BỆNH... “ĐỤC ĐẼO” QUÁ KHỨ!

Chia sẻ

“Đục đẽo” quá khứ (lỗi lầm) của nhau là căn bệnh không ít người trong cuộc sống lứa đôi hay mắc phải. Bệnh ấy thoạt nhìn tưởng không mấy nghiêm trọng, nhưng “dư chấn ngầm” của nó lại vô cùng tai hại. Nó như một kiểu “khủng bố tinh thần”, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây tổn thương lòng tự trọng của người bị “khủng bố”...

Anh Tâm chị Hạnh đều là nhà giáo, có hai con. Vợ chồng rất thương yêu nhau bởi họ từng phải nắm tay vượt qua một cuộc tình đầy sóng gió do bị đôi bên cha mẹ cấm ngăn. Bình thường, anh Tâm là người đàn ông điềm tĩnh, cư xử với vợ con rất chừng mực, không hề có tính vũ phu. Vậy nhưng sống chung làm sao không khỏi có lúc va chạm. Một lần vợ chồng lời qua tiếng lại trong bữa cơm, chị Hạnh trả lời có phần hơi quá đáng khiến anh Tâm điên tiết. Mất kềm chế, anh đứng phắt dậy bưng luôn mâm cơm mới dọn… lia thẳng ra sân. Hậu quả bữa ấy cả nhà cùng nhịn đói. Tội nhất là hai đứa nhỏ: đã bị đói còn run như cầy sấy vì sợ. Chuyện ba “hung dữ” đến vậy lần đầu tiên chúng mới thấy. Riêng mẹ chúng mặt lạnh như băng, đi thu dọn “chiến trường” xong lẳng lặng chui vô giường nằm…

Chắc cũng nhận thấy hành vi của mình là quá đáng nên anh Tâm có phần hối hận. Những ngày sau anh xuống nước “làm bạn” với vợ, lăng xăng giúp vợ việc nhà để mong được xí xóa chuyện cũ. Lâu dần chuyện cũng nguôi nguôi. Cứ tưởng chị Hạnh quên nhưng chị nhất định không quên. Thi thoảng vợ chồng có gì hơi căng thẳng, ngồi vào mâm chị lại hối hai đứa con: chúng mày ăn nhanh ăn nhanh, không có… mâm nó bay ra sân là nhịn đói đó! Kiểu cứ lôi (sai lầm) quá khứ ra làm “đòn tra tấn” của chị Hạnh khiến anh Tâm vừa bực bội vừa bẽ mặt. Không ít lần đêm nằm bên gối anh phải bấm bụng hạ mình nhỏ to với chị: chuyện đã lâu, anh biết anh sai rồi. Em làm ơn để quá khứ ngủ yên, đừng cứ hở chuyện lại lôi ra “đục đẽo” nữa được không? Em cứ làm vậy sao anh dạy dỗ được con cái?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyện anh Vinh chị Nguyệt còn nghiêm trọng hơn. Lần này thủ phạm lôi quá khứ ra “đục đẽo” lại là… anh Vinh. Nguyên do thời con gái chị Nguyệt từng có một mối tình. Nồng cháy lắm, nhưng nhiều trắc trở chẳng thể vượt qua nên họ đành ngậm ngùi gạt nước mắt chia tay. Mười năm sau tình cờ gặp lại, đôi bên đều đã yên bề gia thất, nhưng – như ông bà xưa có nói – “tình cũ không rủ cũng tới” huống chi đây từng là tình nồng cháy! Chị Nguyệt nhất thời “say nắng” không kìm được có gọi điện, nhắn tin qua lại với người xưa. Chuyện vụng trộm không qua được mắt anh Vinh. Thấy bộ dạng vợ khả nghi anh âm thầm theo dõi, cuối cùng bắt quả tang đoạn chat có nội dung yêu đương trên điện thoại. Hết cách chối cãi, chị Nguyệt đành thật thà “cung khai”, xin chồng tha thứ. Anh Vinh cũng là người hiểu biết, cư xử rộng lượng. Xét thấy sự việc mới chỉ ở mức độ “ngoài da” anh đồng ý cho qua với điều kiện vợ phải hứa không được tái phạm! Đương nhiên là chị Nguyệt hứa. Không những hứa chị còn giữ lời hứa rất nghiêm túc - bởi qua giây phút yếu lòng chị cũng hiểu: chuyện “say nắng” ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng với hạnh phúc lứa đôi, không thể đùa! Về phía anh Vinh, anh cũng xử sự “trượng phu” nói lời giữ lời, không nhắc chuyện cũ. Vậy nhưng anh chỉ giữ lời khi anh còn tỉnh.

Mỗi lúc vui cùng bè bạn quá chén về nhà, rượu lại khiến anh nhớ “bài lai”. Nằm trên giường, anh cứ lè nhè lôi chuyện lỗi lầm của vợ ra để “đục”. Điều lạ là ngày mai tỉnh rượu, anh không nhớ gì chuyện đêm qua mình đã nói(!). Chị Nguyệt buồn lắm, nhưng nghĩ lỗi do mình nên cứ cố cắn răng chịu đựng - cho tới lúc chị không còn chịu đựng nổi. Một buổi chiều đi làm về anh Vinh thấy nhà cửa vắng hoe không có bóng vợ con. Thư chị để lại cho anh có đoạn viết: “…em biết, ngoài miệng anh nói tha thứ nhưng thực sự anh chưa bao giờ hoàn toàn tha thứ, hoàn toàn quên được lỗi lầm của em. Lỗi lầm ấy sẽ cứ như cái bóng đen lơ lửng, ám ảnh mãi cuộc sống vợ chồng thì sống sao nổi hả anh?”. Choáng người, anh Vinh bỏ luôn việc công ty, đôn đáo chạy ngược chạy xuôi tìm vợ. Lặn lội ròng rã cả tháng, phải nhờ người thân đôi bên trợ giúp, anh mới tìm ra chỗ chị đang nương náu nơi một thành phố nhỏ trên cao nguyên. Sụp xuống chân chị, anh nói trong nước mắt: về đi em, về nhà với anh, giờ thì anh biết anh sai rồi…

“Đục đẽo” quá khứ (lỗi lầm) của nhau là căn bệnh không ít người trong cuộc sống lứa đôi hay mắc phải. Bệnh ấy thoạt nhìn tưởng không mấy nghiêm trọng, nhưng “dư chấn ngầm” của nó lại vô cùng tai hại. Nó như một kiểu “khủng bố tinh thần”, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây tổn thương lòng tự trọng của người bị “khủng bố”. Tổn thương và giận dữ khiến bào mòn tình cảm, thành tiền đề cho nguy cơ đổ vỡ. Người ta sinh ra không ai vẹn toàn. Hãy biết sống rộng lượng để vun bồi hạnh phúc, yêu thương. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Ta không tha thứ cho người - thử hỏi - tới lúc ta phạm lỗi ai sẽ tha thứ cho ta???

Y NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.