Bay vòng quanh thế giới để bảo vệ nữ quyền

Chia sẻ

Zara Rutherford không chỉ được bình chọn là người phụ nữ trẻ tuổi nhất bay vòng quanh thế giới, cô gái 20 tuổi còn được ca ngợi là hình mẫu phụ nữ hiện đại, dám phá bỏ mọi định kiến giới và truyền cảm hứng về sự bình đẳng.

5 tháng vòng quanh thế giới một mình

Cô bé Zara Rutherford vẫn thường nhìn lên bầu trời và ước ao được sải cánh bay lượn tự do như những chú chim. Cô đã chăm chỉ để biến ước mơ thành hiện thực ngay từ năm 14 tuổi và bay vòng quanh thế giới, điều mà cho dù cô nghĩ là quá nguy hiểm và phức tạp nhưng vẫn luôn là một trong những giấc mơ của cô.

Việc có thể “cất cánh” đối với nam giới đôi khi còn là một điều khó khăn. Rutherford đã lựa chọn bay trên một chiếc máy bay siêu nhẹ. Đây một trong những loại máy bay nhanh nhất thế giới, với khả năng đạt tốc độ lên tới gần 300km/h ở độ cao 4.500m. Để có thể làm được điều này không chỉ đòi hỏi có nhiều kỹ năng thành thục, sự kiên nhẫn mà còn phải có bản lĩnh và “thần kinh thép”. Ngành phi công vốn ưa chuộng nam giới hơn do những điều kiện về thể chất cũng như gia đình. Do đó, để có thể theo đuổi đam mê bay đối với phụ nữ còn cần sự sẵn sàng phá bỏ mọi định kiến giới.

Xuất phát theo hướng Tây từ Flanders (Bỉ), Zara đã bay qua 41 quốc gia trải dài trên khắp năm lục địa với tổng quãng đường dài hơn 52.000km. "Hành tinh này thật tuyệt vời. Trong suốt hành trình, tôi đã đi qua nhiều nơi, trong đó, những vùng hẻo lánh thuộc khu vực Siberia, Alaska và Ả rập Xê út khiến tôi không thể nào quên bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên, vẻ đẹp của cảnh sắc cũng như sự nguy hiểm khi chinh phục", Rutherford nói.

Zara Rutherford vui mừng sau khi hạ cánh xuống Wevelgem (Bỉ), hoàn thành hành trình kỷ lục 5 tháng vòng quanh thế giới.Zara Rutherford vui mừng sau khi hạ cánh xuống Wevelgem (Bỉ), hoàn thành hành trình kỷ lục 5 tháng vòng quanh thế giới.

Mặc dù là hành trình bay vòng quanh thế giới nhưng loại máy bay mà cô sử dụng lại không có các thiết bị cần thiết để có thể hỗ trợ tầm nhìn vào ban đêm hay xuyên qua các đám mây. Bên cạnh đó, Rutherford cũng mới có bằng lái, cô chưa được trải nghiệm các tình huống bay thực tế khi thời tiết khắc nghiệt hoặc được huấn luyện để đối phó với các tình huống khẩn cấp như cháy rừng ở California, nhiệt độ băng giá ở Nga, giông bão ở vùng Xích đạo, sương mù ở Ấn Độ hay bão sa mạc ở Ả rập Xê út. Trên suốt hành trình với nhiều khó khăn bủa vây, cô vẫn quyết tâm thực hiện được chuyến bay lịch sử này dù nhiều lúc trong đầu đã có suy nghĩ sẽ từ bỏ.

“Tôi bay vì bình đẳng của phụ nữ”

Được truyền cảm hứng từ Amelia Earhart, nữ phi công người Mỹ và Valentina Tereshkova, nhà du hành vũ trụ nữ người Nga, Zara Rutherford mong muốn thành tựu mà bản thân vừa đạt được sẽ tiếp tục truyền cảm hứng và khích lệ các nữ sinh trung học có niềm đam mê với bộ môn STEM (chương trình giảng dạy kiến thức, kĩ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) để từ đó trở thành những nữ kỹ sư, nhà khoa học hay phi công – phá bỏ định kiến ngành này không dành cho nữ giới. “Những luận điệu bất bình đẳng về việc làm đối với phụ nữ sẽ chỉ tạo ra các lực cản kìm hãm nền kinh tế toàn cầu cũng như sự phát triển bền vững”, Rutherford bình luận.

Khi được hỏi về lý do thực hiện chuyến bay mạo hiểm này, nữ phi công khẳng khái: “Không có công việc nào chỉ dành cho đàn ông, phụ nữ có quyền được làm nhưng gì họ muốn. Tôi bay vì sự bình đẳng của nữ giới”.

Cô gái 20 tuổi tiết lộ vẫn chưa thể thực hiện được mơ ước lớn nhất của mình. Nữ phi công có dáng hình bé nhỏ nhưng lại mang một hoài bão rất lớn. Ước mơ tiếp theo của Rutherford sau khi đã thực hiện được chuyến bay vòng quanh thế giới là vượt ra ngoài không gian và chinh phục vũ trụ. “Tâm nguyện cuối cùng của tôi là được trở thành một nữ phi hành gia thực thụ”, cô cho biết.

Trong khi tiếp tục nỗ lực, cô muốn dùng câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho phụ nữ theo đuổi ước mơ của họ trong ngành hàng không và STEM. Rutherford nói: “Tôi muốn tiếp tục kể chuyện với mọi người về kinh nghiệm của mình và điều quan trọng mà tôi đang cố gắng làm là khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia vào ngành hàng không và STEM hơn. Hiện tại tôi thấy số lượng nữ phi công quá ít ỏi”.

Kỷ lục bay vòng quanh thế giới của Zara Rutherford không chỉ thể hiện sự quyết tâm chinh phục bầu trời, thực hiện ước mơ của cô, mà xa hơn là truyền cảm hứng, là nguồn động lực mạnh mẽ cho những ai muốn chiến thắng bất bình đẳng, đặc biệt là phụ nữ trong xã hội 4.0 ngày nay.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.