Bát Tràng - làng nghề - làng hiếu học

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bát Tràng là một làng cổ nằm ở bờ Bắc sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Hơn 600 năm trước, có người họ Nguyễn từ Vĩnh Ninh (Thanh Hóa) đến lập nghiệp. Tiếp đó, 5 cụ họ Lê, Trần, Vương, Phạm, Nguyễn cùng gia đình đến đây - nơi có 72 gò đất trắng lập phường sản xuất gốm, gọi là Bạch Thổ phường. Theo năm tháng, nghề gốm phát triển đến ngày nay.

Vào thời cuối Lê, làng Bát Tràng đã có 20 họ. Không chỉ sản xuất gốm sứ, làm ruộng, buôn bán mà việc học ở đây cũng được hết sức coi trọng. Hơn 5 thế kỷ qua, Bát Tràng có 364 người đỗ đại khoa và tương đương, trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải (1506-1586), 8 người đậu tiến sĩ gồm: Vương Thì Trung, Trần Thiện Thuật, Nguyễn Đăng Liên, Lê Hoàn Viện, Nguyễn Đăng Cẩm, Lê Hoàn Hạo, Lê Danh Hiển, Vũ Văn Tuấn và 2 vị đỗ khoa Hoành từ (Đỗ khoa Hoành từ còn vinh dự hơn đỗ tiến sĩ khoa thi thường lệ vì nhiều người đã đỗ tiến sĩ nhưng không qua nổi khoa Hoành từ). 

Ngoài các trạng nguyên, tiến sĩ theo nghiệp văn, Bát Tràng còn có các vị Tạo sĩ (ngạch võ) với 1 tiến sĩ: Lê Trọng Phụ, đỗ Tạo sĩ khoa Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh 1731) và các vị tiêu biểu được phong tước quốc công, Quận công như Tư quốc công Vũ Ngang, quận công Lê Khả Láng, Giảng quận công Lê Trần Cẩn, Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân, Quỳ Quận công Nguyễn Bổng…

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng khẳng định: “Tình yêu với nghề và trọng con đường học vấn, Bát Tràng đã trở thành một “làng nghề, làng văn” nổi tiếng; mỗi người con Bát Tràng đều yêu mến mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên, mong muốn đóng góp thật nhiều để dựng xây làng”.

Bát Tràng - làng nghề - làng hiếu học - ảnh 1
Lễ rước tam sinh tại Lễ hội Đình làng Bát Tràng diễn ra ngày 5/3/2023 (tức 14/2 âm lịch)

Chính vì vậy, những nét đẹp văn hóa tại làng Bát Tràng luôn được con người nơi đây dày công vun đắp, mang một nét riêng biệt không phải nơi nào cũng có. Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng là một nét đẹp văn hóa như vậy.

Theo ông Nguyễn Đức Hồng, Bát Tràng tuy là làng công thương chuyên biệt, song các sinh hoạt tín ngưỡng vẫn theo mô hình chung của các làng quê Việt. Làng Bát Tràng hiện có tổng số 4 di tích lịch sử văn hóa đã được UBND thành phố ban hành quyết định xếp hạng gồm: Đình làng Bát Tràng, chùa Bát Tràng, Văn chỉ Bát Tràng, đền Mẫu Bát Tràng và 2 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến là nhà cụ Vương Văn Táo - nơi in báo Độc lập và địa điểm Bác Hồ về thăm làng Bát Tràng tháng 2/1959.

Ban đầu, làng chỉ có một ngôi miếu nhỏ làm bằng tranh tre ở ngoài bãi sông. Năm 1720, đình được làm với quy mô lớn. Đình xây kiểu chữ nhị, phía trong là tòa hậu cung 3 gian; phía ngoài là tòa đại bái 5 gian 2 chái. Cột đình bằng gỗ lim người ôm không hết vòng tay. Gian giữa thấp bày hương án. Các gian bên đều lát gỗ thành bục cao. Mặt đình hướng ra sông Hồng. 

Đình làng Bát Tràng là nơi thờ phụng sáu vị thành hoàng làng được dân làng thường gọi là “Lục vị nhà Thánh”, gồm: Nguyên bảo thịnh minh linh ứng, Đoàn túc tôn thần, Lưu thiên tử Đại vương; Trang thuận nghi dung, thượng đẳng thần, Lã thánh mẫu Đại vương; Quả đoán dương uy, thượng đẳng thần, Bạch Mã đại vương; Đoan túc tôn thần, hộ quốc tý dân, Phan đại tướng đại vương; Anh liệt triệu phù, trung đẳng thần, Hộ quốc đại vương; Dực phù trung đẳng thần, Cai minh tự đại vương.

Ngày nay, lễ hội làng Bát Tràng được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Hai (âm lịch) với các nghi thức tổ chức bao gồm các nghi lễ: Lễ mộc dục; dâng lễ tam sinh, lễ cấp thủy, rước nước; lễ rước bộ kiệu Thánh đi qua các trục đường lớn của làng, sau đó trở về Đình làm lễ, các dòng họ trong làng dâng lễ, lễ tạ…

Trong dòng chảy của thời đại mới, Bát Tràng đang phát triển thành làng gốm sứ tiêu biểu của Thủ đô, “điểm du lịch” hấp dẫn thu hút hàng vạn du khách trong nước và quốc tế. 

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi khẳng định: “Bát Tràng đã và đang thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, xã Bát Tràng vẫn rất quan tâm, chăm lo bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống, coi đó như một phần máu thịt của mình. Đây chính là nỗ lực không ngừng bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của cha ông, bảo tồn bản sắc dân tộc được kết tinh”. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.