Bắt đền tháng Năm

Bùi Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đọc Bắt đền tháng Năm của nhà thơ Bình Nguyên Trang, chợt thấy thú vị nhất là hai câu thơ giản dị mà ý tứ sâu sắc: “Mùa hạ chờ ta/ Khi mùa xuân ra đi”.

Ta bắt đền tháng Năm

Phá tung một góc trời bằng phượng đỏ

Và gió

Lật tơi bời trang vở cuối mùa thi

Mùa hạ chờ ta

Khi mùa xuân ra đi

Ta bắt đền tháng Năm

Kỷ niệm xưa nằm lại

Con tàu chở trời xanh

Lắc lư đi mãi

Mùa hạ thành sân ga

Ta bắt đền tháng Năm

Cõng sao về để đêm thành sâu thẳm

Mắt học trò nồng nàn trong nắng

Buồn

Xôn xao

Lặng im là tháng Năm, cồn cào là ta

Đã bao lần người trở về như thế

Và mỗi lần ta biết mình không thể

Bắt đền tháng Năm

                                  Bình Nguyên Trang

 Bắt đền tháng Năm   - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Có lẽ chưa từng ước hẹn nên bài thơ mở đầu bằng những bất ngờ: Bắt đầu bằng hoa phượng đỏ, màu đỏ ấy cứ cháy lên, phá tung mọi đường viền, mọi giới hạn của sắc màu ngày xuân. Thế rồi đến lượt gió lục tìm điều gì đó “Lật tơi bời trang vở cuối mùa thi”. Trong hai chữ “tơi bời” ấy nói gợi một cuộc kiếm tìm vu vơ, vô định, mà cũng ngờ nghệch biết chừng nào. Đấy, cái cách mùa hạ đón đợi, chào đón ta cũng nông nổi, vụng về mà chân thật như thế đó…

Mùa hạ ở đây không mơ hồ mà được tác giả gọi bằng đúng cái tên “tháng Năm”. Phải là người còn lưu luyến tuổi hoa niên lắm mới nhận ra từng tháng quan trọng đến thế nào với học trò cuối cấp. Mùa hè đến càng gần, mùa chia xa, chia ly càng thêm cận kề. Đơn giản thôi, như cái cách mà người viết đã “tường thuật” lại mà ai đọc lên cũng ngỡ đang viết về chính cuộc đời mình:

Kỷ niệm xưa nằm lại

Con tàu chở trời xanh

Lắc lư đi mãi

Mùa hạ thành sân ga

Chẳng phải đã từ lâu người ta ví thời gian như đoàn tàu, ví những cuộc chia xa như sân ga nhưng có lẽ chỉ con tàu của tháng Năm mới chở được trời xanh đi miết, đi không có ngày trở lại để rồi ta nhận ra trong màu xanh ấy còn cả tóc xanh, tuổi xanh khờ dại mà vô giá của mình.

Nhưng tháng Năm đâu chỉ có cho đi mà còn nhận lại, ở chiều ngược lại ấy là sự cực nhọc và đâu kém phần suy tư:

Ta bắt đền tháng Năm

Cõng sao về để đêm thành sâu thẳm

Mắt học trò nồng nàn trong nắng

Buồn

Xôn xao.

Có lẽ ít người nảy ra ý tưởng “Cõng sao về để đêm thành sâu thẳm” như nữ thi sĩ của thành Nam. Nhưng lạ nỗi trong sâu thẳm ấy của đêm lại tìm thấy nắng, một thứ nắng của những cô cậu học trò đầy khát khao. Tâm trạng đầy mâu thuẫn “buồn” - “xôn xao” cũng dễ gặp ở độ tuổi đầy mộng mơ nhưng cũng mau nước mắt này.

Bài thơ Bắt đền tháng Năm được khép lại bằng một sự chiêm nghiệm của người đứng tuổi trước ký ức thuở học trò:

Lặng im là tháng Năm, cồn cào là ta

Đã bao lần người trở về như thế

Và mỗi lần ta biết mình không thể

Bắt đền tháng Năm

Sự thật giản đơn mà nữ thi sĩ nhận ra: “Lặng im là tháng Năm, cồn cào là ta” gợi một liên tưởng: Hóa ra, chỉ có ta lo lắng, ồn ào còn tháng Năm vốn dĩ lặng lẽ, khiêm nhường. Sự chiêm nghiệm đó cũng gợi lên một sức trẻ trung trong suy nghĩ, có cả sự bất lực, sự buông bỏ: “Và mỗi lần ta biết mình không thể/ Bắt đền tháng Năm” nhưng vẫn bộc lộ một tình yêu tha thiết với cuộc đời này.

Dẫu không thể bắt đền tháng Năm nhưng như thế đã đủ để ta thêm yêu những gì đang diễn ra với những sắc màu cảm xúc tươi đẹp nhất…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.