BÁT THỊT KHO TÀU

Chia sẻ

TÀO HẢI QUÂN (Trung Quốc)

Mẹ tôi là người có phúc phận, là thiên kim tiểu thư con nhà giàu, sống trong khuôn viên thâm nghiêm nhà cao cửa rộng, chẳng phải lo gì đến cơm áo, gạo tiền. Còn bố tôi lại mang tuổi con gà, đào được miếng nào thời mới được ăn miếng ấy; đi làm công cho người ta để lấy ba bữa ăn đắp đổi qua ngày.

Chính cái thời bố tôi làm thuê ở nhà mẹ tôi, ông mới có hai mươi tuổi với cơ thể cường tráng và đôi cánh tay cuồn cuộn, rắn chắc, tính tình chất phác, bộc trực, đã làm việc gì là cố gắng không tiếc sức mình. Lâu ngày rồi cha tôi lọt vào mắt xanh của mẹ tôi, cha tôi cũng thầm thích mẹ tôi, quả quyết là nếu không lấy được mẹ tôi thì cả đời ông sẽ chẳng lấy ai.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Tục ngữ thường nói, trên đời này chẳng có bức tường nào có thể hoàn toàn che chắn được gió. Cho dù cha mẹ tôi có lai vãng, ứng xử với nhau hết sức thận trọng và kín đáo giữ gìn nhưng rồi mối quan hệ của hai người vẫn bị cha của mẹ tôi (tức là ông ngoại tôi) biết được. Môn không đăng, hộ không đối, ông ngoại tôi tuyệt nhiên không thể chấp nhận cha tôi, ông giận dữ tống mẹ tôi vào vào một căn phòng, khóa trái cửa, lại còn buông ra những lời đe dọa độc ác, rằng sẽ bẻ gãy cái cẳng chân chó của cha tôi. Trong một buổi tối trăng thanh gió mát, nhân lúc ông ngoại tôi cùng cả nhà đang quây quần vui đón Tết Trung thu, cha tôi kéo mẹ tôi, mẹ tôi bám theo cha tôi lặng lẽ trốn chạy ra khỏi nhà.

Cha mẹ tôi chạy rất nhanh và rất xa, cuối cùng cũng đã tìm được một chốn vừa ý để dung thân bén rễ; để an cư, lạc nghiệp.

Cha tôi vẫn là người đàn ông dũng mãnh và quả cảm, đi làm thuê cho người ta để kiếm tiền. Mẹ tôi tuy là tiểu thư con nhà khuê các nhưng cũng không đến nỗi là loại người chỉ biết được cơm bưng tận miệng, áo xỏ tận tay mà còn biết siêng năng trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải... nội trợ đảm đang. Có điều là cuộc sống mỗi ngày một thêm căng thẳng, qua ngày thật không dễ dàng gì, để có bữa ăn còn phải vơ bèo, gạt tép; thậm chí phải ăn mắm, hút giòi... nhưng hễ cứ về đến nhà, nhìn thấy nhau là cha mẹ tôi lại cười vui, lại sung sướng bên nhau. Khung cảnh ấy của những ngày gian khổ, đắng cay nhưng chan chứa những ngọt ngào, ấm áp đến vô cùng vô tận.

Một hôm, bố tôi đi làm về, mới vào nhà đã làm ầm ĩ lên, mẹ tôi từ trong nhà chạy ra, thấy bố tôi đang vui sướng đến ngây người, miệng cười ngoác đến tận mang tai. Bố tôi trông thấy mẹ tôi thì càng hứng khởi, cánh tay phải giơ lên, huơ huơ, nguyên là trên tay ông đang cầm một miếng thịt lợn tươi ngon. Bố tôi bảo, hôm nay làm thêm được mấy bao hàng, được trả công thêm được mấy đồng nên chạy đến chợ, bảo người ta cắt cho một cân thịt, muốn để cho mẹ “cải thiện”một bữa. Mẹ tôi cười ha hả, đón lấy miếng thịt rồi loay hoay bận rộn trong bếp.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Lát sau, mâm cơm được dọn ra, trên mâm cơm khác những hôm bình thường là có thêm một bát thịt kho tàu màu nâu sáng còn đang bốc khói, dậy hương thơm nức mũi. Bố tôi cầm đũa gắp một miếng, đưa lên miệng cho mẹ tôi. Mẹ tôi vội nghiêng đầu, vừa né tránh, vừa lấy tay che miệng, bộ dạng khổ sở như người đang muốn nôn ói. Một nét nghi ngờ thoáng qua khuôn mặt bố tôi, ông vội hỏi mẹ tôi xem có chuyện gì? Mẹ tôi chậm rãi giải thích là bà ăn chay từ nhỏ, tối kỵ đồ tanh và mỡ màng, chỉ cần ngửi thấy thôi là đã muốn nôn ói. Nói xong lại lắc đầu, mặt mũi nhăn nhó, khổ sở. Bố tôi vốn chất phác, thấy vậy vội bê bát thịt kho tàu lên, đặt lại trước mặt mình, sợ mẹ tôi vì bát thịt ấy mà thấy tủi thân. Không kìm nén được sự thèm thuồng, bố tôi tập trung vào bát thịt kho tàu, bắt đầu ăn như sói nhai, hổ nuốt. Mẹ tôi nhìn bố tôi ăn như gió cuốn, mây tan thì khuôn mặt từ từ giãn ra, hả hê cười thỏa mãn.

Bố tôi đúng là thèm ăn thịt! Hễ hôm nào làm thêm được mấy bao, kiếm thêm được mấy đồng tiền đều chạy ra chợ, mua một ít thịt rồi vui vẻ chạy về nhà, giao nó cho mẹ tôi. Mẹ tôi cũng hào hứng không kém, hí húi trong bếp. Lúc ăn cơm, mẹ tôi đều đem bát thịt kho tàu đầy đặn, đặt trước mặt bố tôi. Bố tôi lại nhai như sói, nuốt như hổ, mẹ tôi lại nhìn bố tôi ăn như gió cuốn, như mây tan rồi khuôn mặt lại từ từ giãn ra, tủm tỉm cười thỏa mãn.

Thời gian cứ dần trôi, rồi bố tôi đã trở thành một ông lão, mẹ tôi trở thành một bà lão. Bố tôi đã không còn đi làm thuê cho người ta được nữa nhưng thịt kho tàu vẫn là món ăn khoái khẩu của ông, mẹ tôi thì đương nhiên vẫn không ăn thịt kho tàu mà chỉ im lặng nhìn bố tôi ăn, thỏa mãn cười tủm tỉm.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Rồi sau nữa, mẹ tôi ốm nằm liệt giường, bệnh tình của mẹ mỗi ngày một tăng nặng thêm. Có một hôm, mẹ tôi đột nhiên nói với bố tôi, rằng bà muốn ăn thịt kho tàu. Bố tôi trố mắt vừa ngạc nhiên, vừa hoài nghi, vội vào bếp, lát sau bưng ra trước mặt mẹ tôi bát thịt kho nghi ngút khói, mùi thơm bảng lảng khắp nhà. Chẳng biết từ đâu, thân thể yếu nhược của mẹ tôi như được tiếp thêm sức lực; bà ngồi nhỏm dậy, đón bát thịt đầy ắp từ tay bố tôi, từ tốn gắp ăn ngon lành, tuyệt đối không thua kém gì cách ăn của bố tôi. Bố tôi ngây người nhìn mẹ tôi nhai như sói, nuốt như hổ, ăn như gió cuốn, như mây tan rồi không sao kìm nén nổi, ông thở dài tự đấm vào ngực mình thùm thụp, nước mắt tràn mi.

Ăn hết bát thịt, mẹ tôi ngượng ngùng kéo tay bố tôi, đôi gò má héo hắt chợt như ửng hồng: “Ông nó à, từ khi theo ông, tôi đã thề không động đến thức ăn tanh tao, mỡ màng. Thực ra thì từ thuở nhỏ, tôi đã rất thích ăn thịt kho tàu, tôi đã thường tự diễu mình “mi chỉ là một con mèo con tham ăn...”. Ông nó à, tôi xin lỗi ông... là cả đời này tôi... tôi đã dối ông...”.

TRẦN DÂN PHONG (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.