Bạn là người quyết định cuối cùng

Chia sẻ

Một số người quyết định bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ chồng, bỏ con đi lao động xứ người, mong muốn sau vài năm vất vả, sẽ có một chút vốn kha khá, vừa để làm ăn, kinh doanh hoặc xây sửa cái nhà “to nhất làng”. Tiếc rằng có không ít người chẳng đủ tiền xây một ngôi nhà mới, nhưng đã làm tan nát một mái ấm cũ.

Chuyện của vợ chồng chàng trai trẻ tên Cường mà tôi muốn chia sẻ dưới đây cũng vậy.

Khi biết chàng trai mới 32 tuổi mà đã có 3 con, 2 trai, 1 gái, tôi nói đùa để cho chàng trai tự nhiên hơn, bớt ngại ngùng chia sẻ câu chuyện của mình:

- Ối trời, mới 32 tuổi mà đã 3 con, chắc tảo hôn à? Định sinh mấy con thì dừng lại?

- Dạ không ạ, cháu không tảo hôn, nhưng cũng lấy vợ hơi sớm ạ - chàng trai xưng cháu và gọi tôi bằng chú, trả lời – cháu lấy vợ năm 22 tuổi, cũng 10 năm rồi chú. Trước vợ chồng cháu sinh 2 thằng cu, định thôi, nhưng mấy năm gần đây vấn đề sinh con thứ ba có vẻ được nới lỏng, không bị nhắc nhở hay bị phạt như trước nữa. Chính vì thế vợ chồng cháu cố sinh thêm đứa con gái út, cho có nếp có tẻ ạ.

- Tốt rồi – tôi động viên – thêm đứa con là vợ chồng lại vất vả thêm, nuôi con bây giờ tốn kém chứ không như thời “các cụ”. Thế kinh tế gia đình thế nào, tạm ổn không? Vợ chồng làm tự do hay làm cơ quan, công ty?

Minh họa ưu tầmMinh họa Sưu tầm

- Dạ, báo cáo chú, cháu thì làm nghề mộc gia truyền, có xưởng tại nhà, thu nhập cũng tạm ổn. Còn trước đây vợ cháu ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái và phụ giúp cháu việc của xưởng mộc thôi. Nhưng cách đây 2 năm, cháu đã để cho cô ấy đi xuất khẩu lao động. Đây là sai lầm lớn nhất đời cháu, và bây giờ cháu mất vợ, vợ cháu đã có người đàn ông khác, cô ấy nói thẳng là sẽ không về mà có về cũng không ở với cháu nữa. Cháu không hiểu tại sao lại như thế? Cháu không có lỗi gì cả. Cô ấy bỏ cháu cũng không sao, nhưng cháu thương ba đứa con của cháu không có mẹ… - chàng trai tên Cường bắt đầu câu chuyện của mình như thế.

- Chắc cháu xa vợ, nên nghi ngờ, ghen tuông chứ gì – tôi nói – Người đàn ông mà xa gia đình còn khổ sở, huống chi người phụ nữ trẻ như vợ cháu, chắc cũng buồn, cô đơn, nhớ chồng, nhớ con lắm. Thông cảm và động viên cô ấy nhé, đừng trách móc, hờn ghen…

- Không đâu chú ạ - Cường nghẹn ngào nói – Trước đây vợ cháu là người rất tốt, chúng cháu có 10 năm hạnh phúc. Vợ cháu nghe bạn bè rủ rê, về nhà xin cháu cho đi lao động mấy năm cho biết đó, biết đây, chứ thật ra không phải vì áp lực kiếm tiền. Cháu có thể kiếm đủ tiền nuôi vợ con mà. Thương vợ lấy chồng từ năm 20 tuổi, chưa được đi đâu, vất vả sinh 3 đứa con, chăm lo việc gia đình, nhà chồng, nên cô ấy cũng thiệt thòi. Thấy con cái khoẻ mạnh, bố mẹ cháu lại hỗ trợ được rất nhiều trong việc chăm sóc các cháu, nên cháu đã đồng ý để vợ cháu đi. Hôm cô ấy đi, ba bố con thuê xe đưa cô ấy ra sân bay, vui như tiễn cô ấy đi… du lịch nước ngoài thôi. Ai ngờ cô ấy đi là đi luôn!

- Thật đáng tiếc – tôi động viên chàng trai – Thực ra, tình trạng hiện nay của vợ cháu ra sao? Tại sao cháu khẳng định sẽ mất vợ, rằng cô ấy sẽ không về?

- Thưa chú – Cường kể giọng trầm buồn hơn – Vợ cháu đi được 5 tháng thì có bạn trai. Cháu biết được điều này là do vợ của anh ấy liên lạc và báo cho cháu. Vợ anh ấy muốn nhờ cháu tác động, “dạy dỗ” vợ để buông tha chồng chị ấy. Anh ấy cũng đi xuất khẩu lao động cùng đợt với vợ cháu và vợ con thì ở nhà. Cháu buồn, thất vọng, có gọi điện nhắc nhở và hơi to tiếng với vợ. Thế là cô ấy chặn số điện thoại, chặn zalo, facebook và mọi kênh thông tin liên lạc với cháu. Cô ấy không gọi điện cho các con như trước nữa, nhưng vẫn gọi điện liên lạc với bên ngoại, gia đình cô ấy. Cháu cũng chỉ tưởng họ phải lòng nhau vì cả hai xa vợ, xa chồng, nhưng họ đã có tình cảm thật sự với nhau. Họ thuê nhà ở chung, hàng ngày đi làm, ăn uống, ngủ nghỉ như một gia đình. Tối tối họ lên facebook đăng hình ảnh, đăng clip, tổ chức livestream, gọi điện về Việt Nam, nói chuyện với bố mẹ cô ấy. Cháu biết điều này cũng do vợ anh kia báo. Chị bảo cháu vào mà xem, họ ăn ở với nhau như vợ chồng rồi. Họ còn livestream nói chuyện với bố mẹ cô ấy, gia đình cô ấy có vẻ thích anh này, nên mẹ cô ấy còn công khai gọi anh ấy là “con rể” trên mạng cơ mà. Bố mẹ cô ấy cũng nhắn tin qua mọi người trong làng rằng cô ấy sẽ không về, sẽ lấy anh kia…

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Đến nay chuyện đã được 2 năm, vợ cháu cũng nói thẳng với cháu rằng cháu nên chủ động viết đơn ly hôn, cô ấy sẽ ký và làm thủ tục ly hôn từ xa. Cô ấy nói cháu không có lỗi, chỉ là cô ấy nhận ra cô ấy yêu người đàn ông kia thật sự và họ có chung chí hướng là không về Việt Nam, kể cả khi hết thời hạn hợp đồng.

- Cháu có giận cô ấy không? Tại sao cháu chưa viết đơn ly hôn? – tôi hỏi để biết nguyện vọng hiện nay của chàng trai là gì.

- Cháu rất giận cô ấy, nhưng cũng thương cô ấy – chàng trai trả lời thành thật – cháu giận bố mẹ cô ấy nhiều hơn. Họ không thương ba đứa cháu ngoại hay sao? Họ mong đợi gì ở mối quan hệ “tranh vợ cướp chồng” kia mà vun đắp, ủng hộ, hay họ nghĩ có cả con gái và “con rể” đều đi làm thuê ở nước ngoài thì danh giá hơn, họ sẽ cho ông bà ấy nhiều tiền? Cháu chỉ lo cô ấy bị lừa tình. Khi hết hạn lao động, phải về nước, anh kia sẽ về với vợ con anh ấy và người vợ sẽ dễ dàng tha thứ cho người chồng lăng nhăng, nhưng cuối cùng biết quay trở về. Lúc ấy vợ cháu sẽ thế nào.

- Cháu quả là người đàn ông, tuy còn trẻ, nhưng có những suy nghĩ rất nhân hậu, lương thiện, nghĩ cho người khác, kể cả người đó đang làm mình đau – tôi nói thật lòng với chàng trai, không phải chỉ là lời khen, mà là sự khâm phục thực sự - Cháu có bao giờ nghĩ đến tình huống, cô ấy quay trở về nhà, xin cháu tha lỗi và cho cô ấy được trở lại gia đình, chăm sóc các con? Cháu có chấp nhận không?

- Dạ không ạ - chàng trai nói vội – Cháu thương cô ấy, nhưng cháu nghĩ cô ấy đã đi quá xa để có thể quay về. Cả làng biết chuyện, bố mẹ cháu tức giận, hai bên gia đình đã có những lời qua lời lại khó nghe. Các con cháu cũng biết chuyện… khi chúng sang chơi bên ông bà ngoại, ông bà cũng nói rằng “mẹ chúng mày không về cái đất này nữa đâu, mẹ mày có chồng mới rồi”. Như vậy, làm sao cháu có thể cho cô ấy quay về?

- Vậy cuối cùng cháu có dự định thế nào cho tương lai của mình và các con? – chúng tôi hỏi câu cuối vì cũng ít nhiều đoán ra dự định của chàng trai là đến văn phòng tư vấn để “chia sẻ tâm sự”, chứ không phải cần một lời khuyên, một giải pháp.

- Dạ, cháu tính thế này – chàng trai nói, như thể chàng đã nghĩ kỹ mọi vấn đề - Kệ vợ cháu muốn sống thế nào, cháu không quan tâm nữa. Cháu tập trung làm ăn kinh tế, lo cho các con. Cháu cũng sẽ chẳng lấy ai nữa, nên cũng chưa cần phải bỏ vợ ngay. Nếu cô ấy viết đơn ly hôn trước thì cháu ký, còn cháu thì không. Sau này cô ấy về hay không về nữa sẽ tính sau.

- Thôi được rồi, tôi tôn trọng quyết định của cháu – tôi nói – tuy nhiên, hãy nhớ rằng cháu và vợ vẫn là vợ chồng trên mặt pháp lý. Cháu sẽ không thể kết hôn hay chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác. Hơn nữa, cô ấy hết hợp đồng, quay trở về, cháu không có quyền đuổi cô ấy ra khỏi nhà, nếu làm việc ấy cháu là người bạo lực với vợ. Cô ấy có lỗi với cháu về chuyện tình cảm, nhưng vẫn là vợ chồng, vợ phải được về nhà với chồng con, điều này là… đương nhiên. Còn việc cô ấy tự nguyện không về, mà ở nhà ngoại hay về nhà “bạn trai” của cô ấy thì không sao.

Vẫn biết tình cảm là điều khó nói, khó phê phán, lên án. Tuy nhiên, chúng tôi có cảm giác tiếc nuối, một gia đình, thậm chí hai gia đình có nguy cơ tan vỡ, nguyên nhân chính là mọi người đã để trái tim lấn át lý trí, đã chiều chuộng, thậm chí buông thả cảm xúc thái quá. Một chàng trai khá tỉnh táo, tử tế, lương thiện, chịu khó làm ăn, có trách nhiệm với con và vẫn còn chút tình thương với vợ… sẽ sớm vượt qua nghịch cảnh này. Còn tương lai của người vợ ra sao, nghe chừng còn khá mờ mịt…

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.