Bà tôi đòi ly dị

Chia sẻ

Ngày hôm đó, trước mặt con cháu, bà tôi cáu kỉnh nói với ông: “Tôi với ông hãy ly dị đi. Tôi không chịu nổi ông nữa”. Ông tôi cũng chẳng vừa, đáp luôn: “Được, bà cứ viết đơn đi tôi ký. Chả biết là tôi với bà ai chịu đựng ai”.

Tất nhiên là sẽ chẳng có cái đơn ly hôn nào được đưa ra sau đó. Chúng tôi, cũng chẳng vì câu nói ấy của bà mà hoảng hốt, lo lắng. Bởi, ông bà tôi là vậy, cứ dăm ngày là ba trận giận dỗi, cãi cọ, đòi chia tay nhau. Bà nói bà chán ông, còn ông thì bảo biết thế này ngày xưa ông chẳng lấy bà.

Tôi là đứa cháu lớn nhất của ông bà, nên rất hay được nghe điện thoại của bà gọi tới. Một lần, bà sụt sùi, bảo tôi: “Cháu phải gọi cho ông đi, ông chỉ nghe lời cháu thôi, ông cháu thật là tệ”. Thì ra, bà than là bà bị cao huyết áp, bác sĩ bảo lúc nào bà cũng phải giữ cho tinh thần thoải mái để không làm huyết áp tăng cao, rất không tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, ông lại rất ít khi nói nhẹ nhàng với bà. “Ông cháu muốn bà chết sớm để được rảnh nợ đấy. Cháu hãy nói để ông hiểu và thương bà nhiều hơn. Cả đời này bà sống cho gia đình mình rồi”.

Nhưng với cái tính trời sinh của ông tôi, thật khó để có thể cải tạo ông chỉ sau vài câu nói. Bằng chứng là có lần, tôi cũng đã thử mở lời, kể về nỗi lòng của bà cho ông nghe thì ông đã gạt đi ngay: “Bà cháu chỉ vớ vẩn thôi. Dễ thử có mỗi bà hy sinh cho gia đình chắc? Ông đây này, thời trẻ, bôn ba khắp nơi để mưu sinh cũng vất vả lắm chứ. Nếu không vì bà và bố cháu thì ông sướng một mình nhẹ tênh”. Sau lần đó, không những không nhẹ nhàng, dịu dàng với bà hơn mà thi thoảng ông còn chê trách bà trẻ con, lẩm cẩm, già rồi còn nũng nịu, đòi được yêu thương. Thế là bà tôi lại tức, bỏ vào phòng nằm, không thèm nói chuyện với ông nữa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chúng tôi, đã quá quen với việc mỗi lần sang nhà ông bà chơi, chỉ cần thấy ông bà ngồi nhìn về hai hướng là biết giữa ông bà lại “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Đến một ngày kia, bà tôi trong lúc đi ra ngoài thì bị choáng, ngã ra đường, mọi người vội đưa bà vào viện cấp cứu. Bác sĩ phát hiện trong não của bà có một cục máu đông nên giữ bà lại để kiểm tra, lành dữ còn chưa biết thế nào. Vì sợ ông sức khỏe yếu, nghe tin về bà sẽ không tốt nên cả nhà thống nhất không nói gì với ông. Bố tôi chỉ bảo đón bà sang nhà tôi ở chơi ít bữa. Ấy vậy mà ông tôi rất tinh ý, đến tối đã biết ngay là bà tôi có chuyện. Ông bảo không bao giờ bà đi đâu dài ngày mà không nói với ông. Bà sẽ không yên tâm để ông ở nhà một mình đâu. Ông gọi sang nhà tôi, bảo tôi phải đưa máy cho ông gặp bà, nếu không thì hãy nói thật xem bà đã bị làm sao rồi. Ngày hôm sau, chúng tôi buộc phải đưa ông vào viện thăm bà. Nhìn thấy bà trên giường bệnh, ông tôi lặng người hồi lâu. Tôi trêu ông: “Ông không muốn ở với bà, thì bà vào viện cho ông tự do, ông sướng quá còn gì”. Ông lườm tôi, nói: “Bây giờ bà bị bệnh thì ông chăm sóc thôi chứ khi bà khỏe lại mà muốn đi nơi khác, ông đồng ý luôn. Ai mà ở được với bà cháu lâu đâu”.

Sau hôm đó, ông tôi về nhà, ngày hai buổi tự tay nấu cơm cho bà ăn. Mà tôi cứ tưởng ông với bà suốt ngày cãi nhau vì không hiểu nhau, hóa ra là ngược lại. Ông tôi rất hiểu mọi sở thích, thói quen ăn uống của bà. Hôm đầu tiên bà vào viện, cơm tôi nấu cho bà, theo tôi là rõ ngon nhưng bà ăn không hết suất. Hôm sau được ăn cơm ông nấu thì bà lại ăn được nhiều. Thì ra, ông biết bà răng yếu nên nấu cơm mềm vừa đủ mà không bị nát cho bà ăn, canh ông nêm nếm đủ nhạt để không ảnh hưởng tới huyết áp của bà. Rồi từng món, từng món ông nấu đều là những món bà thích nhất.

Bà tôi cũng vậy, tuy nằm ở viện nhưng người được bà nhắc đến nhiều nhất chính là ông. Bà dặn ông phải uống thuốc lúc mấy giờ, loại nào, rồi ông nhớ phải tự dùng máy để kiểm tra chỉ số đường huyết mỗi ngày vì ông tôi mắc bệnh tiểu đường. Nghe cách bà nói như thể bà chính là y tá của riêng ông. Lâu nay, nhờ có bà mà chúng tôi “khỏe re”, chẳng phải lo lắng sức khỏe của ông.

Ông bà tôi là vậy, suốt ngày cãi nhau nhưng lại không thể thiếu được nhau. Ông bà đòi ly dị, người này suốt ngày “đuổi” người kia đi xa khỏi mình, nhưng, khi phải xa nhau thật thì lại cứ luôn nhớ về nhau.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.