"Bí kíp" của hôn nhân bền vững

Chia sẻ

Tình yêu là nền tảng của cuộc sống lứa đôi, song để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và dài lâu thì bên cạnh tình yêu, vợ chồng cần có sự đồng lòng, sẻ chia trách nhiệm, trong đó có sự san sẻ việc nhà và chăm sóc con cái, tạo điều kiện và cơ hội để cả hai cùng phát triển.

Sẻ chia giúp giữ lửa hôn nhân

Những ngày này, không khí rộn ràng, náo nức chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 ngập tràn khắp nơi. Nhiều sự kiện, hoạt động của Hội Phụ nữ và các ban ngành đoàn thể cho ngày này cũng được tổ chức một cách trọng thị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ đã vất vả suốt 364 ngày, thì việc dành một ngày để tôn vinh họ lại thành ra… quá ít. Bởi cái phụ nữ cần không phải chỉ có một ngày được “nâng lên chín tầng mây” mà mỗi ngày, mỗi giờ đều nhận được sự chia sẻ, quan tâm, tạo điều kiện từ nam giới bằng những hành động thiết thực, cụ thể.

Trong cuộc sống hôn nhân, nhiều người vẫn quan niệm, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Điều đó có nghĩa là đàn ông sẽ gánh vác trách nhiệm kiếm tiền lo cho gia đình, còn phụ nữ phải có nhiệm vụ lo toan việc nhà và chăm sóc, nuôi dạy con cái. Sự phân công nhiệm vụ rõ ràng ấy vô tình khiến cho phụ nữ có nhiều áp lực trong cuộc sống, bởi ngày nay, đa số phụ nữ không còn chỉ có gắn mình quanh gian bếp mà đã bước ra ngoài xã hội, làm công việc xã hội.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với những người chồng còn đặt nặng quan niệm việc nội trợ là của vợ, còn mình chỉ có nghĩa vụ kiếm tiền là chưa hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Bởi trong thời đại ngày nay, phụ nữ đã vươn mình ra ngoài làm công tác xã hội. Sau giờ hành chính, họ quay cuồng với bao nhiêu việc nhà từ đón con, dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, bếp núc khiến họ rất mệt mỏi.

Hơn nữa, ngoài trách nhiệm với gia đình, họ còn có cả nhu cầu thăng tiến trong nghề nghiệp nên thời gian họ dành để học tập, trau dồi và bổ sung kiến thức, chiếm một lượng không nhỏ. Vì thế, người chồng biết thông cảm, chia sẻ việc nhà với vợ sẽ giúp người phụ nữ an tâm hơn trong công việc cũng như cuộc sống. Nhiều chị tâm sự, chỉ cần được chồng chia sẻ, quan tâm, dù chỉ là những hành động đơn giản như giúp vợ trông con để họ nấu ăn, nhặt rau giúp vợ, nấu cho vợ tô cháo khi đau bệnh… đã là niềm hạnh phúc lớn lao rồi. Còn đối với người chồng, khi cùng vợ chăm sóc gia đình sẽ cảm nhận được mình là một phần quan trọng trong gia đình. Con cái của những gia đình mà cha mẹ biết chia sẻ việc nhà với nhau cũng có xu hướng sống có trách nhiệm hơn, yêu thương và tôn trọng cha mẹ hơn.

Để làm được việc này, điều quan trọng là người mẹ phải tập cho con cái trong gia đình ý thức tôn trọng phụ nữ và bình đẳng giới từ nhỏ, chủ động phân công công việc trong gia đình, dành thời gian còn lại để cả nhà cùng vui chơi, chứ không phải sau giờ làm việc, trong khi người mẹ cặm cụi với việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, còn cha và con thì lại thảnh thơi ngồi xem tivi hoặc đi chơi với bạn bè. Sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của vợ, chồng, con cái trong gia đình sẽ tạo điều kiện cho nhau trong học tập, nâng cao trình độ, công tác, có nhiều điều kiện chăm sóc mối quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè…

Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã có sự san sẻ việc nhà với nhau. Đa số các ông chồng đều cho rằng, giúp đỡ vợ việc nhà là việc rất nên làm và điều đó giúp cho cuộc sống gia đình trở nên hạnh phúc hơn. Tại một diễn đàn cách đây không lâu, MC, diễn viên Phan Anh cho rằng, anh cũng từng giữ quan niệm chồng là người xây nhà, gánh vác trụ cột kinh tế gia đình nên mặc nhiên việc nhà và chăm sóc con là của vợ. Chính vì vậy, không ít lần vợ chồng anh xung đột. Tình trạng ấy kéo dài căng thẳng. Thế nhưng, suy nghĩ của con gái anh về việc “sẽ lấy chồng Tây vì họ chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn” khiến anh thay đổi.

“Giờ tôi có thể làm bất cứ việc gì trong nhà. Đó là cách tôi hiểu vợ và chăm sóc con tốt hơn” – MC Phan Anh nói. Hằng ngày, anh giúp vợ dọn nhà, rửa bát, đi chợ, nấu cơm, chăm sóc con khi rảnh rỗi. Những ngày cuối tuần, anh đảm nhận nhiệm vụ nội trợ để vợ anh có thời gian đi thư giãn, làm đẹp. Theo Phan Anh, việc anh chia sẻ việc nhà và chăm sóc con với vợ đã giúp cho vợ chồng anh vượt qua sóng gió, mâu thuẫn. Và trên hết, các con cảm nhận tình cảm của bố sâu sắc nhất khi bố dành thời gian để cùng chơi, cùng học với con.

Chồng chia sẻ việc nhà thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ

Khi ngày 8/3 đang đến gần, thì vấn đề bình đẳng giới lại càng được nhắc đến nhiều hơn. Bên cạnh những hoạt động tôn vinh phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong các gia đình, khuyến khích sự sẻ chia trách nhiệm giữa các thành viên, bao gồm việc chăm sóc con cái, phân chia công việc giữa vợ/chồng, cùng nhau tạo điều kiện để cả hai có cơ hội phấn đấu trong công việc, sự nghiệp là điều vô cùng cần thiết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Gia đình là một trong những thiết chế cơ bản của xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò và địa vị của người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trong gia đình, thời gian làm việc của phụ nữ dài hơn nam giới, theo một thống kê, thời gian làm việc trong gia đình của phụ nữ là 13 giờ, còn của nam giới là 9 giờ. Sự chênh lệch này chủ yếu là do phụ nữ còn đảm nhiệm công việc chính là nội trợ và chăm sóc con cái ngoài vai trò sản xuất và công tác như nam giới. Chính vì vậy, phụ nữ ít có cơ hội học tập, nâng cao trình độ, nghỉ ngơi hay tham gia các hoạt động xã hội.

Luật bình đẳng giới ra đời là hành lang pháp lý để điều chỉnh vị trí, các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, là nền tảng thúc đẩy sự bình đẳng của các thành viên. Nam giới là một trong những nhân tố thúc đẩy bình đẳng giới, khi chia sẻ trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình lành mạnh có sự quan tâm chia sẻ, cử chỉ tốt đẹp, hành động chia sẻ sẽ giúp cho trẻ phát triển lành mạnh. Một gia đình có sự yêu thương, chia sẻ, bố mẹ thấu hiểu lẫn nhau sẽ giúp cho các con phát triển nhân cách tốt hơn. Ngược lại, gia đình bất ổn như có bạo lực, mâu thuẫn, xung đột... thì trẻ sẽ bị tác động rất lớn đến tính cách, tâm sinh lý. Vì vậy, đấu tranh vì bình đẳng giới chính là từ sự thay đổi quan niệm, tư duy trong phân công công việc trong gia đình. Giáo dục bình đẳng giới trong gia đình cần bắt đầu từ trẻ thơ, sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện tốt bình đẳng giới hiện nay.

Chị Lê Thu Hà, Giám đốc truyền thông Trung tâm Trẻ em và phát triển CCD, admin nhóm Làm cha là thế cho rằng, tốc độ thay đổi ở xã hội hiện đại là rất nhanh, các rủi ro hay thuận lợi đến rồi đi và không có sự phân biệt giới. Do đó, việc kiếm tiền hay chăm sóc nhà cửa, con cái giữa nam và nữ là tương đương nhau, đều là những việc phải làm để duy trì và nuôi dưỡng mối quan hệ trong gia đình. Sự phân công lao động trong gia đình sẽ linh hoạt hơn rất nhiều để ứng phó với sự thay đổi này.

Ngoài ra tuỳ từng giai đoạn khác nhau của hôn nhân, vai trò và sự phân công lao động sẽ có sự ưu tiên: ví dụ trong giai đoạn đầu hôn nhân, có thể người chồng sẽ tập trung làm việc bên ngoài rất nhiều để gây dựng tài chính cho gia đình, giai đoạn có con nhỏ nên ưu tiên để người phụ nữ được ở nhà chăm sóc con… Không những thế, yếu tố cá nhân bên trong cũng ảnh hưởng bởi văn hoá quy định, tư duy “tôi sẵn sàng làm việc nhà hay tôi chưa sẵn sàng làm việc nhà” cũng sẽ ảnh hưởng đến sự san sẻ việc nhà giữa chồng và vợ.

“Việc phân công lao động rõ ràng không phải là yếu tố quyết định việc giảm bớt gánh nặng cho người phụ nữ hiện đại. Hai vợ chồng phải thực sự thực hành giá trị tôn trọng, thấu hiểu, yêu thương nhau để có sự kết nối trong gia đình. Việc chia sẻ, thấu hiểu và tạo điều kiện để cả hai cùng phát triển là một yếu tố quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới.Tuy nhiên, để làm được điều này thì hai vợ chồng cần thực sự dành thời gian cho nhau, nếu có định kiến giới hoặc bất bình đẳng giới thì cả nam và nữ đều sẽ gặp áp lực” – chị Thu Hà cho biết.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.