Báo hiếu thế nào cho đúng trong mùa Vu lan?

Chia sẻ

Đã thành thông lệ, cứ dịp tháng Bảy âm lịch hàng năm, người dân Việt Nam lại chuẩn bị đón một mùa Vu lan. Trong tâm khảm mỗi người, đại lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ chung để những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành, dưỡng dục.

Ni sư Thích Đồng Hoà, UV Thường trực Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Tăng Phúc chia sẻ với độc giả tuần san Đời sống Gia đình về ý nghĩa của lễ Vu lan theo quan niệm của Phật giáo và cách mà người con có thể báo hiếu cha mẹ trong tình hình dịch bệnh đang phức tạp hiện nay.

Các gia đình có thể tổ chức Vu lan bằng hình thức trực tuyến

Thưa Ni sư, quan niệm của Phật giáo về chữ Hiếu được hiểu một cách thấu đáo nhất như thế nào? Lễ Vu lan được tổ chức vào tháng Bảy âm lịch hàng năm có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hành đạo Hiếu của người con?

Ni sư Thích Đồng Hoà: Trong kinh Phật có nói: Đối với tình cảm nào cũng trả được theo năm tháng, nhưng tình cảm cha mẹ thì ngàn năm không kể hết được. Trái tim của mẹ là kỳ quan của vũ trụ, nước mắt của mẹ như nước biển Thái Bình Dương. Dù lúc bé thơ, khi trưởng thành, hay thành công, thất bại trên đường đời… mẹ vẫn thương con đến giây phút cuối cùng. Đối với cha, tình thương dó cũng không kém gì, nhưng được đo bằng sự nghiêm khắc, bằng sự lo toan, bằng hành động cụ thể, dạy đạo đức, văn hoá, giúp con trưởng thành vững vàng, có ích cho xã hội.

Con cái dù thế nào thì cha mẹ cũng yêu thương vô bờ bến, đúng như câu: “Mẹ thương con như biển hồ lai láng”. Vì vậy, kinh Phật đều cho rằng, công ơn cha mẹ không thể đền đáp hết được. Chỉ có cha mẹ mới đủ bao dung, giang rộng vòng tay ôm ấp, chở che con trước mọi biến cố của cuộc đời. Đôi khi con lầm đường lạc lối, bị người đời chỉ trích, xa lánh, nhưng tình yêu của cha mẹ vẫn bên cạnh nâng đỡ cho con.

Ni sư Thích Đồng Hoà đang giảng đạo pháp tại chùaNi sư Thích Đồng Hoà đang giảng đạo pháp tại chùa

Kinh Phật cũng có nói: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”, dù tu đạo nào, dù có học hay không học, Hiếu là gốc, là trên trước, là tất cả. Là con người thì phải tròn đạo Hiếu, phải nhớ ân nghĩa và đền trả những ân nghĩa ấy. Trong tất cả các ân nghĩa, có thể nói lớn lao nhất là ân nghĩa cha mẹ. Trong kinh có câu: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực”, nghĩa là: “Cha sinh ta, mẹ nuôi ta, ôi thôi cha mẹ sinh ta cực nhọc, muốn đền đáp ân đức của cha mẹ như với lên trời chẳng cùng”.

Vì thế, xuất phát từ điển tích ngài Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, ngày lễ Vu lan ra đời. Theo kinh Vu lan, ngài Mục Kiền Liên sau khi tu luyện thành công, đã nhớ mẹ nên cầu cứu lên Phật Tổ. Phật dạy rằng: “Dù ngài thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ đâu, chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Phật cũng dạy thêm rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Theo lời Phật, ngài đã cứu được mẹ mình.

Theo truyền thống Phật giáo, ngày lễ Vu lan là dịp để con, cháu trong gia đình thể hiện lòng hiếu thảo, đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, ông bà và lòng kính nhớ tổ tiên, phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tinh thần mùa Vu lan cũng được mở rộng ra không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo mà còn giáo dục tình yêu thương đất nước, tôn sư trọng đạo, yêu thương, hiếu kính cha mẹ. Trong ngày lễ này, ngoài những nghi thức thông thường như: giảng kinh về đạo hiếu, phóng sinh, thì những người đến chùa dự lễ, mỗi người đều được cài lên ngực một bông hồng nhỏ. Người còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ thì cài bông hồng trắng để mọi người nhớ về người mẹ của mình. Việc làm này nhằm cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha, còn mẹ hãy thực hành sống yêu thương.

Mùa Đại lễ Vu lan năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc thù khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chùa có kế hoạch tổ chức đại lễ Vu lan như thế nào để vừa đáp ứng nguyện vọng của phật tử, vừa đảm bảo an toàn chống dịch?

Ni sư Thích Đồng Hoà: Trong dịp lễ Vu lan những năm trước, khi chưa có dịch Covid-19, nhiều người đi chùa vào đúng ngày này để được cài trang trọng lên ngực bông hồng đỏ hoặc bông hồng trắng với lòng biết ơn, hiếu lễ.

Mùa Vu lan năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc thù, khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, khó kiểm soát. Do đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định tổ chức Vu lan theo hình thức online, không tập trung đông người để vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa lan toả ý nghĩa tốt đẹp của ngày lễ báo hiếu cha mẹ. Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng nhắn nhủ, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới nhận ra rằng chúng ta cần sát cánh bên nhau và phải cùng nhau hành động vì mục tiêu và lợi ích chung. Mọi người phải nêu cao sự đồng thuận, đoàn kết chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội vượt qua đại dịch, ổn định đời sống, và phát triển đất nước. Do đó, các chùa không làm lễ lớn, cũng không đón khách thập phương mà tổ chức online hoặc giản tiết. Tuy phật tử không thể lên chùa, nhưng các sư thầy vẫn tổ chức làm lễ online hoặc nhận sớ cầu bình an cho gia đình phật tử.

Báo hiếu thế nào cho đúng trong mùa Vu lan? - ảnh 2

Các phật tử có thể hết nối trực tuyến với chùa hoặc các nhóm đạo tràng để làm khoá lễ. Nghi thức lễ Vu lan cần có mâm cỗ chay thành tâm, gồm cháo loãng, gạo, muối, cơm trắng, canh, nước lọc, xôi chè, khoai lang, nước ngọt, đèn nến, hương hoa… Việc cúng lễ cần thực hành theo khoá lễ cúng Phật, cúng thần linh, gia tiên rồi đến cúng thí thực vong linh, có thể lựa chọn từ ngày 10 đến 15 Âm lịch. Các gia đình có thể gửi danh sách gia đình lên chùa nhờ sư thầy làm lễ cầu an, hồi hướng cho cha mẹ siêu sinh, hiện tiền được an vui, thịnh vượng.

Hãy báo hiếu với cha mẹ mỗi ngày

Nhắc đến đạo Hiếu, theo Ni sư, các con cần báo đáp hiếu nghĩa với cha mẹ như thế nào là đúng, đủ?

Ni sư Thích Đồng Hoà: Công ơn của cha mẹ thật cao dày, chúng ta muốn đền trả, không thể nào đền trả cho hết được. Rõ ràng mỗi chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lớn lên, nên danh nên phận trong xã hội, nếu không có cha mẹ nuôi dưỡng, lo lắng, chuẩn bị cho cuộc đời thì làm sao có được ngày hôm nay, làm sao có thể thành tựu được những gì quý báu trong đời?

Do đó, để đền đáp ơn đức sinh thành, những người con cần phải hành động ngay trước khi quá muộn. Đừng để khi ngày sau cha mẹ mất mới ghi lời tiếc thương, bia đá vô tri nào đâu có nghĩa gì? Phương pháp báo hiếu không chỉ chăm lo phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất, luôn an ủi về tinh thần, tôn trọng kính lễ không làm cho cha mẹ phiền lòng mà còn phải hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo. Đó là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhân quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai. Nói cách khác, một đời sống hiền thiện chính là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân. Còn như làm điều tà ác, không tu dưỡng đạo đức là bất hiếu.

Cách báo hiếu tốt nhất là hãy trở thành người có đạo đức, biết yêu thương, tôn trọng mọi người trong cuộc sống này. Hãy để cha mẹ tự hào khi là người biết đạo nghĩa, luôn biết nỗ lực trong cuộc sống này. Để một việc nào đó trở thành thói quen, ta phải luôn suy tư và đặt mình vào việc đó. Kể cả việc yêu thương và bày tỏ tình yêu của mình với người thân, đặc biệt là đối với người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Xin đừng ngại ngùng mà thể hiện tình cảm với cha mẹ, vì đến một ngày nào đó, ta cũng sẽ trở thành cha, thành mẹ, chắc chắn rằng lúc đó ta cũng rất mong muốn con cái của mình nói lời yêu thương và quan tâm mình.

Xin cảm ơn Ni sư!

HỒNG NHUNG (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.