BÀI HỌC NHỚ ĐỜI

Chia sẻ

Tôi được tạo hóa và cha mẹ phú cho ngoại hình xinh xắn, khỏe mạnh, lại là con duy nhất của một gia đình ở thị trấn Liên Hà. Bố mẹ mở một cửa hàng, kinh tế gia đình khá giả nên tôi tự lấy làm thỏa mãn về hoàn cảnh của mình. Được cha mẹ cưng chiều, tôi chẳng lao đầu vào học như những đứa bạn khác, cứ vừa học vừa chơi vì nghĩ tuổi trẻ làm gì có vé khứ hồi? Nó chỉ đến với mỗi người một lần trong đời, ai không biết tận dụng thời gian hưởng thụ: “Cơm cha áo mẹ ai ơi/ Chẳng ăn cũng thiệt chẳng chơi cũng hoài” thì thật là uổng.

Ngày ấy, tôi đang học lớp 11, mới 16 tuổi nhưng phổng phao như cô gái mười tám đôi mươi. Ngắm mình trong gương, tôi thầm tự hài lòng về bản thân bởi nước da trắng, đôi mắt to sáng, mái tóc dày và mượt ôm lấy khuôn mặt trái xoan. Các bạn nam trong lớp và các anh lớp trên rất hay để ý, tìm cớ gần gũi muốn trồng cây si, tôi cho trượt vỏ chuối hết, trừ một người. Đó là Minh, anh hơn tôi sáu tuổi, người thị xã. Anh chú ý đến tôi từ độ hè và sau hôm khai giảng đã tìm tôi làm quen. Minh đã ngỏ ý: “Anh mong muốn có được diễm phúc đưa Thơm đi học” như lời anh nói.

Ban đầu tôi từ chối vì đi xe đạp đến trường có khó nhọc lắm đâu. Nhưng sau thấy anh nhiệt tình nên tôi đã đồng ý. Ngồi sau xe máy của anh đến trường, tôi lấy làm hãnh diện, kệ thây mấy đứa con gái trong lớp nhìn tôi với ánh mắt khác lạ. Chắc chúng nó ngưỡng mộ và cả ganh tỵ với tôi nữa đây. Có lần, cô bạn Hường, lớp phó học tập kiêm tổ trưởng đã góp ý và cảnh báo tôi: “Thơm ạ, đã sang lớp 11 rồi, hãy lo việc học đi kẻo độ này bạn học sút quá. Cậu phải cẩn thận với cái anh chàng cứ săn đón cậu…”. Tuần qua, cô giáo chủ nhiệm cũng điện thoại thông báo với bố mẹ về sự học sa sút của tôi. Tôi bỏ ngoài tai hết.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Khi bị hỏi chuyện, tôi bao biện với bố mẹ là do càng học lên lớp cao càng khó… rồi dỗi cơm, bỏ bữa, vào phòng riêng khóa trái cửa nghe nhạc. Về sau mẹ dỗ dành mãi tôi mới chịu ra ăn uống và đi học trở lại. Tuy thế, thi thoảng tôi vẫn nhờ người viết giấy phép, giả chữ ký của bố mẹ để nghỉ học. Theo sự rủ rê của Minh, tôi thường nhảy lên ôm eo, ngồi sau xe máy anh, hôm nào hứng lên tôi đi học, buổi không muốn lại đi chơi - trong khi các bạn khác gò lưng đạp xe hoặc là đi “xe căng hải” đến trường. Được bố mẹ cho tiền chi tiêu hàng tháng không ít, tôi lại còn có cách lấy lòng bố hoặc mẹ. Vào những lúc chỉ có một trong hai người ở nhà, tôi bịa ra đủ thứ lý do lý trấu này nọ nên thường được cho thêm một khoản tiền “ngoại lệ” kha khá. Bởi vậy, Minh không ít lần đưa tôi lên thị xã ăn chơi, tiêu xài. Có hôm vào siêu thị, có khi tới những shop thời trang mua sắm những đồ hàng hiệu. Hai chúng tôi không quên cùng ăn uống những món ăn khoái khẩu.

Trừ ngày thứ hai và thứ sáu hằng tuần phải mặc đồng phục theo quy định của trường, còn ngày khác tôi cứ việc ăn diện ngất trời, cho bạn bè chúng nó lác mắt. Tôi ham chạy theo các model thời trang sành điệu, tôi không học cũng bởi đã nghe lỏm được bố mẹ nói với nhau là lo lót, cậy nhờ chỗ quen biết, chỉ cần năm sau tôi có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, bố mẹ sẽ chạy vào trường đại học Kinh Tế cho... Vậy nên tội chi tôi phải gò lưng học làm gì cho tổn hại nơ-ron thần kinh? Tôi hỏi và nghe Minh kể: bố anh làm giám đốc; Mẹ làm kế toán Công ty đồ điện gia dụng của gia đình nên bận rộn và đi vắng suốt. Còn anh hiện đang là học viên cao học trường đại học Công nghiệp, có cả mấy tháng không phải lên lớp vì nhà trường cho đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp. Khi anh chủ động làm quen, tôi đã ngưỡng mộ anh bởi vẻ điển trai, vóc người cao ráo, mái tóc được tỉa tót công phu. Anh cưng chiều và rất thích tôi, mắt anh nhìn cứ như dán vào tôi là đủ biết. Anh còn đọc cho tôi nghe không ít bài thơ tình, nói với tôi bao nhiêu lời có cánh đại loại như: “Em là bà chúa của lòng anh, là báu vật mà Thượng đế ban tặng cho anh…”. Tôi thích anh vì anh giỏi ăn nói và rất ga lăng. Hôm sinh nhật tôi tròn tuổi 17, anh đã mua tặng tôi một bó 17 bông hồng nhung ngoại nhập rực rỡ và chiếc điện thoại iphone đời mới nhất. Ai nỡ từ chối lời tỏ tình và món quà như thế cơ chứ?

Và từ sau hôm đó, tôi lao vào cuộc tình như con thiêu thân, nhận lời yêu anh với hy vọng tràn trề: Minh sẽ là người chăm lo cho đời mình. Có lúc tôi muốn Minh đưa tôi về nhà để ra mắt bố mẹ anh nhưng anh nói:“Bây giờ chưa phải lúc vì bố mẹ anh cấm chuyện yêu đương khi còn chưa tốt nghiệp cao học và chưa có công ăn, việc làm”. Có lúc tôi đã giận dỗi anh và muốn quay trở lại học hành cho tử tế hơn. Nhưng đã quen thói chơi bời, việc quay lại tập trung vào học đâu có dễ? Hơn nữa, anh như có ma lực, vắng anh một ngày là tôi nhớ ghê lắm, lại điện thoại hẹn hò với anh và cái gì phải đến đã đến…Không lâu sau ngày nhận lời yêu, anh đưa tôi vào nhà nghỉ, tôi đã không thể cự tuyệt nổi sự tò mò của chính mình và sự đòi hỏi của anh, trao anh cái quý giá nhất của người con gái… Điều ấy diễn ra không chỉ một lần…

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Cuối năm học, cô chủ nhiệm báo tin, trường gửi giấy mời tới gia đình, bố mẹ tôi phải đến trường gặp ban giám hiệu và cô. Bấy giờ bố mẹ mới ngớ người khi biết tôi nghỉ học quá 45 buổi và không đủ điều kiện lên lớp 12. Về nhà, tôi bị bố mẹ lên lớp tràng giang đại hải và kết thúc là một trận cuồng phong. Bố tôi trợn trừng mắt nhìn tôi đầy tức giận và tát tôi mấy cái nảy đom đóm mắt. Từ bé đến bây giờ, tôi chưa từng bị ai đánh. Đêm ấy tôi không ngủ được vì tức bố giận mẹ. Sáng sớm, tôi dậy trước cả nhà, viết mấy dòng chữ để lại: “Vĩnh biệt bố mẹ, con đi đây! Đừng có ai đi tìm con nữa”.

Tôi mang mấy bộ quần áo, tư trang tự ý bỏ nhà ra đi. Đến hồ Đầm Cá, cách nhà gần chục cây số, nơi mọi người quanh vùng vẫn thường ra tắm mỗi chiều, tôi chọn chỗ khuất, bỏ túi tư trang tại đó, làm như mình đã kết thúc cuộc đời tại đây vậy… Liền đó tôi điện thoại để Minh đến đón. Náu mình chỗ lùm cây, tôi chờ mỏi mắt anh mới tới. Tôi nói: “Anh đưa em đi ngay đi! Đi đâu cũng được, em không còn thích sống ở nhà nữa”. Sau này nghe nói lại, bố mẹ tôi đã bỏ công bỏ việc, suốt một thời gian dài nhờ anh em, người thân đi khắp nơi tìm tôi và còn bỏ không ít tiền thuê người cùng phương tiện lặn xuống hồ Đầm Cá để tìm vớt tôi nhưng vô hiệu. Bố mẹ tôi thay nhau ốm vì buồn khổ…

Trong khi đó, tôi thay số điện thoại và cứ như con sam theo Minh cố tình bỏ đi thật xa - phải tới hàng mấy trăm cây số - để gia đình không thể tìm được. Cả hai lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng tại các nhà hàng, khách sạn. Tôi sống tự do buông thả như thế cho tới ngày tôi biết được mình đã mang thai. Khi tôi báo tin này cho Minh biết với hy vọng gạo đã nấu thành cơm thì anh sẽ đưa tôi về gặp và bố mẹ anh sẽ nhận tôi là dâu con. Nhưng tôi đã lầm. Vào chính lúc tôi cần đến Minh nhất thì chúng tôi cãi nhau kịch liệt. Minh chối bỏ trách nhiệm làm bố và bỏ rơi tôi cùng với câu nói phũ phàng: “Cô đã dễ dãi với tôi, hẳn cũng dễ với thằng khác… Chắc gì cái thai ấy là con tôi? Là đàn bà con gái mà cô không biết giữ thân thì hãy chịu lấy hậu quả…”. Nói rồi mặc tôi năn nỉ, khóc lóc, Minh bỏ tôi lại và ra đi, chẳng thèm đếm xỉa đến số tiền tôi mang theo đã cạn. Do chưa có kinh nghiệm, tôi đã nghe theo lời khuyên của một cô bán hàng mới quen, tìm đến cơ sở “Phát hiện thai sớm” mà thực chất là cơ sở nạo phá thai chui. Tôi đành phải nhắm mắt làm cái việc thất đức để sau này phải ân hận cả đời: lìa bỏ giọt máu mới hoài thai của mình trong đầm đìa nước mắt. Đó chính là những ngày đen tối nhất của đời tôi…

Tôi rất biết ơn bác chủ nhà trọ tốt bụng thương tình giúp đỡ. Khi hồi phục sức khỏe, tôi đi tìm và có được việc làm tại một xí nghiệp may gia công, ban đầu chỉ làm những việc đơn giản, sau dần được làm những công đoạn khó hơn với mức tiền lương tạm đủ sống. Làm ở đấy được sáu tháng, may mắn cho tôi gặp được anh Hợp, hơn tôi tám tuổi, phụ trách tổ hoàn thiện sản phẩm đã cảm mến và thường xuyên quan tâm, chăm sóc tôi. Sau mấy tháng quen biết, anh ngỏ lời yêu tôi. Tôi không giấu, đã tâm sự với anh hoàn cảnh riêng của mình. Anh không những chấp nhận mà còn an ủi tôi. Sau hơn tháng nhận lời yêu Hợp, anh khuyên tôi: hãy sớm tìm về nhà với bố mẹ, ở đời này không có ai tốt như bố mẹ đâu. Không lâu sau, anh xin nghỉ phép mấy ngày và đưa tôi vượt qua mấy chặng xe ô tô tìm đường về nhà. Gặp lại bố mẹ sau hơn một năm trời xa cách, tôi khóc ròng và quỳ sụp xuống lạy cha lạy mẹ để tạ lỗi. Cả bố và mẹ cùng ôm chặt lấy tôi trong tiếng nấc thổn thức… Trong tâm tưởng tôi vang lên những bài học nhớ đời về cuộc sống mà tôi tự hứa không bao giờ mắc phải nữa: nếu dễ dãi trong tình yêu, không nỗ lực học hành ngay từ khi còn trẻ thì sẽ phải trả giá.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.