Bảo đảm cho nữ ứng viên có cơ hội bình đẳng trúng cử

Chia sẻ

Việc 2 nam ứng viên rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đã khiến tỷ lệ ứng viên nữ tăng từ 45,28% lên 45,38%. Như vậy, tỷ lệ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV cao nhất trong 4 khóa bầu cử Quốc hội gần đây. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo đảm cho nữ ứng viên có cơ hội bình đẳng trúng cử mới là điều quan trọng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ ĐBQH khóa XIVLãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ ĐBQH khóa XIV (Ảnh: Int)

Nữ đại biểu dân cử khóa 2021-2026: Tăng cả số lượng lẫn chất lượng

Theo thống kê của Hội đồng bầu cử Quốc gia thì số lượng ứng cử viên nữ tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều tăng vượt bậc về số lượng lẫn chất lượng. Quy định của Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND là tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND phải đảm bảo ít nhất là 35%, nhưng ở nhiệm kỳ này tỷ lệ nữ ứng viên ĐBQH đã tăng lên 45,38%. Đối với ứng viên đại biểu HĐND cấp tỉnh: có 59/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ nữ trên 35% (cao nhất: Bắc Kạn 56%, Nam Định 51%, Quảng Ninh 50%). Các tỉnh có tỷ lệ ứng viên nữ dưới 35% là Đà Nẵng 34,8%, Gia Lai 34,5%, Trà Vinh 33,7%, Khánh Hoà 32,1%. Ứng viên đại biểu HĐND cấp huyện: 63/63 tỉnh, thành có tỷ lệ nữ đạt trên 35% (tỷ lệ cao nhất: Hà Nam 49,5%, Cao Bằng 48,3%, Tuyên Quang 46,8%). Ứng viên đại biểu HĐND cấp xã : 62/63 tỉnh, thành có tỷ lệ nữ trên 35% (cao nhất: Ninh Bình 52,1%, Bà Rịa - Vũng Tàu 43,8%, Quảng Ninh 44,1%).

Qua quá trình tiếp xúc cử tri, trình bày các chương trình hành động của các nữ ứng cử viên vừa qua cho thấy tại kỳ bầu cử lần này, chất lượng của ứng viên tăng cao. Theo các chuyên gia về giới, đây là một tín hiệu tích cực để chúng ta đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong chính trị đã đề ra từ các chiến lược quốc gia.

Có được thành tựu này là nhờ vào các chính sách về bình đẳng giới ngày càng đi vào thực tiễn. Sau hơn 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới đã thay đổi nhận thức của phụ nữ cũng như nam giới trong vấn đề bình đẳng giới, bất bình đẳng giới. Từ đó, thúc đẩy nhận thức về trao quyền cho phụ nữ ngày càng cao hơn, đặc biệt là quyền tham gia vào chính trị. Nhìn lại trong 10 năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị tại các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. So với các nước trên thế giới, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội của Việt Nam đạt 27,1% cao hơn mức trung bình 23,4% của toàn cầu và 18,6% của châu Á.

Để tỷ lệ nữ trúng cử như kỳ vọng

Yêu cầu của Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là: “Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND”. Tuy nhiên, để tỷ lệ nữ trúng cử như kỳ vọng thì cần bảo đảm sự bình đẳng trong các cơ hội trúng cử giữa nam giới và nữ giới. Bởi, cả 3 khóa Quốc hội gần đây cho thấy dù tỷ lệ ứng viên nữ đưa ra bầu cao nhưng tỷ lệ trúng cử lại rất thấp. So với nam giới, tỷ lệ nữ ứng viên không trúng cử cao hơn rất nhiều. Đơn cử như tỷ lệ không trúng cử của ứng viên nữ ĐBQH khóa XII là 56,20%, khóa XII là 57,93%, khóa XIV là 60,65%, trong khi nam giới tỷ lệ không trúng cử chỉ có 37,54% khóa XII, 35,60% khóa XIII, 31,76% khóa XIV.

Các nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIV bên lề hành lang Quốc hộiCác nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIV bên lề hành lang Quốc hội (Ảnh: Int)

Thực tế qua các kỳ bầu cử trước cũng cho thấy, việc để phụ nữ "gánh quá nhiều cơ cấu" sẽ làm giảm rất nhiều cơ hội trúng cử của các ứng viên nữ. Điều này dẫn đến tình trạng phụ nữ phải chịu làm "quân xanh" trong danh sách bầu. Do đó, các tổ chức, cơ quan cần quan tâm hơn trong việc cơ cấu nữ, giới thiệu ứng cử viên như: phân bổ cơ cấu kết hợp ra nhiều thành phần, nhiều đối tượng khác nhau, phân bổ lại các địa bàn ứng cử của ứng viên nam và nữ để tạo sự bình đẳng như nhau.

Phụ nữ không chỉ bị định kiến trong việc cơ cấu tỷ lệ ứng cử từ các đơn vị, cơ quan, tổ chức, mà họ còn bị định kiến từ phía cử tri khi đi bầu. Đa số cử tri vẫn có tâm lý cho rằng nam giới làm lãnh đạo tốt hơn nữ giới, và cũng chỉ có nam giới mới đảm đương được vị trí, công việc đó. Họ kỳ vọng vào lãnh đạo nam nhiều hơn là lãnh đạo nữ. Phụ nữ chỉ phù hợp với gia đình, nội trợ, chăm sóc con cái, nếu có tham chính thì cũng chỉ nên làm chức "be bé", vị trí thấp, vừa phải, còn chuyện quốc gia đại sự vẫn nên để đàn ông gánh vác. Do đó, nếu trong danh sách chính thức niêm yết để đưa ra bầu mà tỷ lệ nữ ứng viên chiếm đa số, còn nam ứng viên chiếm thiểu số thì cơ hội bầu cho nam ứng viên vẫn cao hơn nữ ứng viên. Trong trường hợp đó, vô tình nữ ứng viên trở thành "quân xanh" trong suy nghĩ của đa số cử tri. Hoặc cùng đứng chung danh sách ứng viên chính thức đưa ra bầu nhưng nếu ứng viên nữ có trình độ, vị trí công việc thấp hơn ứng viên nam thì cơ hội trúng cử của ứng viên nữ sẽ rất thấp. Bởi tâm lý của cử tri luôn bầu chọn người có trình độ, vị trí cao hơn.

Do đó, để đảm bảo tỷ lệ nữ ứng viên trúng cử cao như mong muốn, việc xóa bỏ định kiến giới trong bầu cử là rất cần thiết. Ngoài việc sắp xếp, bố trí cân bằng giới trong danh sách ứng viên, phân bổ địa bàn bầu cử… thì việc nâng cao nhận thức cho các cử tri đi bầu cử rất quan trọng. Cả cử nam và cử tri nữ đều phải hiểu việc phụ nữ tham chính vào các vị trí lãnh đạo sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Đặc biệt đó là lợi ích về bình đẳng trong xã hội. Bởi khi nữ giới trúng cử vào các vị trí lãnh đạo, có thể đưa ra các quyết định, quyết sách tốt cho cả hai giới. Cử tri nữ cần tìm hiểu kỹ và có sự ủng hộ đối với các ứng viên nữ để bỏ phiếu cho họ. Trong gia đình, cử tri nữ hãy tự mình đi bỏ phiếu để bầu chọn cho ứng viên nữ thay vì nhờ người thân bỏ hộ. Bởi thông thường, nếu đi bỏ phiếu hộ, người bỏ phiếu sẽ dựa trên quan điểm cá nhân của mình để bầu theo ý mình. Vì lẽ đó, nhiều ứng viên nữ vô tình mất đi cơ hội được bầu chọn.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.