Bến đỗ cuộc đời

Trương Thị Thúy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chị Ngọc lấy chồng năm 29 tuổi, chồng chị kém chị gần chục tuổi. Thực ra, nếu như bây giờ, dường như sự chênh lệch tuổi tác giữa cô dâu và chú rể chẳng có gì phải bàn cãi, người ta quen rồi. Nhưng ngày xưa, chuyện chị lấy chồng kém tuổi bị người ta bàn tán, xì xào khắp đầu làng cuối xóm, lan sang cả làng trên xóm dưới.

Hôm đám cưới chị, khách mời ăn cỗ thì cũng chỉ có chừng: Bạn bè, họ hàng, làng xóm. Xêm xêm năm chục mâm. Nhưng người ta đến xem đông lắm, cả những người không dây mơ rễ má gì cũng đến. Họ đến xem cốt để thỏa trí tò mò về “đôi đũa lệch”.

Bởi vậy, đám cưới của chị đông vui chẳng khác gì một đám hội, đám rước. “Nghe đâu anh chồng còn đang là sinh viên đại học cơ đấy”. “Ái chà, cái nhà cô này cũng hay ấy nhỉ, cách gì mà lại yêu được cậu sinh viên điển trai thế”. “Mày nhìn cái mắt thằng chú rể xem, cứ đểu đểu thế nào ấy”, “Nói gì kì, kém miếng khó chịu à”. Mấy người xì xào bàn tán đủ kiểu.

Chị dường như biết hết chuyện người ta bàn tán về mình, nhưng cô dâu nhìn trẻ lắm, không ai nghĩ là hơn chú rể đến gần chục tuổi đâu. Chị cười tươi, rạng rỡ bên chồng trẻ.

Đại diện nhà trai đang phát biểu xin dâu, cơn gió ở đâu tự nhiên ào tới. Thốc tung tấm rèm có dán tên cô dâu Thanh Ngọc và chú rể Tuấn Hùng. Chữ rơi mất nét. Mấy người xì xào: “Điềm đấy”. “Thôi đi, chỉ cái vớ vẩn”. “Rồi xem”.

Bến đỗ cuộc đời - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Cưới xong, chồng chị tiếp tục đi học đại học, chị Ngọc đi làm nuôi chồng. Quê chồng ở xa, nhà lại đông anh em nên cha mẹ chồng đồng ý cho chị ở nhà cha mẹ đẻ mà không phải về đó làm dâu. Chồng chị học cách nhà hơn hai chục cây số nên ở trọ cho tiện việc học.

Cuối tuần lại về thăm vợ. Vợ chồng quấn quýt. Chị hạnh phúc lắm. Chị dặn chồng không được đi làm thêm nữa, tập trung hết cho việc học, mọi việc để vợ lo. Mà chị lo được thật. Chị đi làm từ hết cấp ba, tiền bạc tự giữ chứ cha mẹ không quản, bao nhiêu năm tích cóp cũng được một khoản kha khá.

Chị tính chờ chồng học xong, xin được việc sẽ vay mượn thêm mua nhà. Dù sao an cư mới lạc nghiệp mà. Chồng ôm chị vào lòng bảo em tính gì cũng phải hết. Chị cười tươi, chuyện.

7 tháng sau ngày cưới, chị Ngọc sinh con. Một bé gái kháu khỉnh và giống chồng như đúc. Chồng chị ít về nhà vì năm cuối, cần tập trung toàn bộ cho việc học. Chị không trách chồng mà còn thương nhiều hơn. Chị nổi đóa bực tức khi nghe mấy người nói ra nói vào sợ chồng chị có người khác.

Họ bảo anh ta đi học toàn gặp gỡ những nữ sinh trẻ đẹp, khéo lại phụ chị mất thôi. Một lần chồng về chơi, chị kể cho chồng nghe chuyện đó và cười bảo ba Bảo Bảo chắc chắn không phải như vậy. Chồng chị nói em đừng để ý mấy lời linh tinh lại ảnh hưởng sức khỏe. Em phải luôn vui vẻ, khỏe mạnh để chăm sóc con thì anh mới yên tâm học tập được chứ.

Chị ôm con trong lòng, đầu dựa vào ngực chồng, cười bảo mình chẳng hơi đâu nghĩ linh tinh, có tin tưởng chồng mới kể cho chồng nghe mấy chuyện đó.

Một ngày Chủ nhật, chị gửi con cho bố mẹ để đi thăm chồng, xem chồng ăn ở ra sao. Chị cứ lo chồng mải ôn thi tốt nghiệp mà không chăm sóc bản thân rồi ốm ra thì khổ. Gần trưa, bố mẹ chị ngạc nhiên khi thấy chị quay về. Sao bảo ở đó chiều tối mới về? Sao về sớm vậy? Chị không trả lời, đón con bé từ tay mẹ, bảo nó từ nay mình mẹ sẽ nuôi con. Chị nói nhẹ tênh, chẳng buồn, chẳng khóc mà còn có vẻ bất cần. Mẹ chị không hỏi gì, ánh mắt bà chợt buồn so, bà quay vào trong thở dài nghĩ tới phận người con gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu.

Trưa đó, chị bỏ cơm, nhốt mình trong phòng. Buổi tối, ngồi ăn cơm, mẹ chị thấy mắt chị sưng mọng. Bà chưa kịp hỏi gì chị đã bảo: Con sẽ bỏ chồng. Rồi cũng chẳng để cha mẹ phải hỏi chị đã nói rõ nguyên do tại sao mình quyết định như vậy.

Hồi sáng, chị xuống chỗ chồng mới biết rõ bao lâu nay chồng không về nhà bởi anh ta đã có người con gái trẻ đẹp khác. Chắc cô gái ấy cũng kém chị cả chục tuổi. Thấy chị, cô gái rụt rè chào, lấy vội chiếc áo dài tay khoác lên người, che đi chiếc áo hai dây trễ nửa ngực, mỏng manh. Chị tròn mắt, áo của chồng chị mà, còn anh chồng thì luống cuống, thanh minh rằng anh và bạn đang học nhóm. Chị chẳng nói gì, chẳng nổi nóng như khi người ta nói bóng gió rằng chồng chị có người khác, chị cũng không đánh ghen, không khóc lóc, chất vấn.

Chị ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn một lượt khắp căn phòng trọ. Ừ thì có học nhưng sao chỉ có hai người khác giới, sao lại ăn mặc thế kia. Sao lại có nhiều đồ nữ phơi ở cây phơi trước cửa? Chị đứng dậy nói một câu lạnh tanh:

- Ly dị đi.

Mặc anh chồng chạy theo thanh minh này nọ, năn nỉ, xin lỗi các kiểu, chị vẫn về. Chị có thể vất vả nuôi chồng, có thể một mình cáng đáng gia đình cho chồng toàn tâm toàn ý học hành nhưng chị không thể chấp nhận bị phản bội.

Bến đỗ cuộc đời - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Sau bữa ấy, người trong xóm tôi có thấy anh chồng về nhà chị một lần và từ đó không bao giờ quay trở lại nữa. Còn chị cũng ít cười nói hẳn. Chị làm việc ít tập trung, có bữa ngồi may mà chị chạy cả cây kim đâm vào ngón tay. Nghe đâu mãi mới tháo được cây kim ra khỏi máy rồi mang cả cây kim ở tay đó xuống bệnh viện.

Chị đi làm lại, người ta sợ, chuyển chị sang bên kiểm đếm, đóng gói. Cái đó là an toàn nhất nhưng chị vẫn không thể tập trung, đếm hay bị nhầm, xếp sản phẩm bị lộn size. Người ta chưa nói cho chị nghỉ việc vì còn ái ngại, dù gì chị cũng gắn bó với cái xưởng may này chục năm có lẻ, từ ngày nó mới ra đời cơ mà. Nhưng chị nhận thấy điều không ổn ở mình nên đã chủ động xin nghỉ.

Vậy thì chị còn làm được gì nữa? Chẳng làm gì. Ở nhà, trông nhà, trông con. Thời gian sau, chị nhận hàng ở xưởng may về gia công tại nhà. Cứ có việc làm thì không sao nhưng những hôm không có hàng, chị hay đi quanh con đường nhỏ trong xóm như người mất hồn, có khi chẳng để ý đến ai.

Người ta còn thấy chị đứng thẫn thờ trên cây cầu bắc qua sông Côn trong buổi chiều đi đón con về. Chị nhìn mãi vào dòng nước xoáy đang xoay tròn hút những chiếc lá do con chị thả xuống. Ai biết được chị đang nghĩ gì. Người ta gọi mẹ chị, bà hớt hải ra chỗ con gái đưa mẹ con chị về. Có lẽ chị vẫn còn đau khi bị chồng phản bội.

Tôi tự hỏi, chính chị là người quyết định chia tay, con gái nhỏ của chị cũng đã 3 tuổi rồi, tại sao chị còn buồn như thế. Nhưng có lẽ, chẳng ai có thể hiểu rõ nỗi đau của chị bằng chị. Cũng chẳng ai có thể giúp chị thoát khỏi nỗi đau đó nếu không phải là chính chị.

Một thời gian dài tôi không thấy chị đưa đón con đi học, cũng không thấy chị đưa con bé sang nhà tôi chơi vào buổi chiều. Mỗi lần ngang qua nhà chị, cũng không nghe thấy tiếng máy may chạy xoèn xoẹt như trước nữa. Hôm bữa gặp mẹ chị, bà có nói là chị đi làm ăn xa. Mẹ chị bảo chị phải đi để tìm lại mình chứ cứ ở nhà như thế này bà đến mất con mà cháu bà cũng mất mẹ.

Mẹ chị đã đúng.

Sau gần 1 năm, chị trở về quê, tươi tỉnh hẳn. Chị vui lại như xưa. Chị ôm con vào lòng hôn lên má con rối rít. Chị lại dẫn con sang nhà tôi chơi. Tôi cười bảo chị ngày càng đẹp ra, lúc nào cũng yêu đời như người đang yêu ý nhỉ. Chị cười gật đầu. Chị đang yêu. Chị tìm được tình yêu đích thực của mình rồi. Anh ấy làm cùng nông trường với chị, hơn chị 2 tuổi. Chính anh ấy là người đã giúp chị thoát khỏi nỗi ám ảnh của cuộc hôn nhân cũ.

Chính anh đã đồng hành với chị bao vui buồn suốt thời gian qua. Anh giục chị về quê đón con bé. Anh sẽ cùng chị chăm sóc nó, sẽ cho nó một mái ấm trọn vẹn. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị cười. Đợt này, anh cũng về cùng chị để ra mắt và xin phép cha mẹ chị tháng sau cho ba má anh ra xin rước chị về làm dâu.

Chị đang kể cho tôi nghe về lần đầu chị và anh gặp nhau thì có người đàn ông dáng vẻ hiền lành, đứng trước ngõ nhà tôi gọi “Ngọc ơi!”. Chị quay ra cười “Em ở đây” rồi vội vàng đứng dậy chào tôi ra về. Trước khi ra cửa, chị cười tươi bảo tôi: “Anh ấy đấy”, ánh mắt tràn ngập niềm hạnh phúc.

Tôi đứng ở cổng nhà mình nhìn theo, con bé đi ở giữa, anh chị đi hai bên dắt tay con. Họ vừa đi vừa nói cười vui vẻ trong buổi chiều gió mát. Tôi nhìn mãi cảnh đó, mừng cho chị đã tìm được bến đỗ thực sự của đời mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.