Báo hiếu cha mẹ không phải chỉ đợi đến… Tết!

Chia sẻ

Tết đến, Xuân về là lúc những cánh chim xa nhà lại mong muốn hội tụ về quê hương, về với gia đình để đoàn tụ. Đây cũng là lúc các con thể hiện sự hiếu thảo đối với cha mẹ.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, báo Phụ nữ Thủ đô có buổi trò chuyện với nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, diễn giả, tác giả của nhiều cuốn sách về giáo dục đang thịnh hành thời gian gần đây về chữ “hiếu” của các bạn trẻ mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Báo hiếu cha mẹ không phải chỉ đợi đến… Tết! - ảnh 1

Gần đây, làn sóng bàn luận quanh vấn đề “mang tiền về cho mẹ” mà rapper Đen Vâu nêu ra ở bài hát cùng tên, là thực dụng hay không thực dụng trong báo hiếu cha mẹ. Là nhà nghiên cứu về giáo dục, anh bình luận như thế nào về câu chuyện “mang tiền về cho mẹ” của ca sỹ Đen Vâu thời gian vừa qua?

Tôi thấy đó là một hiện tượng rất thú vị xét ở nhiều phương diện. Chưa cần nói tới nội dung, năm từ “mang tiền về cho mẹ” đã gợi lên trong mỗi người đọc/nghe nhiều cảm xúc, kỷ niệm, suy ngẫm khác nhau, nhất là trong thời điểm cuối năm, Tết sắp đến. Vì nó gợi lên những kỷ niệm cá nhân có tính chất riêng tư nên chắc chắn, cảm xúc và cảm tình của nhiều người đối với bài hát của Đen Vâu sẽ khác nhau, vượt qua nội dung của câu từ.

Xét từng gia đình, từng cá nhân như trường hợp của ca sỹ Đen Vâu thì “mang tiền về cho mẹ” là rất tốt, rất nên. Con cái dù có tiền nhưng vẫn nghĩ đến mẹ cha - người đã nuôi dưỡng, chăm sóc, yêu thương mình và có hành động đẹp là đem tiền về biếu cha mẹ, để cha mẹ dưỡng già là điều tốt. Hiếu thảo là giá trị phổ quát của nhân loại, người con hiếu thảo là người con đáng kính trọng và trân trọng.

Tuy nhiên trên thực tế không phải người con nào cũng có khả năng “mang tiền về cho mẹ” vì đường đời không bằng phẳng, có thể con đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện dư dả về vật chất hoặc vẫn còn đang đi học… Thế nên, nếu chỉ hiểu theo nghĩa thực, “mang tiền về” là giá trị vật chất sẽ tạo áp lực cho những người con còn khó khăn trong việc báo hiếu.

Bởi vậy, tôi cho rằng, hãy hiểu bài hát ở nghĩa ẩn dụ mà tác giả muốn gửi gắm đến, đó là dù con cái có đi đâu, làm gì cũng hãy luôn nhớ về cha mẹ. Báo hiếu không đơn giản chỉ là “mang tiền về” mà có thể mang về cho cha mẹ nhiều thứ khác ngoài tiền như: danh dự, tình yêu, cống hiến xã hội, phát minh, sáng chế… thậm chí chỉ là niềm vui và hạnh phúc bởi thấy các con sống khoẻ mạnh, hạnh phúc và an toàn…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo ông, “chữ hiếu” trong gia đình hiện nay như thế nào? Là chuyên gia giáo dục nghiên cứu về giáo dục Nhật Bản, anh so sánh về giáo dục gia đình của văn hoá Việt Nam và Nhật Bản?

Văn hóa Việt Nam và văn hóa của các nước Á Đông khác chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa nên thường dùng chữ “hiếu” để chỉ tình cảm của con đối với cha mẹ. Việc con cái yêu thương, quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ là giá trị đạo đức, luân lý, quan niệm phổ quát của con người trên thế giới. Đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, vì chữ “hiếu” thường được đặt trong những bối cảnh thời đại khác nhau, hoàn cảnh xã hội, gia đình khác nhau nên quan niệm “thế nào là hiếu” sẽ có sự khác biệt thậm chí là đối lập. Ví dụ có người cho rằng “hiếu” là luôn quanh quẩn sống cùng cha mẹ có người lại cho rằng “hiếu” là sống độc lập và “vùng vẫy” hoạt động ở ngoài xã hội, cống hiến cho xã hội. Rồi có những quan điểm hơi trái ngược như “hiếu” là thứ được đơn phương quyết định bởi sự áp đặt giá trị của xã hội, cộng đồng, mong mỏi của mẹ cha hay là “hiếu” được xây dựng từ hai phía trong đó bao gồm cả sự tự nguyện từ tình cảm chân thành của người con? Chính vì vậy, chữ “hiếu” cần được hiểu và thực hành một cách linh hoạt, xuất phát từ tấm lòng và tình cảm của người con dành cho cha mẹ mới là trân quý nhất.
Người Nhật cũng rất coi trọng gia đình và chữ hiếu. Tuy nhiên khác với Việt Nam, Nhật Bản có lịch sử công nghiệp hóa dài hơn trăm năm, tiếp xúc với văn minh phương Tây toàn diện và cận đại hóa sớm hơn Việt Nam nhiều nên cách hiểu về chữ hiếu ít nhiều khác với Việt Nam chúng ta. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản đang đối mặt với hiện tượng “xã hội vô duyên” - hiện tượng mất kết nối với gia đình, mất kết nối giữa người với người trong xã hội hậu công nghiệp. Do đó, mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ lại một lần nữa đặt ra với người Nhật. Sự trở lại trong việc nhấn mạnh tình cảm, kết nối trong gia đình gần đây trong giáo dục của họ thể hiện rõ điều đó.

Dịp Tết đến Xuân về là lúc con cái dù đi làm ăn ở đâu cũng mong mỏi được trở về sum họp, đoàn tụ cùng gia đình và thể hiện lòng hiếu thảo đối với bố mẹ. Tuy nhiên dịch bệnh khiến nhiều người gặp khó khăn về kinh tế, mất việc, không có thu nhập… Cách báo hiếu bằng tiền có phải là tất cả?

Ngày Tết, chuyện cha mẹ mong mỏi con cái về sum họp, đoàn tụ là dễ hiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, tuỳ vào hoàn cảnh của từng gia đình, có người về quê sum họp rất dễ dàng, nhưng cũng có người phải cố gắng lắm mới có thể về thăm bố mẹ được một vài ngày ngắn ngủi. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, có người không thể về quê đón Tết sum vầy vì nhiều lý do khác nhau.

Một năm có 365 ngày, không nhất thiết và tuyệt đối phải về quê vào dịp Tết đến. Khi về thăm cha mẹ vào dịp Tết, theo phong tục Việt Nam tất nhiên người con - những người đã trưởng thành sẽ cần đến một khoản tiền nào đó để chi dùng như mừng tuổi người thân, sắm sửa đồ lễ Tết… Báo hiếu bằng vật chất khi đó có thể sẽ là gánh nặng, áp lực với nhiều người trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung hoặc do hoàn cảnh riêng nào đó.

Người Việt hay có thói quen nhìn vào người khác để so sánh nên cũng rất dễ tự tạo ra áp lực cho mình. Nếu coi chuyện bài hát là của bài hát; chuyện nhà hàng xóm là của hàng xóm… thì sẽ không có áp lực. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, con cái không có tiền mang về cho mẹ nhưng vẫn có thể mang cho cha mẹ nhiều thứ khác như niềm vui, lời nói, thông điệp, sự quan tâm hay các những món ăn ngon, đơn giản, tự tay các con làm…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ cần được thực hiện ở những khía cạnh và hành động gì nữa, thưa chuyên gia?

Ở Việt Nam do an sinh xã hội chưa tốt, chế độ bảo hiểm, lương hưu cho toàn dân vẫn chưa có nên con cái xét ở góc độ nào đó chính là “an sinh xã hội của cha mẹ” khi về già. Lối sống nông nghiệp, văn hóa làng xã cùng với sự kết dính lâu đời và đậm đặc cũng là những yếu tố thúc đẩy làm cho chuyện “báo hiếu” gắn liền với vật chất trở nên nặng nề.

Tuy nhiên, không nên hiểu “báo hiếu” chỉ là mang tiền về cho cha mẹ dù là “tiền sạch”. Con cái có thể làm cha mẹ vui lòng, tự hào, hạnh phúc bằng cách mang về nhiều thứ như sự kính trọng của xã hội, cộng đồng dành cho cha mẹ (khi bản thân người con được xã hội, cộng đồng kính trọng), sự trưởng thành, khôn lớn của các cháu (do người con nuôi dưỡng), hay có thể là một kết quả học tập tốt, một năng lực - kĩ năng nào đó mới học được, thậm chí là những thứ khác cụ thể hơn như một người bạn đời tốt… Nên hiểu chữ “hiếu” ở góc độ rộng và đa giá trị, tùy từng trường hợp cụ thể. Không nên đồng nhất hóa và tuyệt đối hóa giá trị của “tiền” trong mọi trường hợp dù tiền rất quý và biếu cha mẹ tiền khi mình có điều kiện luôn là chuyện nên làm.

Xin trân trọng cảm ơn anh và kính chúc anh cùng toàn thể gia đình năm mới hạnh phúc, bình an!

HỒNG NHUNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.