Bi hài trong gia đình F0 đông hơn F1

Chia sẻ

Số người mắc Covid-19 tăng nhanh thời gian này làm xuất hiện ngày càng nhiều những “gia đình F0”, nơi toàn bộ hoặc phần lớn thành viên có kết quả dương tính. Không còn quá lo lắng và căng thẳng như trước, nhiều “gia đình F0” lên kế hoạch tự chăm sóc lẫn nhau, cùng vượt qua đại dịch.

Khi F0… chăm sóc F1

Anh L.C.Đ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khi đang làm, anh cảm thấy mệt, xuất hiện chứng nóng ran cổ họng và đau đầu. Sau khi thử test Covid-19, anh phát hiện mình dương tính với Sars-CoV-2.

Do đã chuẩn bị tâm lý từ trước, anh ở phòng riêng, nhường không gian sinh hoạt chung và cách ly với mọi người. Đồ ăn, thuốc men đã có vợ chăm sóc. Cần gì, anh chỉ cần gọi điện, vợ sẽ để ở cửa và anh ra lấy. Ngày đầu, sức khoẻ mọi người đều bình thường. Khoảng 2-3 ngày sau thì vợ và bố mẹ anh cũng lần lượt nhiễm bệnh. Người thì sốt, người đau đầu và đau nhức người. “Do cả nhà tôi đều dương tính nên mọi người vẫn sinh hoạt bình thường. Gia đình tôi tự cách ly, không ra ngoài và không để người khác vào nhà. Trước giờ, mẹ và vợ tôi thay nhau nấu cơm cho cả nhà, nhưng những ngày cách ly, hai người sốt, mệt, việc nấu nướng “nhường lại” cho bố và tôi” – anh Đ cho biết.

Để tăng cường sức khoẻ, các thành viên trong gia đình anh bổ sung thêm vitamin tổng hợp, uống nước cam, mỗi ngày đều xông mũi và họng 2-3 lần. Ngoài ra, khi đã cắt sốt, các thành viên lại tích cực vận động nhẹ nhàng, giữ tinh thần lạc quan. Hiện tại, sức khoẻ của mọi người đã ổn định.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Là F1 duy nhất trong nhà, khi vợ và 2 con đều dương tính với Covid-19, anh N.V.T (Long Biên, Hà Nội) bị cách ly ở phòng riêng dưới sự giám sát của 3 F0. Hôm 26/2, con trai anh đang học lớp 9 có biểu hiện sụt sịt, ho nhẹ, sau 1 ngày tiếp xúc với bạn cùng lớp là F0. Kết quả test nhanh cho thấy, con trai đã dương tính. Hai ngày sau, vợ và con gái cũng dương tính. Anh được yêu cầu cách ly trong phòng, sử dụng nhà vệ sinh riêng, nhường toàn bộ không gian sinh hoạt bên ngoài cho các thành viên nhiễm bệnh. Hằng ngày, vợ anh đảm nhiệm nấu cơm, chia làm hai phần, một phần đặt trước cửa phòng cho... F1, phần còn lại, 3 mẹ con ăn chung với nhau. “Nhiều người nói nếu F0 nấu ăn, chăm sóc cho F1 thì F1 tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ lây nhiễm. Nhưng tôi không nghĩ vậy, vì khi nấu bếp, mọi người đều đeo khẩu trang, găng tay, sát khuẩn, không tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn và người nhiễm thì nguy cơ sẽ không cao” – anh T nói. Chính vì vậy, suốt những ngày được F0 chăm sóc, anh T vẫn âm tính với Sars-CoV-2. Theo các chuyên gia y tế, việc lây nhiễm khi sử dụng chung phòng bếp không lớn, bởi chủ yếu lây nhiễm phải có sự tiếp xúc. Điều quan trọng là các gia đình F0 đông hơn F1 cần nâng cao ý thức bảo vệ và tuyệt đối tránh suy nghĩ “ai rồi cũng thành F0”.

Giữ tinh thần bình tĩnh, lạc quan 

Khi cách ly tại nhà, chị L.M.P (trú tại Gia Lâm, Hà Nội) thường xuyên chia sẻ những bức ảnh hài hước về F1 duy nhất trong nhà lên trang cá nhân, nhóm gia đình, với mong muốn truyền tải thông điệp sống tích cực trong những ngày dịch bệnh. Chồng chị là F1, đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc cho ba mẹ con đều là F0. Do vụng về, có hôm, anh nấu cơm khô, có hôm lại nhão, các món xào thì hôm đậm, hôm nhạt… Thế nhưng, các F0 vẫn vui vẻ đón nhận, đồng thời góp ý để “lần sau sẽ tốt hơn”. “Thời gian cách ly chữa bệnh cũng giúp cho nhiều đấng mày râu hiểu sự vất vả của vợ, từ đó biết chia sẻ việc nhà với vợ” – chị P nói.

Từ ngày cách ly chữa bệnh, nhóm zalo gia đình của chị P càng rộn ràng. Các thành viên trong gia đình lại gọi điện, nhắn tin động viên nhau cố gắng và giữ tâm lý thoải mái. Các con chị cũng dành thời gian để gọi điện thăm hỏi ông bà ở quê. “Tôi mong muốn Covid-19 qua nhanh để gia đình tôi trở lại nhịp sống bình thường, cùng nhau ăn bữa cơm chung chứ không phải một nhà mà hai ba mâm như thế này” – chị P cho biết.

Bị nhiễm Covid-19, nhưng chị K.Y (Cầu Giấy, Hà Nội) lại không quá lo lắng. Sau khi thông báo với mọi người trên facebook cá nhân về việc mình nhiễm Covid-19 để người tiếp xúc gần lưu ý, chị lên kế hoạch chăm sóc sức khoẻ bản thân. Trước đây, khi các con đã yên bề gia thất, chị Y dành nhiều thời gian cho công việc hơn. Do đó, thời gian điều trị Covid-19 tại nhà chính là lúc chị nghỉ ngơi. Hàng ngày, chồng chị “cơm bưng nước rót”, còn chị ở trong phòng riêng đọc sách, nghe nhạc, giữ đầu óc thanh tịnh. Chị đăng ký lớp học yoga miễn phí, học thở để phổi khoẻ mạnh. Nhờ ăn ngủ đúng giờ, điều độ, sức khoẻ chị được cải thiện nhanh chóng, bọng mắt và thâm quầng giảm hẳn, làn da sáng lên.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Còn chị M.H (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì cho biết, đầu tháng 2/2022, cả gia đình chị gồm 6 người đều là F0 gồm ông bà nội tuổi cao, có bệnh lý nền là cao huyết áp, mỡ máu, đường huyết, chồng chị bị gan nhiễm mỡ, đau dạ dày, chị và hai con. Khi nhận được tin cả nhà F0, chị cố gắng giữ tinh thần luôn tích cực, chuẩn bị một số thiết bị cần thiết như sát khuẩn, khẩu trang, máy đo nồng độ oxy, nhiệt kế, máy đo huyết áp, các loại thuốc tăng đề kháng, thuốc hạ sốt, thuốc ho, siro, điện giải bù nước… Ngoài ra, chị mua thêm một số gia vị tươi như gừng, tỏi, sả và một số gói xông khô. Sau khi cả gia đình ăn uống đầy đủ, chị chuẩn bị một nồi lá xông để cả nhà cùng xông mỗi ngày, chuẩn bị nước gừng, sả, chanh, mật ong để uống, bổ sung vitamin cho cả nhà. Hằng ngày, các thành viên đều súc họng bằng nước muối. Chị khuyến khích mọi người vận động nhẹ để tăng cường sức khoẻ; động viên bố mẹ chồng ăn uống đầy đủ, dù bị mất mùi vị, ăn trái cây nhiều vitamin như cam, ổi, uống nước chanh; uống thật nhiều nước có thể, nước ấm thì càng tốt. Nhờ được chăm sóc và rèn luyện tích cực, gia đình chị vượt qua dịch bệnh khá nhẹ nhàng. Đặc biệt, ai cũng giữ tinh thần lạc quan, trân trọng và bảo vệ sức khỏe, vượt qua khó khăn, thực hiện nghiêm những hướng dẫn, để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Theo chuyên gia tham vấn và chữa lành tâm lý Vera Diệp Chi, công ty Đào tạo và tư vấn tâm lý Phúc An, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với số lượng F0 ngày càng gia tăng. Dù cũng đã đọc và tìm hiểu các thông tin về dịch bệnh, song khi mắc Covid-19, tâm lý chung của mọi người vẫn rất hoang mang, lo lắng. Bên cạnh đó, một bộ phận lại có tâm lý “ai rồi cũng sẽ trở thành F0” nên chủ quan trong phòng, chống dịch, khiến cho dịch bệnh ngày càng leo thang. Điều đáng mừng là hiện nay, việc tiêm phòng toàn dân đã giúp giảm các triệu chứng Covid-19 tác động đến sức khoẻ, giúp ngăn chặn các rủi ro xảy ra. Cùng với phác đồ điều trị của Bộ Y tế hướng dẫn người dân mắc Covid-19 điều trị tại nhà có hiệu quả cao, tỷ lệ các gia đình có đông thành viên nhiễm Covid-19 nhưng đều khỏi bệnh sau đó. “Do đó, khi mắc Covid-19, các gia đình không nên chủ quan, cũng đừng quá hoang mang lo lắng. Các gia đình cần khai báo y tế, tuân thủ hướng dẫn của lực lượng y tế, chuẩn bị những thuốc điều trị phù hợp. Hãy coi đây cũng là thời điểm quý báu để cả gia đình được quây quần, đoàn tụ lẫn nhau” – chyên gia tâm lý Vera Diệp Chi phân tích.

Bác sỹ Đào Trường Giang, bệnh viện Xanh-Pôn cũng đưa ra lời khuyên cho các cha mẹ khi có con nhiễm Covid-19. Theo đó, cha mẹ cần để ý đến các triệu chứng của trẻ, cho trẻ ăn uống đầy đủ, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không được kiêng nước, theo dõi sát nhiệt độ, SpO2 ít nhất 2 lần/ngày. “Cha mẹ đừng nên tự ý dùng thuốc; đừng lạm dụng các vitamin và xông hơi cho trẻ, vì việc này có thể khiến trẻ bị bỏng, khiến trẻ tăng sự khó chịu. Khi trẻ có biểu hiện thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, tím tái môi, đầu ngón tay, chân, SpO2 < 95% thì cần phải báo với phường hoặc liên hệ 115 để đưa trẻ nhập viện” – bác sỹ Đào Trường Giang khuyên.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.