Bài 3: Hiện thực hóa quyền tham chính của phụ nữ

Chia sẻ

Thu hút phụ nữ tham chính, phát huy nguồn lực trí tuệ của nữ giới là một trong những chiến lược của nhiều quốc gia. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi việc thực hiện quyền chính trị là thước đo quan trọng nhất của bình đẳng giới.

Qua đó phụ nữ và nam giới được phát huy tiếng nói, tầm ảnh hưởng của mình tới quá trình ra các quyết định nhằm đáp ứng nhu cầu giới trong các lĩnh vực liên quan.

Phụ nữ tham chính đã đạt được những thành tựu nhất định

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, bình đẳng giới ở Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Trên tất cả các lĩnh vực đều có sự cống hiến của nữ giới.

Về chính trị, nữ giới Việt Nam có tổ chức chính trị riêng, đó là Hội LHPN Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Xuyên suốt quá trình hoạt động, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động, có nhiều điểm mới, sáng tạo trong tham mưu công tác cán bộ nữ, tham mưu đề xuất chính sách cho cán bộ nữ như: Đưa vào Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND năm 2015 quy định tỷ lệ phụ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND đạt ít nhất 35%; tham gia giới thiệu cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt trước các kỳ Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp qua các nhiệm kỳ; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt với nội dung về nâng cao năng lực chính trị cho phụ nữ - vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đặc biệt về Tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số (ảnh: Int)Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đặc biệt về Tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số (ảnh: Int)

Tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng, trên thế giới nói chung và tỷ lệ này ngày càng tăng. Điển hình, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội từ 3% (ở Quốc hội khóa I) tăng lên 24,4% ở khóa VIII (2011-2016) và tỷ lệ này là 26,72% với 133 nữ đại biểu Quốc hội/ 496 đại biểu ở khóa XIV (2016-2021), xếp thứ 2 ASEAN và xếp thứ 43/143 nước trên thế giới.

Ở cấp địa phương, tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND tỉnh, huyện và xã ở các giai đoạn đều tăng, nhất là ở cấp xã. Đơn cử kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ở một số địa phương, tỷ lệ phụ nữ trúng cử vượt dự kiến như: Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh, đạt 43%; Đại biểu HĐND quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đạt gần 45%.

“Ngày nay, sự tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý, điều hành đang trở thành nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng... hướng tới văn minh, thịnh vượng”.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên. Và trong các nhiệm kỳ, các nữ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện trí tuệ, tài năng, bản lĩnh của những người phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Các nữ đại biểu Quốc hội ở bất kỳ cương vị, cơ quan công tác, địa phương nào đều cố gắng học tập nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh, rèn luyện kỹ năng, phấn đấu giữ vững phẩm chất người đại biểu nhân dân, gần gũi, gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội.

Đóng góp của các nữ đại biểu Quốc hội đã góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đem lại hiệu quả tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt cán bộ nữ và nữ đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGPThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt cán bộ nữ và nữ đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP

Phụ nữ tham chính không chỉ để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, vấn đề phụ nữ tham chính cần phải được triệt để thi hành bằng các biện pháp quản lý nhà nước nhằm hiện thực hóa chúng trên thực tế. Tuy nhiên, quan điểm rõ ràng là tăng cường công tác cán bộ nữ không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy nâng cao và trao quyền đối với phụ nữ, đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành trong lĩnh vực quan trọng này. Cụ thể, trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND của chúng tôi đã ấn định tỷ lệ nữ tối thiểu là ứng cử viên đại biểu dân cử, nhờ vậy mà Quốc hội Khóa XIV đương nhiệm của chúng tôi đã có 26,72% đại biểu là nữ - một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và nhiều người đi đầu trong đổi mới, sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

(Phát biểu tại Phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 về "Tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số" diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngày 26/6/2020)

Những năm qua, nhận thức của xã hội về vấn đề bình đẳng giới đã có biến đổi theo chiều hướng tích cực. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều luật có liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Bộ luật Hình sự năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015…

Tuy nhiên, với những chỉ tiêu chưa đạt được cũng cho thấy các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia chưa được thực thi đầy đủ, cụ thể là chưa tiến hành tất cả các biện pháp thích hợp nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong đời sống chính trị và công cộng của đất nước. Mặc dù, Việt Nam xếp thứ hạng cao trên thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa tỷ lệ nam và nữ, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo; vẫn còn những rào cản từ phía gia đình, xã hội đối với phụ nữ khi tham gia công tác xã hội, chính trị.

ThS Nguyễn Thị Tố Uyên - đại học Ngoại thương Hà Nội cho rằng, muốn hiện thực hóa quyền tham chính của phụ nữ thực chất và theo chiều sâu, chúng ta cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, kể cả lãnh đạo các cấp, các ngành về bình đẳng giới; hoàn thiện luật pháp, chính sách bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu, về bầu cử, về chính sách cán bộ, về hệ thống chỉ tiêu. Bên cạnh đó cần phát huy nội lực của phụ nữ; phát triển những dịch vụ xã hội nhằm giảm nhẹ công việc gia đình, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ tiếp cận mọi nguồn lực để phát triển và tham gia chính trị.

Phụ nữ tham chính sẽ đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong thúc đẩy bình đẳng giới vì không ai hiểu phụ nữ bằng phụ nữ. Thời gian qua, nhờ sự đấu tranh mạnh mẽ của các nữ đại biểu Quốc hội, không ít quyết sách về các vấn đề “nóng” như: phòng chống xâm hại tình dục, bạo hành phụ nữ và trẻ em; kéo dài thời gian làm việc cho phụ nữ… được ban hành, triển khai trong thực tiễn thể hiện sự quan tâm, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em; tạo cơ hội cho phụ nụ nữ được bình đẳng, tham gia mọi công việc trong các ngành, lĩnh vực, phát huy hết năng lực để cống hiến.

PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Để thực hiện được các giải pháp và khuyến nghị nêu trên, ThS Nguyễn Thị Tố Uyên nhấn mạnh: Điều quan trọng là cần nâng cao vai trò của Chính phủ và các tổ chức có chức năng hoạt động bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và quyền chính trị của phụ nữ ở nước ta. Đó là vai trò của Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tăng cường trách nhiệm và cải tiến cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan: Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Hội LHPN Việt Nam trong đề xuất chính sách cán bộ và giám sát thực hiện chính sách bình đẳng giới...

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.