng cuối đời, được cùng ông an hưởng tuổi già. 

Bà chỉ băn khoăn là vắng bà rồi, gia đình tôi liệu có xoay xở được không? Ai sẽ giúp chúng tôi việc nhà cửa, cơm nước? Bình thường có bà, bố mẹ tôi có thể an tâm đi làm, chúng tôi đi học, dù muộn thế nào về tới nhà thì cơm nóng, canh ngọt cũng đã sẵn sàng. Mẹ tôi động viên bà an tâm, mọi việc đâu sẽ vào đó. Việc của bà bây giờ là chỉ nghĩ cho bà và ông thôi.

Chỉ trong 1 tháng, ông bà tôi hoàn tất các thủ tục đăng ký kết hôn và chính thức về với nhau sau một bữa cơm thân mật có sự chứng kiến của đầy đủ con cháu hai bên và một số họ hàng thân thích. Bà tôi không mặc quần áo cô dâu, ông dượng không có áo chú rể. Hai ông bà chỉ mặc những bộ quần áo đẹp nhất trong tủ quần áo của mình vì cả hai ông bà đều không muốn bày vẽ tốn kém.

Bà đi lấy chồng rồi, nhà tôi vắng hẳn. Căn phòng của bà vẫn được bày biện gọn gàng như hồi bà còn ở nhà, xong, thiếu đi bóng dáng của bà.  Nhiều lúc tôi cũng nhớ bà lắm, thèm được nghe câu hỏi thăm của bà mỗi khi đi làm về. Tôi cũng thèm cảm giác buổi tối được chạy xuống phòng, rúc vào nách bà rồi đòi gãi lưng cho. Mẹ tôi cũng vất vả hơn vì phải lo việc cơ quan, buổi chiều thì tất tả về sớm cơm nước. Có người phũ miệng, bảo bà tôi dở người, con cháu mình không chăm lại bỏ đi nơi khác chăm người dưng.  
Nhưng cả nhà tôi không bao giờ trách cứ bà, còn ước, giá bà đi lấy chồng sớm hơn. Chúng tôi không màng tới những lời dị nghị, bàn tán, cũng chẳng sợ nhà vắng bà. Chúng tôi chỉ cần bà được hạnh phúc tuổi già là đủ.

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.