Bà tôi “vùng lên”

Chia sẻ

Cho đến khi ông tôi 83 tuổi, bà tôi 78 tuổi, tôi đã khuyên bà hãy “vùng lên”. Bao năm qua, bà chịu đựng ông nội như vậy là đủ rồi. Tuy ông chưa từng một lần đánh bà nhưng bà không nên để tinh thần tổn thương vì ông thêm nữa.

Bà tôi vốn chịu thương chịu khó và luôn nghĩ cho gia đình. Mấy chục năm qua, nhờ có bàn tay của bà lo liệu, chăm chút mà gia đình luôn được yên ấm. Ông khó tính và gia trưởng nhưng bà chưa từng chê trách ông. Thậm chí, tôi có cảm giác bà còn thay đổi cả bản thân mình để phù hợp với mong muốn của ông. Tôi chưa bao giờ nghe bà nói “bà thích cái này”, “bà thích cái kia” mà mỗi khi con cháu muốn tặng bà thứ gì, dù là nhân dịp sinh nhật bà, thì bà cũng vẫn nói: “Để bà hỏi xem ý ông thế nào”.

Các món ăn bà nấu cũng theo khẩu vị của ông. Mà tính ông tôi kỳ lạ lắm, đã thích gì thì sẽ “thích tới bến”, “thích cho đã” rồi sau đó thôi luôn. Ông tôi thích ăn măng thì cả tuần đó, ngày nào ông cũng ăn măng. Bà ăn măng cùng ông chán tới mức nổi da gà nhưng không mua măng thì ông lại giận. Còn khi ông đã chán món măng mà bà mua thì ông sẽ bắt bà bỏ đi. Có dạo ông nghiện bánh đúc chấm tương thì cả nhà lúc nào cũng sực nức mùi tương. Ông có thể ăn cả ngày bánh đúc đến mức không cho bà thổi cơm. Nhiều lúc, tôi sang chơi thấy hai ông bà với hai đĩa bánh đúc ăn thay cơm thì thương bà quá. Nhưng bà tôi vẫn rất nhường nhịn, còn bảo thôi ông tính đã thế rồi nên bà chẳng chấp nhặt làm gì.

Thế rồi do sức khỏe yếu dần, ông tôi bắt đầu ít ra ngoài giao du hơn. Ông hay ở nhà nên cũng muốn bà phải ở nhà để có người nói chuyện với ông. Hễ thấy bà gặp gỡ hay gọi điện thoại cho bạn bè, họ hàng là ông bực tức, cấm cản. Lắm lúc, bà đang nói chuyện điện thoại ông còn cố tình nói to, yêu cầu bà dập máy kẻo tốn tiền. Thế là đầu dây bên kia vội dập máy, còn bà thì xấu hổ vì kiểu ứng xử đó của ông.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà tôi vẫn chịu đựng, cho tới lúc nhìn đi nhìn lại, xung quanh bà chẳng còn ai. Hàng xóm chả ai dám gọi bà đi tập thể dục hay ra sân hóng gió vì ngại “va” với ông. Bà con của bà cũng thôi không gọi điện thăm hỏi nữa vì lại phải nghe tiếng ông quát nạt, càm ràm tốn tiền. Bà trở nên cô đơn, mệt mỏi, bí bách nên đã sinh bệnh.

Khi tôi sang thăm, bà nằm bẹp trên giường. Bà bảo biết thế này, ngày xưa bà chẳng lấy ông còn hơn. Tôi liền bảo bà đừng chịu đựng thêm nữa. Bà phải nói ra suy nghĩ của mình cho ông hiểu. Bà không phải cố gắng để làm ông hài lòng, khi ông vô lý cũng phải chịu đựng.

Ngày hôm sau, trong sự ngạc nhiên của ông, tôi mang tới biếu bà một chiếc điện thoại mới. Theo thói quen, ông tôi đòi để ông quản lý điện thoại thay cho bà, nhưng bà tôi không đồng ý. Bà bảo tôi lưu vào điện thoại cho bà các số của họ hàng, hàng xóm, mấy bà bạn già thân thiết của bà. Từ nay bà sẽ tự gọi cho mọi người mà không cần phải xin phép ông.

Lát sau, bà tự bấm máy gọi cho mấy người. Bà còn đóng cửa phòng để ngăn không cho ông vào làm hỏng cuộc nói chuyện của bà. Câu chuyện giữa các bà chẳng có gì đặc biệt, nhưng tôi thấy bà nói chuyện xong thì vui hẳn lên. Tôi đoán đó là cảm giác của người lần đầu được làm theo ý thích của mình.

Ông tôi gia trưởng, nhưng không phải người vũ phu và vẫn yêu bà. Thấy bà phản kháng như vậy, ông lúc đầu cũng đá thúng đụng nia, cấm cảu với bà để bà phải sợ. Nhưng bà tôi giận lại, mấy ngày sau đó, bà không nói chuyện với ông. Đến bữa, bà thổi cơm rồi ăn trước, cũng chẳng đợi ông cho phép hôm nay nấu món gì.
Cuối cùng, thật không ngờ, ông tôi lại là người xuống nước trước. Tôi thấy ông bắt đầu để ý hơn đến thái độ của bà. Khi bà nói chuyện với ai đó, ông không còn dám chen ngang, bắt bà phải dập máy dù ông vẫn chưa thật thoải mái.

Hôm đó gặp lại tôi, bà thì thầm bảo: “Để ông gia tăng tính gia trưởng cũng là do bà. Bao nhiêu năm nay bà cứ nhẫn nhịn ông, nghĩ như vậy là tốt. Giờ thì bà sẽ phải “cải tạo” ông dần dần. Thôi thì muộn còn hơn không, cháu nhỉ”.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.