Bất ngờ

LÂM VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhà thơ Hoàng Cầm được biết đến với một giọng thơ đậm chất dân gian và có chút ma mị. Khi viết về tháng ngâu, về câu chuyện Ngưu Lang-Chức Nữ ông cũng chọn một lối viết lạ, khác hẳn những định đề mà chúng ta thường gặp.

Bất ngờ say mía lên men
Quá nồng chẳng nhạt rau dền canh suông
Rồi em vấn vít anh thương
Yêu đi thẳng tắp đoạn đường quanh co
Cơn mưa ập xuống bất ngờ
Hỡi em! Úp mặt đồng hồ vào đâu
Thu đừng tạnh phía mưa ngâu
Quanh năm Chức Nữ gối đầu tay anh
Triền mưa gội bất ngờ xanh
Hỏi ngâu nối mấy sông thành đêm em

                                               10/1994
                                        Hoàng Cầm

Bất ngờ - ảnh 1

LỜI BÌNH:
Lâu nay, nhà thơ Hoàng Cầm được biết đến với một giọng thơ đậm chất dân gian và có chút ma mị. Khi viết về tháng ngâu, về câu chuyện Ngưu Lang-Chức Nữ ông cũng chọn một lối viết lạ, khác hẳn những định đề mà chúng ta thường gặp. Nghe ra, tâm thức của người thơ hôm nay trẻ lắm, thi nhân dường như đã gặp được một nàng Chức Nữ của riêng mình. Với Hoàng Cầm, đâu chỉ có một chị hơn tuổi trong Lá diêu bông, một tương tư éo le như thế mà tình duyên luôn ở vào hoàn cảnh khác thường, lỡ dở mà vẫn không kém phần mặn nồng: 

Bất ngờ say mía lên men
Quá nồng chẳng nhạt rau dền canh suông

Hóa ra, “mía lên men”, rau “nồng”lại chẳng vô vị, nhạt nhẽo chút nào mà còn được gia tăng thêm sự thi vị. Đọc hai câu thơ này, người ta liên tưởng đến những tình lỡ, tình già mà vẫn tươi trẻ, đắm say. Khi đã yêu say đắm, người ta sẵn sàng chấp nhận tất cả mà trở nên ngang tàng, cứng cỏi, bất chấp tất cả thách thức phía trước:

Rồi em vấn vít anh thương
Yêu đi thẳng tắp đoạn đường quanh co

Đi thẳng vào đoạn đường quanh co cũng là niềm tin “Nhân định thắng thiên” mà đại thi hào Nguyễn Du từng nhắc đến. Bước chân của tình yêu vừa khảng khái, đường hoàng vừa ngây thơ, vụng dại. Nhưng đến câu thơ thứ năm, đã có sự chuyển mạch bằng những liên tưởng hiện đại. Lục bát của thi sĩ Hoàng Cầm đầy bất ngờ như thế:

Cơn mưa ập xuống bất ngờ
Hỡi em! Úp mặt đồng hồ vào đâu

Bất ngờ - ảnh 2

Mặt đồng hồ ở đây có thể là chiếc đồng hồ kiểm soát thời gian trên bàn tay cô gái. Thời gian không còn nơi ẩn nấp, che giấu trong cơn mưa ngâu xối xả. Nhưng “mặt đồng hồ” còn gợi lên diện mạo của một ai đó đang lúng túng, bất ngờ trước tình yêu ập đến, không báo trước, khiến ta liên tưởng đến cơn mưa bất chợt trong thơ Nguyễn Duy: “Vội vàng ta nấp vào nhau/ Mái đầu che lấy mái đầu thoảng hương”. Có điều, Hoàng Cầm quyết liệt hơn, tha thiết hơn. Nhà thơ thốt lên:

Thu đừng tạnh phía mưa ngâu
Quanh năm Chức Nữ gối đầu tay anh

Hóa ra, khi đang giữa mùa ngâu chàng trai đã lo mưa tạnh, đã lo mùa thu sẽ làm vơi đi tất cả để “Chức Nữ gối đầu tay anh” mãi mãi. Ước mơ ấy thật lãng mạn, bay bổng và cũng rất thơ. Thế mới biết, nàng Chức Nữ này đã biến anh thành Ngưu Lang, nhưng đâu chỉ đoàn tụ một tháng, một mùa mưa mà là khát vọng vĩnh cửu, không gì chia cắt được. Bài thơ kết thúc bằng hai câu lục bát:

Triền mưa gội bất ngờ xanh
Hỏi ngâu nối mấy sông thành đêm em

Biểu tượng đêm trong thơ Hoàng Cầm không ít, ông có những: “Đêm kim”, “Đêm thổ”, “Đêm mộc”, “Đêm liên hoan”… nhưng “đêm em” thì lại là một sáng tạo mới mẻ. “Đêm em” là đêm của em, đêm như em, đêm bên em hay em là đêm? Câu trả lời ấy thi nhân dành cho chúng ta, sự liên tưởng ấy thuộc về người đọc. Mùa ngâu của năm 1994 đã xa, người thơ đã về cõi xa xăm nhưng câu thơ vẫn gợi những cơn mưa, vẫn gợi những xúc cảm trong chúng ta hôm nay…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.