Bảo đảm bình đẳng giới trong lao động cho phụ nữ

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề hơn tới phụ nữ ở Việt Nam và làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới vốn đã tồn tại dai dẳng trên thị trường lao động. Điều đó khiến cho phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn khi tham gia lại vào thị trường lao động. Theo thống kê trong giai đoạn phục hồi, tỷ lệ việc làm tăng 1,4% đối với nam giới nhưng chỉ tăng 0,8% đối với nữ giới.

Do đó, làm thế nào để đảm bảo bình đẳng giới trong lao động thời kỳ Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp với nhiều chủng mới rất quan trọng và cấp thiết. 

Đại dịch tạo ra những bất bình mới đối với phụ nữ

Điều tra “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam” do tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy đại dịch Covid-19 không chỉ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện hữu trên thị trường lao động, mà nó còn tạo ra những bất bình đẳng mới. Trước đại dịch, hầu như không có sự chênh lệch trong tỷ lệ thất nghiệp giữa nam giới và phụ nữ nhưng tình trạng này đã xuất hiện từ quý III năm 2020.

Điều tra cho thấy, phụ nữ phải đối mặt với tình trạng giảm số giờ làm đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê, phụ nữ rời thị trường lao động với tỷ trọng lớn hơn nam giới. Phụ nữ trẻ và phụ nữ lớn tuổi là những người phải làm các công việc thiếu ổn định nhất, họ là những đối tượng đặc biệt có nguy cơ ra khỏi lực lượng lao động. Chênh lệch giới cũng xuất hiện trong tỷ lệ thất nghiệp. 

Mặt khác, xét trung bình chất lượng việc làm của phụ nữ thấp hơn của nam giới. Lao động nữ chiếm đa số trong các công việc dễ bị tổn thương, đặc biệt là công việc gia đình. Họ có mức thu nhập thấp hơn nam giới, bất luận số giờ làm giữa hai giới là tương đương và dần xóa bỏ chênh lệch giới về trình độ học vấn. Họ cũng không được đảm nhiệm nhiều vị trí ra quyết định so với nam giới.

Minh chứng từ kết quả điều tra trong quý III và quý IV năm 2020, những phụ nữ có việc làm thường phải làm việc nhiều giờ hơn so với mức bình thường. Ngoài việc tham gia các hoạt động kinh tế gia tăng, phụ nữ tiêu tốn gần 30 giờ mỗi tuần cho việc nhà. Những yếu tố này cho thấy đại dịch đã khiến gánh nặng kép của phụ nữ ngày càng nặng nề hơn so với trước khi đại dịch xảy ra. 

Bảo đảm bình đẳng giới trong lao động cho phụ nữ - ảnh 1
Nữ công nhân mất việc tại một doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TP HCM chờ nhận sổ BHXH. Ảnh: Cao Hường

Cùng với đó, báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp chủ yếu do phụ nữ làm chủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị thiệt hại hơn nhiều so với doanh nghiệp do nam làm chủ. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ. 

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một nguy cơ chưa từng có tiền lệ, khi bất bình đẳng giới gia tăng cùng lúc ở hầu hết các quốc gia. Bất bình đẳng giới đang trở thành “một mảng tối” trong đại dịch và để xóa bỏ điều này cần tới sự thay đổi về cả tư duy lẫn nhận thức. Trong đó, những chính sách, chủ trương hiệu quả, phù hợp đóng vai trò là “kim chỉ nam” dẫn lối cho mọi hành động. 

Đối với tiến trình bình đẳng giới, Covid-19 làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần làm việc cùng nhau nhiều hơn và vượt ra ngoài trọng tâm hạn hẹp là tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong thương mại. Mục tiêu cuối cùng không chỉ là có nhiều phụ nữ tham gia vào thương mại, mà còn đảm bảo rằng họ tham gia theo các điều kiện công bằng.

Điều chỉnh chính sách để đảm bảo bình đẳng giới cho phụ nữ trong lao động

 Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Lần đầu tiên, Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Chiến lược được ban hành kịp thời với các mục tiêu, chỉ tiêu phản ánh thực chất vấn đề về bình đẳng giới, phù hợp với hiện thực. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Cùng với đó, việc sửa đổi, điều chỉnh lại các chính sách trong các bộ luật hiện hành cũng đã và đang góp phần làm giảm khoảng cách giới, thu hẹp sự bất bình đẳng, đảm bảo bình đẳng cho phụ nữ. Đặc biệt là trong lĩnh vực lao động.

Bảo đảm bình đẳng giới trong lao động cho phụ nữ - ảnh 2
Bất bình đẳng giới diễn ra nhiều hơn với lao động nữ trong đại dịch Covid-19 ảnh: Phong Điền

Tại hội nghị tập huấn bồi dưỡng chuyên đề  “Những quy định đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động và An toàn sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ Covid-19” do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) tổ chức trong tháng 7/2022, TS. Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động. Đáp ứng yêu cầu  hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm bình đẳng giới.

Theo TS. Mai Đức Thiện, Bộ luật Lao động đã có một chương về đảm bảo bình đẳng giới. Trong đó những quy định bình đẳng giới trong nguyên tắc trả lương, sử dụng lao động không được phân biệt đối xử, phân biệt giới tính. Đặc biệt còn có những quy định riêng về lao động nữ với quyền bình đẳng và chế độ về bảo vệ thai sản, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ việc làm với lao động nữ trong thời gian thai sản… hay những quy định về những chính sách của Nhà nước về bảo đảm bình đẳng giới; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm bình đẳng giới… Bên cạnh đó là các chính sách liên quan khác như: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng dẫn bình đẳng giới hay quấy rối tình dục tại nơi làm việc..

Từ điều tra "Giới và thị trường lao động tại Việt Nam", tổ chức ILO cho rằng bình đẳng trong thế giới việc làm của Việt Nam chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở chuyển dịch cách tiếp cận: Từ chỗ bảo vệ phụ nữ sang tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả người lao động, không phân biệt giới tính của họ. Ở cấp độ chính sách, Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã mở ra cơ hội thu hẹp khoảng cách giới ở Việt Nam. Ví dụ, Bộ luật quy định thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu sẽ được thực hiện từng bước.

Ngoài ra, theo Luật Lao động mới, lao động nữ sẽ không còn bị luật pháp loại trừ khỏi một số ngành nghề được coi là có hại cho chức năng chăm sóc và nuôi dạy con cái. Thay vào đó, họ sẽ có quyền lựa chọn tham gia vào ngành nghề đó hay không sau khi được tham mưu đầy đủ về những rủi ro liên quan. Những dấu hiệu tiến bộ này cho thấy sự sẵn sàng nâng cao cơ hội bình đẳng trong thế giới việc làm của Việt Nam. Đặc biệt, Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được kỳ vọng sẽ thu hẹp chênh lệch giới trên một số lĩnh vực của chính trị, kinh tế và xã hội của người dân. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.