Bề nổi của tảng băng chìm

Chia sẻ

Các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%).

Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 gia tăng

Mới đây, một vụ cháu bé 12 tuổi rơi từ tầng 12 xuống đất tại chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, cơ quan công an xác định, cháu bé có thể do tự tử. Trên giường cháu bé có để lại một tờ giấy viết: “Hãy quên tôi đi”.

Ngày 6/12, một cô gái trẻ (quê ở Giao Thủy, Nam Định) đã lên cầu Thăng Long với ý định tự tử. Qua làm việc, cô gái cho biết, do buồn chán chuyện gia đình nên nảy sinh ý tự tử. Rất may, người dân phát hiện và khuyên ngăn kịp thời.

Ngày 24/11, một cụ bà khoảng 70 tuổi đang sống tại một chung cư trên địa bàn phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã rơi từ tầng 23 của toà chung cư xuống đất và tử vong. Theo lãnh đạo phường Thanh Xuân Nam, cụ bà đang sống cùng chồng. Cụ thường xuyên đau ốm, bệnh tật và phải nhờ chồng chăm sóc nhiều năm nay. Cụ có dấu hiệu trầm cảm. Cơ quan công an xác định nguyên nhân có thể do tự tử.

Theo báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới năm 2021: Trong tâm trí tôi: Thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khẻ tâm thần của trẻ em” thì, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khoẻ tâm thần của cả thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc. Nhưng đại dịch mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm về sức khoẻ tâm thần – một vấn đề đang chưa được chú ý hiện nay.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ước tính, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm, thế giới có 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này. Những rối loạn tâm thần được chẩn đoán gồm: Rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ, tâm thần phân liệt, ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ, học tập và cuộc sống của trẻ vị thành niên.

Qua khảo sát nhu cầu hỗ trợ tâm lý – xã hội của Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam thực hiện từ ngày 18/7 đến ngày 3/8 chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, có hơn 28% người được khảo sát cho rằng, họ hoàn toàn bình thường, 45,1% người được khảo sát cho biết có phần lo âu, mệt mỏi, 22% cảm thấy căng thẳng, lo âu, mệt mỏi nhiều, số còn lại cảm thấy vô cùng căng thẳng, lo âu, sợ hãi, kiệt sức.

Tại hội thảo trực tuyến “Kỷ niệm ngày sức khoẻ tâm thần thế giới do bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tổ chức ngày 10/10 vừa qua, bác sỹ Nguyễn Thị Vân, Trưởng khoa Bán cấp tính nữ, bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã nhận tư vấn từ xa, điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khoẻ tâm thần trong dịch và hậu Covid-19. Cụ thể là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung… Hay các trường hợp gặp triệu chứng loạn thần cấp do lo lắng biến chứng khi đến lịch tiêm ngừa Covid-19, bị sang chấn tâm lý khi phải giãn cách xã hội kéo dài. Nhiều trường hợp không được can thiệp ngay, bệnh diễn biến thành các chứng sợ tiếp xúc, rối loạn ám ảnh… ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.

Quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch

Cùng với nỗi sợ nhiễm virus trong đại dịch, những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hàng ngày như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội cùng thực tế mới của làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, con cái phải học online, thiếu tiếp xúc với người thân, họ hàng, bạn bè… cũng làm gia tăng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của mọi người.

Theo TS tâm lý Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện hành chính quốc gia, cơ sở tại TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là giãn cách xã hội ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân. Nhiều người gặp các vấn đề về sức khoẻ tâm-thể-trí như stress, căng thẳng, trầm cảm do lo sợ dịch bệnh, mâu thuẫn vợ chồng, xung đột với con, áp lực về kinh tế, sự căng thẳng, ức chế do ở trong môi trường hẹp quá lâu… Sức khoẻ tinh thần giảm sút làm giảm miễn dịch cơ thể, khiến cuộc sống của họ bế tắc. “Từ tháng 4/2021, khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ tư bùng phát, số lượng ca tham vấn tâm lý của tôi tăng lên đột biến, không chỉ ở lứa tuổi học sinh mà còn người lớn, người cao tuổi. Bệnh tình của họ nghiêm trọng hơn khi không thể kết nối với người thân, bạn bè, giao tiếp xã hội bên ngoài do giãn cách xã hội” – TS Thuý nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo TS Thuý, trong khi dịch bệnh đang căng thẳng như hiện nay, việc tạo tâm lý thoải mái để sống an vui mùa dịch vô cùng quan trọng. Các biện pháp như: ăn đúng, ngủ đủ và đúng giờ là rất quan trọng. Không đếm ca, không đọc tin xấu giả mỗi ngày, chỉ đọc tin bài về phòng, ngừa, cách chữa trị và các hoạt động thiện nguyện giúp nhau mùa dịch… để giữ tâm thái bình an, không lo lắng, sợ hãi. “Chúng ta hãy tập thể dục, hít thở sâu, tập thả lỏng và lắng nghe cơ thể; kết nối yêu thương với các mối quan hệ, có thể qua thiết bị công nghệ với anh em họ hàng, bạn bè, cộng đồng xã hội, quan tâm giúp đỡ ai đó, đóng góp vào quỹ thiện nguyện nếu có điều kiện. Hãy chăm chỉ tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc… hoặc làm những việc bản thân thấy thích như chăm sóc cây xanh, nấu ăn, vẽ tranh… để tạo cho cuộc sống vui vẻ mỗi ngày, từ đó giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi và trầm cảm” – TS Thuý nói.

Đối với trẻ vị thành niên, cha mẹ cần để ý con có những biểu hiện tâm lý bất thường như thường xuyên buồn bã, bực bội, khó chịu; giảm hoặc mất hứng thú trong công việc và sinh hoạt mà trước đây trẻ thích; rối loạn ăn uống, giấc ngủ; lo lắng vô cớ, mất tự tin, giảm khả năng tập trung, các biểu hiện đau đầu, đau bụng, nhức mỏi, buồn nôn… thường xuyên quan tâm đến con, giúp con có kết nối với xã hội, hoặc có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý để có cách can thiệp kịp thời.

Còn bác sỹ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho rằng, bên cạnh yếu tố do di truyền và sinh học, những thay đổi về sinh hóa não do sử dụng ma túy tổng hợp, lạm dụng rượu, lạm dụng chơi game, áp lực của cuộc sống thời công nghệ đã góp phần đáng kể khiến bệnh tâm thần gia tăng. Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội là sự gia tăng áp lực tâm lý, sự quá tải công việc, xung đột và mâu thuẫn tăng lên dẫn đến gia tăng rối loạn tâm thần liên quan đến stress.

Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày và cần phải điều trị kịp thời. Trong giai đoạn dịch bệnh, bệnh trầm cảm càng phổ biến hơn, có thể gặp ở bất cứ ai, nhưng chỉ có 1 nửa số người bệnh được điều trị đúng. Biến chứng nặng nhất của trầm cảm là tự sát. Khi phát hiện những biểu hiện hay lời đe dọa tự sát cần được đặc biệt chú ý. Người bị trầm cảm không hề có ý định dùng cái chết để gây sự chú ý. Nếu phát hiện người bệnh trầm cảm và có ý tưởng tự sát, hãy thông báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa tâm thần. “Toàn xã hội, nhất là các cấp lãnh đạo, cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần đối với cuộc sống của mỗi người. Không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe. Sức khỏe là vốn quý, dù là sức khỏe cơ thể hay sức khỏe tinh thần, đều phải thường xuyên quan tâm chăm sóc” – bác sỹ Hồng Thu cho biết.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.