Băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Định hướng nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và là bước ngoặt đưa các bạn trẻ đến với thành công trong tương lai. Do đó, các bạn trẻ cũng như phụ huynh cần có sự tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ để định hướng nghề nghiệp một cách đúng đắn, đảm bảo cho mình một tương lai phát triển.

Chọn nghề cho mình hay theo… bố mẹ?

Chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, Hồng Anh (Hà Nội) cho biết, khi chọn nghề Luật, cô được bố mẹ góp ý rất nhiều. Một phần vì gia đình có người theo nghề này, phần khác Hồng Anh thấy mông lung, chưa rõ mình thật sự thích và muốn gì nên đã nghe theo lời khuyên của bố mẹ. Còn Huyền My (Hà Nội) cũng thừa nhận, bản thân thích ngành quản trị nhà hàng - khách sạn nhưng bố mẹ lại ra sức phản đối và ép cô chọn ngành y dược để “nối nghiệp”. “Nhiều khi em cảm thấy bất lực, chán nản, nhưng không thể làm khác” - Huyền My thở dài. 

Thực tế, trước ngưỡng cửa cuộc đời của con, phụ huynh thường lo lắng và tìm cách định hướng, thậm chí lên kế hoạch hoặc can thiệp sâu vào quyết định lựa chọn nghề nghiệp của con. Ở nhiều gia đình, việc lựa chọn ngành học của con là do mong muốn của cha mẹ vì cho rằng cha mẹ đủ kinh nghiệm, trải nghiệm chọn lựa, rồi vì để nối nghiệp gia đình. Phụ huynh nghĩ rằng, họ có kinh nghiệm và quyết định đó nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho con, giúp gia đình có nền tảng nghề nghiệp ổn định.

Thế nhưng, nhiều phụ huynh can thiệp quá sâu, lựa chọn nghề thay con mà không cần biết con muốn gì, năng lực đến đâu, dẫn đến nhiều bạn trẻ sau quá trình đào tạo, ra trường đã trở nên mông lung với định hướng nghề nghiệp của mình, không thích, không say mê hoặc không làm tới cùng những công việc được giao, thậm chí bỏ ngang, rẽ sang hướng khác. 

Băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Như Quốc Hưng (Đông Anh, Hà Nội) tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Sau khi ra trường, anh được bố mẹ xin cho vào làm việc tại một cơ quan nhà nước. Ban đầu, Hưng rất hãnh diện về điều đó và tự hứa sẽ cố gắng làm việc thật tốt để đền đáp những kỳ vọng của bố mẹ. Thế nhưng, khoảng thời gian hào hứng đó không kéo dài. Vào làm việc được một thời gian thì anh nhận ra đây không phải công việc mình yêu thích. Anh thấy bi quan và mất niềm tin. Hơn 30 tuổi, Hưng vẫn luôn đặt ra câu hỏi: “Đam mê của tôi là gì? Điều gì khiến cuộc sống của tôi ý nghĩa hơn?”… Bỏ việc, Hưng bắt tay vào làm trang trại rau hữu cơ. Nhưng chỉ sau 2 năm, trang trại của Hưng  đành phải “dừng lại” vì không có lãi. Đến nay, Hưng vẫn đang trong quá trình tích lũy, học hỏi và đối mặt với nhiều áp lực khác từ gia đình, sự bất ổn trong tương lai…

Hay như Nguyễn Hạnh (quê Sơn La), sau 5 năm ra trường, vẫn “dậm chân tại chỗ” chưa tìm được công việc phù hợp. Hạnh tốt nghiệp ngành quản lý hành chính, Đại học Lao động xã hội. Thế nhưng, sau 3 năm bôn ba ở thành phố, thử sức ở vị trí nhân viên hành chính ở nhiều công ty khác nhau, Hạnh đành phải về quê… lấy chồng vì “thu nhập thấp quá, không thể trang trải cuộc sống ở chốn phồn hoa”. Tấm bằng đại học 4 năm được cất gọn trong ngăn tủ, không được dùng đến… 

Băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Những “cú” Lội ngược dòng..

Với tấm bằng giỏi trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Lê Phượng (quê Nghệ An) được mời về làm việc tại một ngân hàng có tiếng, thu nhập rất tốt. Sau 3 năm làm việc, Phượng lại “rẽ ngang” sang kinh doanh thực phẩm chức năng, hàng xách tay Úc cho mẹ bầu, trẻ sơ sinh. Hàng ngày, Phượng tận dụng thời gian đăng tin bài, bán hàng qua mạng, kết nối với các mẹ bầu, tuyển cộng tác viên bán hàng… Thu nhập từ việc bán thực phẩm chức năng của Phượng mỗi tháng bình quân 30 triệu đồng.

Hay Tâm Lụa (đang sống tại TP Hồ Chí Minh) cũng từ bỏ công việc truyền thông sang kinh doanh chuỗi cửa hàng spa trị liệu, làm đẹp vì… đam mê chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Lụa cho biết, khi có một thầy thuốc Đông y tâm huyết đồng ý làm cùng, cô đã nảy sinh ý tưởng sẽ lập một spa làm đẹp, bấm huyệt, trị liệu, giúp mọi người có một sự thư giãn, thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng. Bằng kinh nghiệm làm truyền thông, Lụa chạy quảng cáo, quảng bá thương hiệu qua các kênh trên mạng xã hội, nền tảng số… thu hút đông đảo khách đến với spa. Sau 2 năm thành lập, chuỗi spa của Lụa có 7 cơ sở ở TP Hồ Chí Minh và dự định mở rộng thị trường ra Hà Nội. 

Chàng trai Mạnh Toàn (quê Ba Vì, Hà Nội) đã bỏ ngang đại học, về quê để nuôi gà, trồng rau với mục đích xây dựng nông trại thực phẩm sạch. Toàn cho biết, bố mẹ anh đều làm nông nghiệp. Học hết cấp ba, cũng như chị gái, Toàn được bố mẹ định hướng ngành để thi đại học và hứa sẽ “chạy việc” sau khi tốt nghiệp. Nghe lời bố mẹ, Toàn thi đỗ Đại học Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành cơ khí. “Ở quê, thanh niên không đi học thì vào làm công nhân ở các công ty, khu công nghiệp. Do đó, việc tôi đỗ đại học là niềm vinh dự rất lớn đối với gia đình” – Toàn nói.

Tuy nhiên, hết 2 năm học mà Toàn vẫn thấy mông lung vào ngành học đã chọn. Toàn không hứng thú với máy móc, thiết bị và những chi tiết máy. Trong khi đó, cậu lại thích kinh doanh. Nhận thấy nhu cầu được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, Toàn bỏ học, về quê trồng rau, nuôi cá. Nghe tin, mẹ Toàn rất sốc, bởi bà cho rằng “nghề nông muôn đời nghèo khổ”. Nhưng thấy con trai kiên quyết, vợ chồng bà cũng xắn tay giúp đỡ. Toàn nghiên cứu thị trường, tham gia các khóa học về kinh doanh và kinh doanh nông sản sạch, học hỏi kinh nghiệm, tham quan trang trại làm rau sạch từ Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình… Đến nay, “nông sản gia đình” của Toàn được rất nhiều người ủng hộ, nhất là những gia đình có con nhỏ. Toàn cung cấp chuỗi thực phẩm sạch đến từng người dân trên địa bàn Thủ đô. Toàn dự tính sắp tới sẽ làm theo mô hình nông trại, sản xuất rau hữu cơ có quy trình và xin giấy chứng nhận rau sạch để đảm bảo niềm tin đến khách hàng… 

Băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời  - ảnh 3
Ảnh minh họa

Đó là một số câu chuyện tiêu biểu cho những người trẻ đã mạnh dạn “lội ngược dòng”, sớm thay đổi ngành nghề không phù hợp để thực hiện hoài bão của bản thân. Học một chuyên ngành nhưng rồi lại rẽ lối sang làm công việc khác dù chưa bao giờ dễ dàng nhưng đó chắc hẳn là định hướng đúng đắn bắt nguồn từ niềm yêu thích và đam mê, quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. 

Hướng nghiệp phổ thông - chìa khóa thành công đối với các bạn trẻ khi bước vào đời, bởi lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người có vai trò quyết định đến tương lai. Có 3 yếu tố chính tác động đến việc lựa chọn nghề nghiệp ở các bạn trẻ, đó là: bản thân, gia đình và xã hội. Những câu chuyện hướng nghiệp thành công ở một số bạn trẻ cho thấy, công tác hướng nghiệp cần được thực hiện bởi chính học sinh và gia đình.

Bên cạnh nắm bắt nhu cầu thị trường, quan tâm đến mức thu nhập, cơ hội phát triển… thì yếu tố quan trọng nhất để chọn lựa đúng nghề là tự bản thân mỗi học sinh cần phải hiểu rõ sở thích, khả năng, cá tính của mình; tìm hiểu giá trị nghể nghiệp mong muốn và phải tổng hòa được “cái tôi” (sở thích, năng lực của cá nhân cụ thể) với yêu cầu xã hội để chọn nghề yêu thích và có thể làm tốt, làm lâu dài.

  Bởi thực tế cho thấy, thị trường lao động hiện nay đòi hỏi người đáp ứng ở các vị trí lao động, chứ không chỉ nhìn vào bằng cấp. Có bằng đại học chưa chắc đã có việc, nhưng có tay nghề tốt, có kỹ năng thực hành, đáp ứng được công việc thì sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm. Do đó, chọn bằng hay chọn nghề luôn là câu hỏi mà bản thân những bạn trẻ, gia đình và các cơ sở giáo dục phổ thông phải nỗ lực tìm đền đáp án đúng đề không lãng phí nguồn lực xã hội sau này. 

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.