Bài 2: Giúp trẻ sử dụng internet an toàn

Trung Thu (tổng hợp)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Không gian mạng đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ, người chăm sóc… hãy luôn đồng hành, nâng cao kỹ năng sử dụng internet cho trẻ, qua đó giúp trẻ tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với lứa tuổi.

Dưới đây là các giải pháp mà các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ  quan bảo vệ trẻ em, các chuyên gia khuyến cáo.

Trẻ không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng 

Theo khuyến cáo của Sở Thông tin và Truyền thông thì: 

- Ở lứa tuổi thiếu nhi, trẻ không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mà chỉ nên sử dụng internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống. Trước khi tham gia mạng xã hội, cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của mạng xã hội đó đưa ra, tìm hiểu các kỹ năng về sử dụng mạng xã hội, nhất là các kỹ năng về xử lý thông tin xấu độc, thông báo cho người lớn, cơ quan có trách nhiệm là Công an, Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền cơ sở”.

- Trong quá trình sử dụng mạng xã hội, trẻ cần nhận thức, xác định rõ mục đích sử dụng thông tin và chỉ nên lựa chọn những nội dung phục vụ học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, không nên tò mò truy cập vào những trang mạng có nội dung xấu, tiêu cực. Bên cạnh đó, cần lưu ý: Không kết bạn với những đối tượng lạ, không chia sẻ, đăng tải những thông tin thể hiện tâm trạng, cảm xúc nhất thời của mình; biết cách báo xấu khi nhận thấy thông tin không chính xác, đồng thời thông báo với cha mẹ, nhà trường và cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu nguy hại...

Bài 2: Giúp trẻ sử dụng internet an toàn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cũng đã chỉ ra một số giải pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ trên internet:

-  Tạo lập thói quen trực tuyến và an toàn: Khuyến khích trẻ tham gia xây dựng các quy định trong gia đình về sử dụng thiết bị lành mạnh; hướng trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân; tạo lập các khoảng không gian, thời gian không có thiết bị trong nhà (ăn, ngủ, chơi, học), nhắc nhở trẻ rằng những gì tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video).

- Cha mẹ cần dành thời gian với trẻ trên mạng. Cùng trẻ khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng. 

- Việc giao tiếp cởi mở với con sẽ góp phần giúp trẻ an toàn. Cha mẹ hãy nói với con rằng nếu con có trải nghiệm trên mạng khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi... thì có thể nói chuyện với cha mẹ; chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở trẻ, đặc biệt các biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật, bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến; tạo mối quan hệ tin cậy và giao tiếp cởi mở với trẻ thông qua hỗ trợ và động viên, khích lệ. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và giao tiếp theo những cách khác nhau, vì vậy cần điều chỉnh thông điệp cho phù hợp với nhu cầu, đặc điểm riêng của con mình.

Tăng cường quản lý thiết bị kết nối internet

Theo Tiến sĩ Trịnh Ngọc Trúc và Thạc sĩ Đỗ Thị Thanh Vân (Học viện Phụ nữ Việt Nam), một khảo sát của Học viện được thực hiện cho thấy, có đến 96,76% trẻ truy cập mạng internet ở nhà và thiết bị trẻ thường xuyên sử dụng là điện thoại thông minh (chiếm 85,5%). Do vậy việc giám sát của gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Gia đình cần:

- Đối với thiết bị dùng chung có sử dụng mạng internet như tivi, cần cài đặt mật khẩu hoặc tài khoản bố mẹ để trẻ không tự động tải các ứng dụng mới khi chưa có sự kiểm duyệt của cha mẹ.

- Đối với thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng): Hầu hết điện thoại thông minh, máy tính bảng đều có chức năng quản lý, cài đặt không gian cho trẻ. Để làm được điều này, cha mẹ cần trao đổi để trẻ thấy được các nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng điện thoại thông minh và sự ảnh hưởng của thiết bị điện tử đến sức khỏe của trẻ khi sử dụng quá nhiều thời gian, từ đó thống nhất với trẻ về việc cài đặt chức năng để hạn chế các ứng dụng không phù hợp, cài đặt thời gian cho phép sử dụng. Khi kích hoạt chế độ này trẻ chỉ sử dụng được các ứng dụng cha mẹ cho phép trong một khoảng thời gian hợp lý.

- Đối với máy vi tính: Một máy tính có thể cài đặt được nhiều tài khoản đăng nhập, do vậy với máy tính của trẻ, cha mẹ cần cài đặt cho trẻ tài khoản đăng nhập máy tính riêng phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, hầu hết các trình duyệt web hiện nay đều có chức năng giới hạn thời gian đối với từng trang web cụ thể (như youtube, facebook...) giúp trẻ hạn chế được sự cuốn hút mà không dứt ra được. Cài đặt giới hạn truy cập các trang web xấu, độc để trẻ tiếp xúc với nguồn thông tin chính thống và lành mạnh.

Theo các chuyên gia, nhiều bố mẹ cấm tuyệt đối, không cho phép con dùng điện thoại và mạng xã hội. Tuy nhiên điều này rất dễ phản tác dụng vì trẻ con thường thích khám phá và tò mò, điều bố mẹ cấm đôi khi lại là điều kích thích khiến con lén dùng mạng xã hội. Thay vì cấm cản, bố mẹ có thể hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, có văn hóa. Để đảm bảo con luôn được an toàn trên mạng xã hội, thỉnh thoảng phụ huynh có thể cùng con kiểm tra tài khoản, điện thoại và máy tính của con để cho con thấy cha mẹ luôn quan tâm, bảo vệ đồng thời hướng dẫn con cách thực hiện nhập các biện pháp bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, con cái sẽ bị ảnh hưởng bởi thói quen sử dụng mạng xã hội của cha mẹ mình. Do đó, việc dạy con sử dụng mạng xã hội cũng là cơ hội để cha mẹ xem xét việc chính bản thân có đang lơ là với các quy tắc an toàn thông tin cá nhân hay không, có đang dễ dãi khi bình luận hoặc có đang dành quá nhiều thời gian để sống trên mạng xã hội hay không.

Bài 2: Giúp trẻ sử dụng internet an toàn - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một số ứng dụng hỗ trợ quản lý trẻ sử dụng thiết bị di động

Google Family Link

Đây là ứng dụng miễn phí cho phép các phụ huynh quản lý các thiết bị Android và iOS của trẻ nhỏ, bao gồm Với ứng dụng này, phụ huynh có thể cấp quyền truy cập cho trẻ trên các ứng dụng và dịch vụ của Google trên thiết bị như Gmail, bản đồ Maps, trình duyệt hay quản lý ảnh Photos.

Kids Zone

Ứng dụng hỗ trợ cho các bậc cha mẹ trong việc hạn chế và quản lý trẻ em sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Với ứng dụng này, trẻ chỉ có thể vào các ứng dụng mà phụ huynh chọn, ngăn trẻ em truy cập Internet và mạng xã hội...

Qustodio

Qustodio cho phép thiết lập các cài đặt để quản lý, giám sát thời gian sử dụng điện thoại của trẻ. Bố mẹ có thể chủ động ngăn chặn tình trạng nghiện thiết bị điện tử của con bằng cách đặt giới hạn thời gian dùng.

Kid Place

Ứng dụng này hỗ trợ việc giám sát, quản lý sử dụng thiết bị thông minh. Mỗi khi bố mẹ cho trẻ xem điện thoại hoặc máy tính chỉ cần mở Kids Place lên, giao diện máy sẽ thay đổi. Ứng dụng cũng chỉ cho phép mở các nền tảng mà bố mẹ đã cài đặt sẵn.

Touch Lock

Đây là ứng dụng giúp khóa màn hình, phím vật lý. Ứng dụng sẽ khóa mọi hoạt động tương tác lên màn hình cùng với đó là các phím vật lý như: Âm lượng, back, home, camera.

KIDOZ 

Ứng dụng hỗ trợ các bậc phụ huynh theo dõi con ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào trẻ sử dụng điện thoại cũng như máy tính.

 KidControl – giám sát vị trí của con qua GPS

Chỉ với thao tác thêm tài khoản của con vào danh sách theo dõi của KidControl, vị trí của trẻ sẽ hiện hữu trên bản đồ, đồng thời được truy cập liên tục giúp phụ huynh nắm bắt được kịp thời con đang ở đâu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.