Bạn phải tự “cởi trói” cho mình

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) -

… “Em sợ quá các anh các chị ơi. Đúng là em tự mua dây trói mình, nhưng giờ muốn “cởi trói”, lại có nhiều điều sợ hãi. Những ngày gần đây, đọc trên mạng xã hội, thấy nhiều vụ chia tay, ly hôn, bị hành hung và sát hại, em lại càng sợ. Nhưng sống như thế này mãi, em không thể chịu đựng được nữa rồi!”.

Người phụ nữ trẻ gọi điện đến đường dây tư vấn của Văn phòng tư vấn tâm lý – hôn nhân & gia đình và bắt đầu câu chuyện của mình như thế. Được sự động viên, nhiệt tình, kiên nhẫn lắng nghe của chuyên viên tư vấn, người phụ nữ ấy đã chia sẻ “câu chuyện không giống ai” của mình.

Bạn phải tự “cởi trói” cho mình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị Hằng sinh năm 1981, lấy chồng từ khi 18 tuổi, nay có hai con là sinh viên năm thứ ba và thứ nhất của đại học. Cách đây 5 năm, chị đã ly hôn, bởi người chồng “ăn tàn phá hại”. Suốt bao năm, anh ấy chưa đóng góp được bất cứ điều gì cho gia đình, vợ con. Không những thế, anh ấy còn phá của nhà tiền tỉ, do chơi cá độ. Chị Hằng, trước đây chỉ là nhân viên văn phòng, nhưng do chồng không đóng góp gì, một nách nuôi hai con với một chồng, chị đành bỏ việc, tham gia kinh doanh. Chị nói, nhờ chị vốn nhanh nhẹn, chịu khó, mọi người giúp đỡ, lại gặp may mắn, nên công việc kinh doanh phát triển. Chị lo được kinh tế cho gia đình, mua được nhà, cho con ăn học tử tế và trả nợ giúp chồng khoản nợ hơn tỉ đó. Tuy nhiên, trời không cho ai tất cả, cuộc sống hôn nhân của chị… rất chán.

5 năm trước chị ly hôn. Tòa cho phép chị nuôi cả hai đứa con, các cháu cũng lớn, chúng đồng ý theo mẹ, chồng chị cũng không tranh giành gì, vì bản thân anh “nuôi mồm anh cũng khó”. Anh ra đi, thuê nhà để ở, đi làm. Cuộc sống của ba mẹ con chị không bị thay đổi gì lớn, bởi từ trước đến giờ chồng chị “có cũng như không”. 

Bạn phải tự “cởi trói” cho mình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đang yên đang lành, chồng chị đi nhậu đêm, bị tai nạn giao thông trên đường gần nhà chị. Người đi đường lấy điện thoại của anh, dò danh bạ, thấy trong đó có chữ “Bà xã” thì gọi báo cho chị biết. Vừa là chồng cũ, lại là bố của các con, chị không thể bỏ mặc anh tai nạn ngoài đường. Chị cùng các con ra, đưa anh vào viện cấp cứu, bỏ tiền lo chạy chữa, thuốc men, chăm sóc, nuôi nấng anh gần hai năm, suốt mùa Covid-19. Cuối cùng anh cũng bình phục.

Khỏe lại rồi, chị không dám đuổi anh đi và anh thì cứ ở lại cùng ba mẹ con chị, coi như mình vẫn là “người một nhà”. Anh bắt đầu theo dõi, khống chế, can thiệp vào mọi ngõ ngách cuộc sống của chị. Thấy chị nói chuyện với ai, dù là qua điện thoại mà với giọng nhẹ nhàng, anh quát mắng chị, nói chị “đong đưa” với trai. Buổi trưa, anh đến tận cơ quan xem chị ăn trưa với ai. Buổi tối, chị có bao nhiêu cuộc điện thoại liên hệ công việc, anh cứ ngồi sát để “ám”.

Nếu thấy có giọng nam nói chuyện, bất kể là vì việc gì, anh cũng cố tình nói to để họ không thể nói chuyện với chị nữa. Rồi anh bắt đầu đòi hỏi chị chuyện chăn gối, dù sau tai nạn, chân anh đi lại hơi tập tễnh. Chị không có cảm xúc, nhưng đành chấp nhận “cho xong”, khi ấy anh tức giận, túm tóc, bạt tai, cho rằng chị đã có người đàn ông khác, “no xôi chán chè” ở ngoài, nên hững hờ với anh.

Anh đi làm trở lại, chị mua cho anh chiếc xe máy trả góp, mục đích để anh có ý thức mỗi tháng tiết kiệm 4-5 triệu để trả dần, chứ chị thừa sức mua cả ô tô cho anh. Mỗi lần xe hỏng, anh vào tiệm sửa chữa, rồi nhắc chị chuyển tiền cho người ta qua tài khoản. Tiền xăng anh đi xe máy cũng phải do chị đưa. Chị quá ức chế, muốn đuổi anh đi, các con cũng đồng ý rằng để “bố sống tự lập cho trưởng thành”.

Tuy nhiên, chị sợ anh có máu côn đồ, đang quen ăn có người lo, ngủ có người cho, tiền có người đưa tiêu, nay bị cắt nguồn viện trợ, bị cho ra rìa, sẽ nổi máu Chí Phèo, hành hung, thậm chí còn làm những điều tồi tệ hơn như trên mạng đã đưa tin một số vụ việc gần đây.

Bạn phải tự “cởi trói” cho mình - ảnh 3
Ảnh minh họa

Nghe xong chuyện chị kể, tất cả đều khẳng định chị đã tự mua dây trói mình. Anh bị tai nạn, chị có thể hỗ trợ tiền bạc, cho các con đi lại chăm sóc, không cần “rước của nợ về nuôi”, để rồi anh ấy ngộ nhận rằng chị đã chấp nhận nối lại tình vợ chồng. Ở suốt hai năm trong nhà, mọi thứ chung đụng, khiến anh ấy có mình cái quyền “là chồng” của chị, nên mới ghen tuông, giám sát, quản lý, kiểm soát chị. Tuy nhiên, chuyện đã lỡ, nay nếu không thể tiếp tục chung sống, chị phải buông. Việc buông của chị không quá phức tạp, vì về mặt pháp luật, anh chị đã ly hôn. 

Tuy nhiên, đúng như chị lo lắng, mọi việc phải thực hiện một cách từ từ, có lộ trình nhất định. Mọi sự vội vàng nào cũng khiến anh ấy bị sốc và có thể có những hành vi mất kiểm soát.

Bạn phải tự “cởi trói” cho mình - ảnh 4
Ảnh minh họa

Bước một, chị phải cố tình bàn với các con “giải tán cuộc sống hiện nay”. Với lý do cần có không gian riêng dành cho học tập, hai con chị “xin mẹ cho ra ở riêng”, thuê nhà gần trường. Căn nhà hiện tại phải “cắm sổ đỏ” để lấy tiền đầu tư làm ăn. Bản thân chị phải “dọn vào ở luôn phòng làm việc”, vì đấy là cơ sở do chị làm chủ. Chị nhắc anh về bên ông bà nội sống và cũng nghĩ đến chuyện lấy vợ. Đề phòng anh chồng cũ nổi máu giang hồ, chị cần báo cáo cơ quan công an phường, nhất là cán bộ phụ trách địa bàn, khi cần thiết, gọi số điện thoại công an báo cáo. Chị cũng thuê “vệ sĩ bảo vệ ngầm” chị trong một thời gian nhất định.

Chị luôn khẳng định rằng thời gian vừa qua chị thương anh, lo chữa bệnh cho anh. Nay anh đã bình phục, chị và anh phải bắt đầu lo cho cuộc sống riêng của mỗi người. Trong thời gian đầu, hạn chế đi một mình, hạn chế hẹn hò với anh ấy trong nhà nghỉ, quán vắng, cần gì cứ mời anh ấy tới phòng làm việc và nhắc nhở bảo vệ cơ quan, các nhân viên khác canh chừng.

Nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, không xúc phạm, xua đuổi, nhưng nhắc nhở anh ấy nhận ra “mình là ai” và không có quyền can thiệp vào cuộc sống cá nhân của mình. Trong thời gian này cũng không vội công khai bạn trai, người yêu (nếu có), tránh anh ta ghen tuông, cho rằng mình “có mới nới cũ”, rồi hành động dại dột. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.