Bé Hoa và chim dộc

Chia sẻ

Lần đầu tiên, bé Hoa nhìn thấy chim dộc; bởi lúc bé ra đời, lũ dộc đã từ lâu vắng bóng trong vườn nhà. Hình ảnh những chiếc tổ bầu dục miệng loe, đan khéo léo bằng cọng lá dừa, lá mía chỉ còn lủng lẳng đâu đó trong kí ức người lớn và lũ trẻ choai choai.

Đó là vợ chồng một chú chim dộc.

Lần đầu tiên bé Hoa nhìn thấy chim dộc; bởi lúc bé ra đời, lũ dộc đã từ lâu vắng bóng trong vườn nhà. Hình ảnh những chiếc tổ bầu dục miệng loe, đan khéo léo bằng cọng lá dừa, lá mía chỉ còn lủng lẳng đâu đó trong kí ức người lớn và lũ trẻ choai choai. Bà nội bé - cứ mỗi lúc nheo mắt, che tay nhìn lên tán dừa trước ngõ - lại chép miệng phàn nàn: “Chẳng hiểu bọn dộc biến đâu mất cả, chỉ còn rặt một lũ sẻ ranh. Đến chiếc tổ làm cũng chẳng nên thân thấy mà phát ghét!”. Tổ chim sẻ bé Hoa có biết. Quả là “trây nhớt” thật. Lũ lười ấy thì hốc tường, kẹt đá nào cũng xong. Chỉ vài ba cọng rơm, khoanh lôi thôi, bừa bãi như đống rác, còn tệ hơn cả ổ gà!

Vậy mà sáng nay chim dộc lại về.

Bà vừa gọi anh em Vinh, Hoa chỉ cho xem đôi vợ chồng dộc đậu trên ngọn sầu đâu vừa nói hồ hởi: “Đất lành chim đậu” đây! Trông bà vui lắm. Bé Hoa cũng vui lây cái vui của bà. Bé ngắm nghía con dộc trống có chiếc mũ vàng đang thoăn thoắt chuyền cành, đôi mắt nhỏ xíu, lanh lợi nhìn ngang nhìn ngửa đầy vẻ cảnh giác. Chừng như không thấy sự gì nguy hiểm, nó bay vù lại chỗ con mái đang chờ. Chiếc mỏ đen dụi dụi âu yếm lên đầu vợ. Con dộc mái xù lông, lim dim mắt, đứng nép sát vào chồng vẻ tin cậy.

*
Vợ chồng chim dộc làm nhà.

Có đến mươi bữa, dộc trống, dộc mái cứ luân phiên bay đi rồi lại bay về. “Món hàng” kiếm được sau mỗi chuyến đi chỉ vỏn vẹn một cọng lá nhỏ, dài, ngậm phất phơ ngang mỏ. Vù lên tàn dừa, hai chân bấu chặt vào đoạn “cáp treo” lủng lẳng trên sống lá, dộc nhanh nhẹn dùng mỏ khâu khâu, kết kết. Loáng cái đã xong; dộc lại vù đi. Cứ thế…

Chiếc tổ dần thành hình nhờ sự cần mẫn, khéo léo của vợ chồng dộc. Nó dài, thon như quả bầu, vàng ươm. Miệng tổ quay ngược xuống đất để tránh mưa. Lũ sẻ cứ sáng sáng lại chui ra khỏi ống máng, mái nhà tròn mắt nhìn cái công trình lạ lẫm kia. Nhìn chán chê, chúng quay sang chí chóe cãi cọ, bàn tán về hai kẻ nhập cư tự trên trời rơi xuống. Đứng xa xa mà chỉ trỏ, đoán non đoán già chứ đố có gã sẻ nào dám đến gần. Cái thằng cha đội mũ vàng dáng lầm lì kia chẳng có vẻ gì là thân thiện!

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Bé Hoa lại không thấy thế. Bé ngày càng thích đôi chim dộc. Bé có thể ngồi hàng giờ ngắm chim dộc đi đi về về, cần mẫn đan tổ. Con dộc mái thỉnh thoảng lại chui vào tổ; ý chừng để dọn dẹp bên trong, ướm xem chỗ nằm đã vừa vặn, êm ái chưa. Chốc chốc, nó thò đầu ra ngoài cảnh giác nhìn ngang nhìn ngửa rồi lại te tái chui vào. Gã dộc trống chăm chú tỉa tót bên ngoài tổ. Gã dùng mỏ tiện đứt những sợi lá thừa, gia cố thêm đoạn “cáp treo”. Bà bảo: “chim dộc làm tổ tức sắp đẻ. Cái tổ ấy dành cho dộc mái và lũ con”. “Thế chim trống ngủ đâu hở bà?”. “Nó sẽ làm tổ riêng”. Đúng thế thật. Dăm hôm sau, xuất hiện thêm cái tổ nhỏ xíu, giống chiếc giỏ một quai úp ngược, treo lủng lẳng kề bên.

Bé Hoa mong đến ngày chim dộc đẻ. Bé mường tượng cảnh lũ dộc non rúc rích, đáng yêu như đàn gà con vừa được mẹ gà ấp nở ba hôm trước…

*
Anh Vinh cũng quan tâm đến lũ dộc, nhưng theo kiểu khác. Đầu tiên, thấy anh lăm le cây súng cao su. Bé Hoa mách bà. Bà quát cho anh một trận, tịch thu cây súng. Anh tiếc, ngồi xị mặt hàng giờ liền. Bé Hoa thương hại anh lắm; nhưng bé còn thương lũ chim dộc hơn. Ai có thể lường được cái vật nguy hiểm ấy – rơi vào đôi tay ngứa ngáy của anh – sẽ đẻ ra những hậu quả gì???

…Luôn mấy hôm không thấy chim dộc bay hay đậu song đôi. Chỉ có một con – hoặc trống, hoặc mái – loáng thoáng đi về vẻ vội vã. Về đến nơi, chúng lại chui ngay vào tổ. Bé Hoa đâm lo, không hiểu có chuyện gì với lũ dộc. Bé đem hỏi bà. Bà cười: “Chúng đang ấp trứng đấy!”. “Cháu tưởng chỉ chim mái mới ấp trứng chứ?”. “Dộc trống cũng biết ấp trứng. Nó ấp thay lúc con mái đi kiếm ăn”. “Thế sao… gà trống không biết ấp trứng hở bà?”. “Gà khác, dộc khác. Cháu cứ để ý xem. Sẽ còn khối chuyện hay đấy…”.

Rồi cũng đến ngày có tiếng líu ríu khe khẽ phát ra từ chiếc tổ dộc đong đưa. Vợ chồng dộc lại tất bật đi đi, về về. Lần này, chúng không tha rác. Mỏ chúng ngậm những vật nhỏ xíu – hình như là con sâu, con bọ gì đó thì phải. Bé Hoa nghiệm ra rằng: Bà nói đúng thật. Dộc trống không những biết ấp trứng mà còn biết phụ vợ kiếm mồi nuôi con. Hay thật!

*
Bão.

Gió rít đùng đùng. Gió quăng quật, rượt đuổi nhau trên mái nhà, thở phì phì như con ngựa chứng. Ngoài vườn, cây cối vặn mình răng rắc. Thỉnh thoảng, lại có tiếng cây đổ đánh ào. Mưa quất ràn rạt trên mái ngói. Tiếng nước chảy ồ ồ.

Nằm trên giường, rúc đầu trong chăn ấm nhưng mắt bé Hoa cứ mở chong chong. Bé đang lo cho lũ chim dộc. Bé mường tượng cảnh cái tổ đung đưa, xoay tít mù trong giông bão. Bé mường tượng cảnh lũ dộc con run rẩy, ướt sũng. Trong tiếng gió hun hút luồn qua khe cửa, bé nghe như văng vẳng có tiếng kêu chiêm chiếp, thảm thiết. Bé tung chăn, vùng dậy. Trời đất tối mò. Một luồng gió rít ù ù rồi giật ngược đánh đùng. Có tiếng ngói vỡ loảng xoảng. Bé Hoa dựng cả tóc gáy, lập cập chui lại vào chăn. Hình như - bên tai bé vẫn văng vẳng tiếng kêu chiêm chiếp, não nuột. Nước mắt bé trào ra. Bỗng dưng, bé chợt nhớ đến chuyện cô Tấm. Bé lầm rầm cầu khấn ông Bụt. Mong sao ông Bụt hiện lên cứu giúp, đừng để lũ dộc con phải chết rét. Chắc ông Bụt phải nghe lời cầu xin của bé. Bé cảm thấy yên tâm hơn. Bé thiếp đi trong tiếng mưa gió gầm gào; đôi môi thỉnh thoảng còn mấp máy trong giấc mơ…

*
- Bé Hoa! Dậy! Dậy!

- Bé Hoa ầm ừ, lăn mình vào sát vách, mắt vẫn nhắm tịt.

- Dậy mau. Anh cho xem cái này…

Bé Hoa ngáp dài, hấp háy đôi mắt đầy rử. Trời đã sáng bạch. Bên giường, anh Vinh đang đứng nhìn bé, cười hí hửng.

- Cái gì thế?

- Con chim.

- Chim dộc à? bé Hoa vụt tỉnh khỏi cơn uể oải. Bé nhanh nhẹn phóc xuống giường.

Trong chiếc rổ lót bằng túm giẻ lau, một chú dộc con đang đứng xù lông, run rẩy. Khóe mép chú còn viền một lớp da vàng chạch. Những chiếc lông cánh ngắn củn, chỉ che đến nửa lưng. Bé Hoa đưa ngón tay đến gần, nó lập tức sập sè đôi cánh, vươn cổ, há to chiếc mỏ kêu chiêm chiếp. chắc nó đói lắm.

- Anh nhặt nó ở đâu thế?

- Dưới gốc dừa.

Bé chạy ngay ra gốc dừa. Tàn dừa trông tơi tả, rũ rượi như mái tóc rối lâu ngày không chải. Chiếc tổ dộc vẫn còn đó, khẽ đu đưa trong nắng sớm. Vợ chồng dộc đang loay hoay vá víu những chỗ tổ bị rách. Phải rồi; chắc chú dộc non hoảng hốt vì trận bão đêm qua, nhoi lên miệng tổ và bị gió cuốn rơi ra ngoài. Bé Hoa lại chạy vào nhà. Phải cho chim dộc ăn, kẻo nó đói lả mất. Bé xuống bếp, vốc một dúm gạo. Con dộc non vẫn há mỏ, kêu chiêm chiếp. Bé nhón hạt gạo, sẽ sàng đưa vào miệng nó. Chú dộc đớp lấy, nhằn nhằn một cách vất vả rồi lè ra ngoài. Đến hạt thứ hai, hạt thứ ba… vẫn thế. Gay thật! Bé Hoa chạy đi tìm bà. Nghe chuyện, bà bảo: “Dộc non không ăn được gạo. cháu bảo anh Vinh lấy cái lờ cũ nhốt nó vào, đem treo ngoài cây ổi…”. “Để làm gì hở bà?”. “Bố mẹ dộc sẽ cho nó ăn”. Bé Hoa nửa tin nửa ngờ; nhưng bé cũng làm theo lời bà dặn.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Hình như vợ chồng dộc đã phát hiện ra tiếng kêu của dộc non. Dộc mẹ bỏ tàn dừa, bay sà xuống đọt ổi, miệng phát tiếng kêu: “Dôộc, dôộc”. Mắt nó láo liên, đầy vẻ lo lắng. Dộc bố cảnh giác hơn. Nó đậu cách một quãng, nghênh nghênh chiếc mũ vàng canh chừng bốn phía. Dộc non nghe tiếng dộc mẹ càng chiêm chiếp dữ. Dộc mẹ nhanh chóng phát hiện chiếc lờ. Nó thoăn thoắt chuyền cành, bay đậu lên nan lờ, thò đầu “dôộc dôộc” gọi con. Chú dộc non chập choạng, cuống quít vẫy đôi cánh ngắn ngủn tìm cách chui ra ngoài. Nhưng thử suốt lượt vẫn chẳng có chỗ nào chui lọt. Bất lực, chú lại bật lên kêu chiêm chiếp như trẻ con òa khóc.

Dộc mẹ chổng mông, thò đầu qua nan lờ, đưa mỏ gãi gãi lên đầu dộc non như dỗ dành; rồi đột nhiên, nó rời cành ổi bay vút lên trời mất dạng.

Chưa đầy năm phút, dộc mẹ quay về, mỏ ngậm con cào cào. Nó kêu khe khẽ, thò đầu mớm mồi cho con. Dộc non đón con mồi, nuốt ực ngon lành, chép chép miệng vẻ khoái trá. Dộc mẹ lại hối hả bay đi.

*
Dộc non đã lớn.

Lông cánh chú mọc dài, phủ kín cả chóp đuôi. Màu vàng trên khóe mép dần bợt đi, ngả sang sắc trắng. Tiếng gọi mẹ của chú cũng bắt đầu khàn khàn. Để làm một gã dộc trưởng thành, vật duy nhất chú còn thiếu là chiếc mũ vàng như của bố. Sáng sáng, khi lũ anh em rời tổ tập bay cùng bố mẹ, chú cũng lồng lộn trong chiếc chuồng chật hẹp, bay trái, bay phải tìm cách thoát ra ngoài. Bà nhắc: “Xem nó biết bay thì thả cho nó theo đàn…”. Anh Vinh cứ ậm ừ. Anh có vẻ suy nghĩ lung lắm…

*
Anh Vinh tha về chiếc lồng bẫy.

Bẫy làm bằng một vuông lưới bọc lên chiếc khung thép, nối với hệ thống lò xo. Chốt bẫy được gài vào một đầu chiếc que cây treo lơ lửng. chỉ cần chim đậu lên que, chốt sẽ bật, tấm lưới có khung thép chụp xuống, nhốt gọn chú chim dại dột. Để làm gì thế anh? bé Hoa tò mò. Suỵt! anh Vinh đưa ngón tay lên miệng, thì thào. Mày đừng mách bà, anh mới nói. Em không mách. Được rồi, tao muốn tóm gọn bọn chim dộc. Tóm chúng làm gì? Bán cho lão Hạc. lão Hạc buôn chim ấy à? Ừ. Tội chúng chết! Tội, tội cái… con khỉ! Này nhé, lão bán chúng cho người ta nuôi, chứ có giết thịt đâu? Chúng được ở lồng đẹp, được ăn no… Sướng nhá!

Bé Hoa đuối lý, song bé vẫn thấy thế nào ấy. Chuyện ở lồng đẹp, ăn no rõ ràng là sướng rồi. Nhưng mà…

*
Con dộc mẹ dính bẫy!

Suốt buổi sáng nó cứ đảo qua đảo lại, không dám đến gần chiếc lồng bẫy. Nhưng, nghe tiếng kêu đói của dộc con, nó đã mất cảnh giác. Tấm lưới chụp xuống. Dộc mẹ vùng vẫy bất lực. Nó dùng mỏ nhay nhay những sợi lưới, cất tiếng kêu “dôộc, dôộc” một cách thảm thiết. Bên ngoài, dộc bố cũng đang lồng lộn tìm cách giải thoát cho vợ. Lông cánh, lông đuôi chúng bay tơi tả.

Anh Vinh không có nhà.

Quên mất nỗi sợ bị anh đánh đòn, bé Hoa lập cập trèo lên cây ổi. Bé lóng ngóng dở chiếc khung thép. Con dộc mẹ đớp vào tay bé đau điếng. Mặc kệ. Bé cố sức lần nữa. Được rồi. Dộc mẹ bay vút ra ngoài. Bé mất thăng bằng chụp tay vào chiếc lồng. Cả lồng cả bé lăn nhào xuống đất. Cửa lồng bật chốt, mở toang. Chú dộc con – sau một giây ngỡ ngàng – nhanh nhẹn chui ra cửa. Mất một hồi lâu chập choạng lấy đà, cuối cùng chú cũng bay vù được theo bố mẹ…

Mặt mũi bé Hoa dính đầy đất cát, trán vù lên một cục tướng. Nhưng nhìn lũ dộc hớn hở tung mình lên bầu trời xanh, bé quên phứt cái đau. Miệng bé nhoẻn cười…

*
- Hoa!

- Dạ…

- Mày phá lồng chim của anh phải không?

- Ơ… không ạ!

- Vậy đứa nào phá?

- Ơ… em không biết. có lẽ con… con mèo…

Giọng anh Vinh hằm hè:

- Lại thằng Mướp. Được rồi, phải cho nó một trận…

Chú Mướp đang nằm duỗi dài, vô tư sưởi nắng ngoài hiên. Bé Hoa nhanh nhẹn bồng chú chạy biến ra nhà sau. Vừa đùn, đẩy con Mướp lên mái nhà, bé Hoa vừa suỵt suỵt:

- Kìa, Mướp… Trốn đi! Ăn đòn bây giờ!

Chú mèo giương đôi mắt xanh trong veo, ngạc nhiên nhìn cô chủ nhỏ, miệng ngoao ngoao như muốn hỏi: Tại sao, tại sao…

Truyện ngắn của Y NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.